Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định 5 tội danh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định 5 tội danh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo đó, mức phạt dành cho hành vi biết rõ thực phẩm “bẩn” mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường có thể lên tới 20 năm tù. Đây được coi như một chế tài thể hiện tinh thần quyết liệt dẹp bỏ vấn nạn thực phẩm “bẩn” đang diễn ra phổ biến gây bức xúc cho xã hội thời gian qua. Xung quanh vấn đề đang được quan tâm này, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
TS. Nguyễn Huy Quang.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, chính vì chế tài hiện tại không đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm về thực phẩm “bẩn” đã và đang không giảm mà còn gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, thường xuyên hơn. Quan điểm của ông thế nào?
TS. Nguyễn Huy Quang: Quả thực là trong vai người tiêu dùng, tôi rất hoang mang khi thường xuyên phải nghe, xem, đọc những thông tin liên quan đến thực phẩm “bẩn”. Nào là lợn sữa bốc mùi, nào là tim đông lạnh hàng chục năm, nào là chân giò mốc xanh, rồi tôm cá có dư lượng kháng sinh, rau tưới bằng nhớt xe... Trên thực tế thực phẩm “bẩn”, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí không đủ điều kiện VSATTP từ quá trình sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Hiện chúng ta đang xử lý theo khung hình phạt có sẵn theo luật. Trong luật có ghi rõ khung hình phạt cho các vi phạm này như thế nào thì chúng ta chỉ được phạt như vậy. Không thể nào ghi mức phạt cao hơn và nặng hơn được. Thế nhưng, từ ngày 1/7 tới đây, Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể, tại Điều 317 quy định rất chi tiết về “Tội vi phạm quy định về VSATTP”. Theo đó, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Như vậy, người chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ đều bị xử lý hình sự, phạt tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định. Nếu hành vi trên gây hậu quả nặng hơn, làm chết 1 người sẽ bị phạt 200-500 triệu đồng, phạt tù 3-7 năm, làm chết 2 người phạt tù đến 15 năm và làm chết 3 người trở lên phạt tù đến 20 năm. Tương tự, Điều 193 đã quy định chi tiết hơn về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Bên cạnh mặt hàng lương thực, thực phẩm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất 2-5 năm, không tính đến số lượng và giá trị hàng hóa...
PV: Thế nhưng, thưa ông trên thực tế hiện nay khi xử phạt vi phạm về VSATTP, nhiều địa phương thường chỉ mới dừng lại ở biện pháp… nhắc nhở. Vậy làm thế nào để luật đã ban hành nhưng phải đi vào thực tiễn?
TS. Nguyễn Huy Quang: Tôi cho rằng đây là do năng lực, chất lượng xử lý các vụ vi phạm của các cơ quan thực thi pháp luật. Nếu áp dụng thực hiện đúng theo luật thì không có việc xử phạt không đúng người, không đúng hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý rằng, về lĩnh vực vi phạm VSATTP, các cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm xử lý từng nội dung. Cụ thể là cơ quan được luật quy định xử lý hành chính, gồm có các cơ quan thanh tra, quản lý thị trường, các cơ quan công an, ủy ban nhân dân các cấp, khi phát hiện ra các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật ở mức độ xử lý hành chính thì các cơ quan đó theo thẩm quyền được xử phạt vi phạm hành chính. Còn đối với vi phạm có dấu hiệu hình sự thì phải chuyển cho cơ quan công an, cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật. Do vậy, có hai mức xử lý vi phạm VSATTP, đó là mức nặng, đúng tội danh sẽ xử lý hình sự, còn nhẹ thì chỉ xử lý vi phạm hành chính.
PV: Vậy ông có cho rằng khi áp dụng khung phạt mới trên đối với vi phạm trong lĩnh vực VSATTP thì tính răn đe cao hơn và giúp làm giảm thực trạng thực phẩm “bẩn” hiện nay?
TS. Nguyễn Huy Quang: Về quan điểm của tôi, tôi cho rằng chắc chắn là có. Theo tôi, với những sửa đổi, nhất là tăng khung hình phạt đáng kể trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ VSATTP ở nước ta.
Những quy định này khi đi vào cuộc sống sẽ là một chế tài mạnh để ngăn chặn các hành vi kinh doanh thực phẩm mất đạo đức, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người. Không chỉ vậy, khi người chủ các cơ sở sản xuất thực phẩm để gây ra ngộ độc thực phẩm phải đi tù sẽ khiến doanh nghiệp đó lâm vào tình trạng phá sản, gắn theo nhiều hệ lụy. Do đó, họ sẽ ý thức hơn được việc họ làm. Ngoài ra, chính người tiêu dùng khi ý thức được những hành vi vi phạm VSATTP, bản thân họ chính là người giúp cơ quan chức năng giám sát hành vi vi phạm đó tiến tới xử lý. Tôi cho rằng, chế tài mới về VSATTP trong Bộ luật Hình sự có hiệu quả răn đe cao hơn.
Người tiêu dùng và xã hội cũng đặt nhiều kỳ vọng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương để tình trạng vi phạm VSATTP trong thời gian tới sẽ được loại bỏ triệt để, nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thái Bình