Người dân lo lắng vì đã sử dụng thuốc kém chất lượng, trong khi những loại này bị thu hồi nhưng còn ngoài thị trường.
Gần đây nhất là 6 loại thuốc của Công ty Sanofi - Aventis Việt Nam bị rút đăng ký và tạm dừng lưu hành với lý do hồ sơ đăng ký thuốc có tiêu chuẩn chất lượng không đúng với tiêu chuẩn chất lượng biệt dược gốc của nhà sáng chế. Cùng đó, các loại thuốc này cũng không đáp ứng yêu cầu công bố biệt dược gốc theo quy định của Bộ Y tế.
Bác sĩ bất ngờ
Theo nhiều bác sĩ, các loại thuốc của Sanofi bị rút số đăng ký lưu hành tại Việt Nam gồm No-spa, Telfast BD, Telfast HD, Amaryl (Glimepirid 1 mg), Amaryl (Glimepirid 2 mg), Amaryl (Glimepirid 4 mg) đều có uy tín trên thị trường, được nhiều người sử dụng. “Đơn cử là Telfast. Đây là thuốc thường được chỉ định cho những trường hợp viêm mũi dị ứng - mề đay. Dù là thuốc của Pháp nhưng giá khá mềm nên tôi thường ưu tiên khi kê cho bệnh nhân. Khi nghe thông tin các thuốc này bị tạm ngừng lưu hành, tôi khá bất ngờ” - một bác sĩ chuyên khoa dị ứng Bệnh viện Bạch Mai nói.
Không ít người bệnh lo lắng khi các loại thuốc có “tên tuổi” cũng bị rút đăng ký lưu hành
Thời gian qua, thuốc bị cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi có đủ loại từ kháng sinh, kháng viêm; trị tiểu đường, lao, dạ dày, viêm khớp… Nguyên nhân do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan, độ ẩm hay chỉ tiêu định lượng, hàm lượng nước và thuốc sản xuất không đúng với hồ sơ đăng ký… Ngoài ra, các kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương cũng cho thấy tình trạng thuốc kém chất lượng được phát hiện ngày càng nhiều.
Thu hồi không dễ
Về nguyên tắc, khi có quyết định thu hồi thì các nhà sản xuất, đơn vị phân phối có trách nhiệm thông báo đến các nhà thuốc và tổ chức thu hồi. Tuy nhiên, chị Mai Linh (chủ một hiệu thuốc ở quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết chẳng đơn vì nào sốt sắng với việc đó bởi việc kéo dài thời gian tiêu thụ các loại thuốc ấy sẽ giảm được phần nào chi phí thu hồi và tiêu hủy. Thậm chí, có doanh nghiệp chẳng chịu nhận thuốc về, cứ để nhà thuốc tự niêm phong và bảo quản. Chưa kể, nhiều loại thuốc trước khi bị phát hiện kém chất lượng, bị đình chỉ, thu hồi đã tới tay người bệnh.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết thời gian qua, cục có nhiều biện pháp đồng bộ nhằm bảo đảm thuốc có chất lượng, hiệu quả khi đến tay bệnh nhân. “Với các công ty có thuốc vi phạm, chúng tôi đều xử lý nghiêm, đủ sức răn đe và tạo chuyển biến tích cực về chất lượng thuốc nói chung. Kết quả của những biện pháp quyết liệt đó không chỉ được nhân dân đồng tình, ủng hộ mà còn là sự khích lệ đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm chân chính” - ông Cường nhấn mạnh.