Để được công nhận là mỹ phẩm hữu cơ rất... tốn kém
Sự xuất hiện của mỹ phẩm hữu cơ hay còn gọi là mỹ phẩm organic như một làn gió mới, xu hướng mới của thời đại và được nữ giới nhiệt liệt ủng hộ.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ Mỹ, sản phẩm hữu cơ nói chung và sản phẩm chăm sóc sức đẹp hữu cơ nói riêng khác với sản phẩm thông thường chính ở đặc tính an toàn và quy chuẩn tạo ra nó vô cùng khắt khe. Để được công nhận là sản phẩm hữu cơ thì sản phẩm đó phải trải qua rất nhiều công đoạn kiểm tra, tốn kém.
Để được gọi là mỹ phẩm hữu cơ, sản phẩm cần đạt các yếu tố: không chứa Paraben, dầu hỏa và các dẫn xuất dầu hỏa, không có chất Sodium Lauryl Sulphate/Sodium Laureth Sulphate, không có chất thơm và hương liệu tổng hợp, không chất mầu tổng hợp FD&C hoặc D&C, không chất Propylene Glycol/Trietlamine, không thử nghiệm trên động vật… Quy trình sản xuất và bao bì của sản phẩm cũng đảm bảo yếu tố tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Theo các chuyên gia ngành mỹ phẩm, mỹ phẩm hữu cơ là loại mỹ phẩm có ít nhất 70% thành phần từ nguồn gốc nông nghiệp được chứng nhận theo chuẩn hữu cơ do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đề ra. Bên cạnh đó còn có chuẩn Cosmebio; chuẩn ECOCERT của Pháp, chuẩn Cosmos và chuẩn Nature của châu Âu, chuẩn Soil Association của Anh. Khi nhìn thấy sản phẩm được dán tem của USDA Organic, ECOCERT… nghĩa là các sản phẩm đó đã được các tổ chức uy tín xác định thành phần hữu cơ có trong sản phẩm.
Để được công nhận là sản phẩm organic hữu cơ thì sản phẩm đó phải trải qua vô số công đoạn kiểm định và rất tốn kém. Thêm vào đó, mỗi khi sản phẩm thay đổi một thành phần theo công nghệ mới thì nhãn hàng phải thực hiện quá trình đăng ký hữu cơ lại từ đầu. Do đó, một số nhà sản xuất đã từ chối xác nhận sản phẩm hữu cơ dù thực tế sản phẩm của họ chứa thành phần hữu cơ đạt chuẩn.
Nhập viện vì mỹ phẩm hữu cơ
Tuy thân thiện với người dùng và được rất nhiều chị em lựa chọn nhưng quy trình sản xuất để đảo bảo chất lượng mỹ phẩm hữu cơ là một điều không dễ dàng. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu mua nhanh, mua tiện, giá rẻ của phái đẹp không ít các sản phẩm hữu cơ “mạo danh” đã xuất hiện trên thị trường.
Bằng nhiều hình thức khác nhau, các nhà sản xuất hàng “nhái” tung các chiêu quảng cáo khiến người tiêu dùng hoang mang. Không chỉ sản xuất các sản phẩm hữu cơ giả mạo mà nhà sản xuất còn “biến hóa” các sản phẩm thường thành sản phẩm hữu cơ thông qua việc quảng cáo một thành phần hữu cơ có trong sản phẩm. Họ chỉ tập chung quảng bá về một thành phần hữu cơ chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ trong một sản phẩm chứa đầy các chất gây hại cho người sử dụng. Và đã không ít trường hợp người dùng bị đánh lừa một cách dễ dàng, để rồi tiền mất tật mang.
