“Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” là thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn và trong nội dung quảng cáo của sản phẩm thực phẩm chức năng và người tiêu dùng phải đọc được bằng mắt thường trên bao bì và các trang quảng cáo trên báo chí và truyền hình. Thực tế, bắt buộc đó đang bị đảo lộn tại một số doanh nghiệp.
Là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, hỗ trợ sức khỏe người sử dụng, hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc, không được phép kê đơn cho người bệnh. Vì vậy, thực phẩm chức năng là mặt hàng được kiểm soát chặt chẽ về ghi nhãn và quảng cáo, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Theo đó, quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm chức năng; sử dụng hình thức là các bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh hay sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng... đều là các hành vi bị cấm.
Thực tế, vì lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp bất chấp luật pháp đã dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò quảng cáo... cố tình để người tiêu dùng nhầm lẫn thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Các clip quảng cáo ra rả trên truyền hình, báo chí, mạng xã hội, núp bóng các hội thảo tư vấn sức khỏe... để “nổ” về công dụng thần thánh của thực phẩm chức năng.
Từ đó, thụ động tiêm nhiễm vào tiềm thức người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng nhiều người lạm dụng thực phẩm chức năng dẫn đến tiền mất tật mang; có không ít người quá tin vào thực phẩm chức năng mà bỏ qua các liệu trình điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ khiến tình trạng bệnh tật ngày càng nghiêm trọng.
Một số doanh nghiệp thực phẩm chức năng bị xử phạt nhiều lần vì quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng thần kỳ hơn cả thuốc chữa bệnh. Đơn cử, các sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình (349 Kim Mã, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) vẫn quảng cáo là thuốc chữa bệnh đầy rẫy trên mạng. Xuất hiện trong các clip là nhiều nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng, có nhiều ảnh hưởng đến người xem; nhiều người khác “sắm vai” là các bệnh nhân từng vật vã với đủ thứ thuốc đông, tây y nhưng vẫn không khỏi bệnh, phải đến khi dùng sản phẩm của Tâm Bình thì hoàn toàn hồi phục (!?).
“Rất nhiều bệnh nhân bị viêm thoái hóa khớp nặng, đứng lên ngồi xuống, thậm chí nằm cũng cảm thấy đau, họ đã tìm các giải pháp như xoa bóp, bấm huyệt, chấm cứu… nhưng không thuyên giảm, họ đã uống viên khớp Tâm Bình theo liều lượng chỉ dẫn trong đơn thuốc … hiệu quả chữa trị rất là cao…”, là một trong những nội dung quảng cáo của thực phẩm chức năng viên khớp Tâm Bình. Trong đó, cụm từ “Thực phẩm chức năng” bắt buộc phải gọi trước tên sản phẩm đã bị lược bỏ; cùng với nội dung nói về bệnh tật có sự so sánh giữa các phương pháp điều trị bệnh trước và sau khi dùng viên khớp Tâm Bình đã khiến người tiêu dùng hiểu sai lệch Viên khớp Tâm Bình là thuốc điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp.
Hay giới thiệu công dụng của viên thực phẩm chức năng Đại tràng Tâm Bình như giới thiệu thuốc chữa bệnh: “Đại tràng Tâm Bình, nguồn gốc thảo dược, dùng cho người bị viêm đại tràng cấp và mãn tính, đại tràng co thắt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đầy hơi, ăn uống khó tiêu”.
“Trước em bị đại tràng, uống bao nhiêu thuốc rồi mà không khỏi từ ngày dùng sang Đại tràng Tâm Bình ba tháng nay là khỏi hẳn luôn”… cố tình so sánh trực tiếp viên thực phẩm chức năng Đại tràng Tâm Bình với thuốc chữa bệnh, theo đó sản phẩm này có tác dụng thần kỳ hơn cả thuốc chữa bệnh về đại tràng.
Mặt khác, trong nhiều clip quảng cáo khác, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình còn phỏng vấn một số người được cho là người bệnh, kể về quá trình chống chọi với bệnh tật ra sao và sau khi dùng sản phẩm của Tâm Bình thì sức khỏe hồi phục như thế nào. Đặc biệt, trong các clip quảng cáo, công ty này cố tình “gán vào miệng” người bệnh khái niệm thuốc để nói về các sản phẩm thực phẩm chức năng của Tâm Bình.
Với nhiều sai phạm cố tình làm trái các quy định của pháp luật về quảng cáo, giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng và làm sai lệch các nội dung đã được cấp phép, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình từng bị Bộ Y tế xử phạt nhiều lần song các clip quảng cáo, các phóng sự dài giới thiệu sản phẩm quá lố vẫn xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông.
Là Cơ quan quản lý Nhà nước nhẹ tay, buông lỏng hay Tâm Bình quá “lì”?
(Nguồn http://tamnhin.net)