Công tác quản lý việc mua bán thuốc chữa bệnh theo kê đơn tại các nhà thuốc hiện nay gần như bị buông lỏng, là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan. Trong khi đó, nhiều thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện, yêu cầu thu hồi nhưng khi tổ chức thu hồi thì thuốc đã được tẩu tán hết đến tay… người tiêu dùng.
Tình trạng bán thuốc không cần kê đơn của bác sĩ còn phổ biến
Chưa quản chặt người bán thuốc
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, kết quả khảo sát gần nhất về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc các tỉnh phía Bắc cho thấy: Có đến 88% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn, không cần kê đơn của bác sĩ. Nguyên nhân do, ngoài việc người dân có tâm lý sử dụng kháng sinh tùy tiện mà không cần có đơn của bác sĩ thì không ít dược sĩ bán thuốc cũng không đúng quy định.
Trước tình trạng đáng lo ngại trên, để phòng chống kháng thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần phải hướng tới 3 thành phần đối tượng vận động, đó là các thầy thuốc, cán bộ y tế; bệnh nhân; người bán thuốc.
Trong đó, với đối tượng là người bán thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ: “Tại Việt Nam, nếu người dân muốn mua thuốc, có thể tới bất kỳ hiệu thuốc nào cũng mua được mà không cần toa thuốc. Còn ở các nước, chỉ khi có toa thuốc người dân mới được mua thuốc. Luật Dược sửa đổi đang trình Quốc hội lần này sẽ quy định chặt hơn việc cấm mua, bán thuốc mà không có toa đơn thuốc của bác sĩ”.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong các hoạt động phòng chống kháng thuốc, Việt Nam hiện chưa hành động tích cực đối với hai đối tượng người dân và người bán thuốc, do đó cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội về Luật Dược (sửa đổi) cuối tuần qua, ĐBQH Vũ Công Tiến (đoàn ĐBQH Lâm Đồng) chỉ thêm một bằng chứng khác để chứng tỏ việc quản lý đối với người bán thuốc ở nước ta hiện còn buông lỏng: “Đang có tình trạng thuê bằng để mở cửa hàng bán thuốc, như vậy thuốc có đảm bảo không?”.
Tương tự, ĐBQH Lê Nam (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nói: “Hiện có tình trạng một dược sĩ được đứng tên rất nhiều cơ sở, cho thuê bằng, che mắt cơ quan quản lý Nhà nước”. Và như một câu trả lời cho vấn đề này, ĐBQH Phạm Xuân Thăng (đoàn ĐBQH Hải Dương) nêu: “Ở tỉnh Hải Dương có hơn 600 cửa hàng thuốc, trong khi chỉ có 2 thanh tra dược. Hai người này đi cả năm mới chỉ kiểm tra hết được một nửa, vì vậy cần thêm thanh tra mới quản lý hết được”.
Thu hồi thuốc phải nhanh chóng, quyết liệt
Trong khi việc quản lý các nhà thuốc còn khó khăn, quản lý chất lượng thuốc trên thị trường còn nhiều hạn chế thì ngay đến việc thu hồi thuốc kém chất lượng, thuốc giả sau khi cơ quan Nhà nước phát hiện vi phạm cũng đang tồn tại nhiều kẽ hở. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Thời gian để thu hồi thuốc kém chất lượng, thuốc giả kéo quá dài. Trong thời gian đó, doanh nghiệp đã kịp thời tẩu tán hết số thuốc vi phạm bị yêu cầu thu hồi”.
Để khắc phục tình trạng này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: “Trong Luật Dược (sửa đổi) tới đây cần quy định rõ việc thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng phải được thực hiện trong vòng bao nhiêu ngày, trách nhiệm nếu thu hồi không tốt thuộc về ai. Rồi khi người dân đã sử dụng phải thuốc kém chất lượng nằm trong diện thuốc bị thu hồi mà không hay biết thì họ phải có quyền khiếu nại, đòi bồi thường chứ không phải lúc đó chỉ có… rút kinh nghiệm”.
Làm thuốc giả cũng là "hành vi tội ác"
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói thêm: “Về phản ánh có hiện tượng nhiều tân dược gần hết hạn nhưng vẫn được nhập về, doanh nghiệp gia công dập lại hạn sử dụng rồi đưa ra thị trường, tôi cho rằng đó là một trong những thủ thuật để người kinh doanh tuồn thuốc kém chất lượng ra thị trường. Vì lợi nhuận người ta có thể làm tất cả”. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, để xảy ra tình trạng trên, trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước làm chưa tốt, cần phải quyết liệt hơn.
“Mặt khác, cũng cần phải có nền tảng pháp lý để có thể xử lý thật nghiêm vấn đề này, tránh tình trạng những người làm thuốc giả, thuốc kém chất lượng hưởng lợi nhuận lớn nhưng khi bị phát hiện thì chỉ bị xử lý hành chính rồi vụ việc chìm vào quên lãng, không ai chịu trách nhiệm gì. Tôi cho rằng cần xác định đây là hành vi tội ác” - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.