Gần đây là câu chuyện của chị Hoa, 35 tuổi (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi sử dụng sản phẩm hữu cơ chiết xuất rau má, mua tại cửa hàng mỹ phẩm, toàn bộ khuôn mặt chị Hoa bị nổi nhiều nốt mẩn ngứa, đau rát. Chị cho rằng đó là dị ứng ban đầu của việc sử dụng mỹ phẩm hữu cơ nên tự ý mua thuốc dị ứng về uống nhưng không khỏi. Cuối cùng, chị Hoa phải tới bác sĩ da liễu khám thì nhận kết quả bị dị ứng mỹ phẩm nặng do dùng hàng kém chất lượng.
Bác sĩ của chị Hoa cho biết, nguyên nhân có thể do mỹ phẩm "organic" chị Hoa dùng có chứa nhiều dầu khoáng gây bít lỗ chân lông khiến da bị kích ứng.
Trên nhiều diễn đàn mạng cũng ghi nhận nhiều chị em "ngậm trái đắng" khi bỏ tiền mua mỹ phẩm hữu cơ nhưng thực tế chỉ là những sản phẩm bình thường gắn mác thiên nhiên được các shop quảng cáo organic để thu hút người dùng.
Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, một sản phẩm gắn nhãn "Organic" sẽ rất khác sản phẩm nhãn "Natural". Hiện nay hầu như không có quy định cho quảng cáo các sản phẩm nhãn "Natural", do đó các sản phẩm thành phần tự hiên dù rất thấp vẫn có thể được quảng bá là "Tự nhiên". Trong khi mỹ phẩm được gắn nhãn hữu cơ nghĩa là thành phần hữu cơ bên trong sản phẩm phải đạt 95% trở lên, còn những sản phẩm có thành phần hữu cơ đạt 70% trở lên và dưới 95% sẽ được gắn nhãn "làm từ các thành phần hữu cơ". Có nghĩa là, các sản phẩm này vẫn có thể chứa thành phần độc hại. Tuy nhiên, việc người bán quảng cáo và gán cho sản phẩm "chiếc áo hữu cơ" để bán với giá cao mà không hề ghi rõ sản phẩm hữu cơ hay sản phẩm được làm từ thành phần hữu cơ gây nên sự nhập nhèm khiến cho người dùng khó phân biệt.
Cách nhận biết mỹ phẩm hữu cơ
Theo chị Vũ Phương Anh – Chuyên gia thẩm mỹ và là chủ một spa trên đường Láng Hạ, Hà Nội có kinh nghiệm sử dụng cũng như nhập khẩu mỹ phẩm organic cho biết, hiện có bốn loại chứng nhận hữu cơ mà USDA cấp: 100% hữu cơ, hữu cơ (chứa ít nhất 95% thành phần hữu cơ), làm với thành phần hữu cơ (có ít nhất 70% hữu cơ), có thành phần hữu cơ (70% hữu cơ trở xuống). Trong số đó, chỉ có 2 nhóm đầu tiên là được dán nhãn chứng nhận USDA OrganicSeal.
Theo chị Phương Anh, thông thường, các loại mỹ phẩm hữu cơ sẽ có tem chứng nhận của các hiệp hội như USDA Organic, ECOCERT, California Organic, ICEA… hiện diện trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, có một số sản phẩm có thành phần hữu cơ nhưng không qua kiểm nghiệm vì lý do nêu trên, chúng ta có thể nhận biết bằng cách xem kỹ danh sách thành phần trên tem, bao bì sản phẩm. Những thành phần hữu cơ sẽ được để từ “organic” trước thành phần đó.
Ngoài ra cũng cần nhận biết các sản phẩm này bằng việc xem kĩ danh sách thành phần trên tem, bao bì sản phẩm. Thông thường, một thành phần là hữu cơ sẽ luôn có chữ “organic” trước đó. Ví dụ trong sản phẩm có chứa nha đam sẽ được viết “organic aloe vera” thay vì “aloe vera”.
"Khi mua các sản phẩm làm đẹp, đừng tin vào quảng cáo. Hãy đọc thành phần và nhãn mác sản phẩm trước khi quyết định mua", chị Phương Anh khuyến cáo.
Nguồn: vietq