Quy mô thị trường dược phẩm và trang thiết bị y tế Việt Nam sẽ vượt mức 10 tỷ USD/năm vào năm 2020 và sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ nhập cuộc, thúc đẩy các doanh nghiệp ngành y tế cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường y dược Việt Nam chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, những cuộc lấn sân của các doanh nghiệp ngoại đạo.
Trong đó, các thương vụ M&A đạt giá trị cả ngàn tỷ đồng. Đó là thương vụ hệ thống Nha khoa Mỹ (NKM) sáp nhập vào Sun Medical Center (SMC); Dược Cửu Long mua Dược phẩm Euvipharm; Tập đoàn dược Adamed Group của Bà Lan chi 50 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của Đạt Vi Phú (Davipharm). Đây là thương vụ đầu tư lớn nhất của các nhà đầu tư Ba Lan vào thị trường Việt Nam.
Việc thực hiện M&A chính là bước đệm để đón đầu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019. Hồi đầu năm 2018, Tập đoàn Hoàn Mỹ cũng đã hoàn tất việc mua lại Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc.
Thị trường cũng chứng kiến sự lấn sân đồng loạt của các nhà bán lẻ như Thế giới Di động (MWG) mua 49% vốn cổ phần hệ thống nhà thuốc An Khang; Digiworld cũng tham gia phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mảng kinh doanh này cũng đã bắt đầu đóng góp vào doanh thu của Digiwold từ đầu năm 2018; FPT mua nhà thuốc Long Châu…
Đặc biệt, Tập đoàn Sao Mai có kế hoạch hợp tác với Tập đoàn Siemens (Đức) để xây dựng mô hình bệnh viện kỹ thuật số đầu tiên tại Việt Nam là Bệnh viện Kỹ thuật số Sao Mai. Hay Công ty cổ phần Sara Việt Nam tuyên bố mở rộng đầu tư sang y tế.
Thị trường tỷ USD quá tiềm năng cộng với việc Chính phủ đặt ra tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thuốc generic tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 với những chính sách hỗ trợ, càng tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp trong ngành.
Để cạnh tranh thành công và nếu không muốn bị thâu tóm, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chi các khoản đầu tư lớn vào công nghệ, dây chuyền sản xuất, quản lý hàng tồn kho, gia tăng năng lực marketing, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, phải tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
So với đại đa số doanh nghiệp nội có quy mô vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) và bề dày kinh nghiệm. Do đó, ngoài việc mạnh tay đầu tư cho sản xuất thì các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh hợp tác để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đó là lý do Triển lãm Vietnam Medipharm Expo năm nay sẽ có quy mô trên 280 gian hàng của 200 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Canada, Cộng hòa Séc, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, I Ran, Malaysia, Mỹ, Pakistan, Thái Lan, Trung Quốc, Úc, Việt Nam…
Đặc biệt trong năm nay, khu gian hàng của Cục xúc tiến Kinh tế Busan (Hàn Quốc) sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời tới khách tham quan với diện tích trưng bày 500 m2 được dàn dựng quy mô.
Trong đó gồm hơn 50 doanh nghiệp tham gia đều có thông dịch viên, đặt mục tiêu sẽ đón tiếp khoảng 5.000 lượt khách hàng quan tâm.
Các doanh nghiệp này sẽ giới thiệu tới các chuyên gia, đội ngũ y bác sỹ, các doanh nghiệp đang kinh doanh trong ngành y tế, dược phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh tại Việt Nam một mô hình khám chữa bệnh tiên tiến nhất đang áp dụng hiệu quả tại Hàn Quốc, các thiết bị, sản phẩm y tế áp ứng dụng công nghệ mới, phù hợp với nhu cầu của người dân Việt Nam.
Ngoài ra còn có khu gian hàng QATAR lần đầu tham gia sẽ giới thiệu cho giới chuyên môn và công chúng Việt Nam các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của ngành y tế Qatar.
Nguồn: baodautu.vn