Bác sĩ nhận tiền từ các hãng dược thường kê cho bệnh nhân thuốc đắt tiền không cần thiết hoặc thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hồi tháng một, bác sĩ tại bệnh viện Thượng Hải đã bị camera ghi lại cảnh đang nhận phong bì tiền mặt từ người đại diện của hãng dược. Bác sĩ thậm chí còn nói rằng sẽ kê đủ số thuốc để người bán hàng có thể mua một chiếc iPhone mới trong vòng một tháng.
Ở Trung Quốc, các bác sĩ bị cấm quảng cáo y tế và nhận tiền hoa hồng từ thuốc kê đơn. Bác sĩ nhận tiền hoa hồng từ công ty dược phẩm hoặc nhận phong bì từ bệnh nhân sẽ phải đối mặt với hình phạt từ khiển trách cho đến sa thải, Ủy ban Kế hoạch Gia đình và Y tế và Cục Quản lý Đông y Trung Quốc công bố trong một thông tư chung vào tháng 12/2013.
Tuy nhiên, việc bác sĩ tại bệnh viện công nhận tiền từ các đại lý dược phẩm để tăng thu nhập vẫn là vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc, theo Caixin.
Thậm chí những nhà sản xuất dược phẩm quốc tế như GlaxoSmithKline PLC, Pfizer Inc và Eli Lilly and Co đã bị phạt trong những năm gần đây vì hối lộ cho các bác sĩ và giới chức bệnh viện ở Trung Quốc.
GlaxoSmithKline plc (GSK) là công ty dược Anh có trụ sở tại London. Năm 2015, GSK là công ty dược lớn thứ 6 thế giới. Năm 2013, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng, kể từ năm 2007, GSK đã chi hơn 400 triệu USD tiền hoa hồng cho các bác sĩ và bệnh viện, thông qua hơn 700 trung gian, theo Telegraph.
Chính quyền Trung Quốc đã bắt 4 giám đốc điều hành của GSK trong cuộc điều tra kéo dài 4 tháng về những cáo buộc rằng các bác sĩ được hối lộ tiền mặt và tình dục. Năm 2014, tòa án Trung Quốc kết luận công ty phạm tội hối lộ và bị phạt 490 triệu USD. Mark Reilly, người đứng đầu hoạt động của GSK ở Trung Quốc, nhận án tù treo ba năm. Reilly bị trục xuất khỏi Trung Quốc và bị công ty đuổi việc.
Hãng dược Thụy Sĩ Novartis cũng bị cáo buộc hối lộ ở Trung Quốc. Họ bị tố đã trả cho các bác sĩ 8.000 USD để kê thuốc chống ung thư của họ, Sandostatin LAR từ năm 2009 - 2013. Năm 2013, công ty dược Mỹ Eli Lilly and Co đã bị một cựu nhân viên tố cáo đã chi 490.000 USD tiền hoa hồng cho các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân thuốc insulin (dùng để trị tiểu đường) của hãng này, báo Trung Quốc The 21st Century Business Herald đưa tin.
Tờ này nói rằng mỗi khi kê đơn thuốc cho một bệnh nhân, các bác sĩ nhận được khoản tiền lên đến 130 USD từ Lilly. Các bác sĩ được yêu cầu điền vào thẻ mỗi khi kê đơn. Các đại diện của Lilly sau đó thu thẻ và trả tiền cho bác sĩ.
Các nhân viên đại lý của Lilly sẽ được đánh giá dựa trên số lượng thẻ họ mang về. Những người có tổng số thẻ cao được thưởng, những người không đạt chỉ tiêu bị loại khỏi đội.
Bác sĩ càng kê đơn thuốc nhiều từ một nhãn hiệu nào đó thì càng hưởng nhiều hoa hồng từ nhà sản xuất, một quan chức y tế về hưu ở Thượng Hải nói với Caixin. "Các nhà quản lý thường nhắm mắt làm ngơ trừ khi họ nhận được lời tố cáo cụ thể", ông nói. "Nhưng có rất ít người tố cáo".
Vì tiền hoa hồng, các bác sĩ thường kê cho bệnh nhân nhiều loại thuốc đắt tiền mà bệnh nhân không cần đến và đôi khi còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ, nhiều chuyên gia y tế nói với Caixin.
Theo Caixin, các bê bối bị phơi bày và sự phẫn nộ của công chúng ít khả năng chấm dứt được thực tiễn này vì gốc rễ vấn đề nằm ở hệ thống.
"Một hệ thống tốt sẽ không chừa chỗ cho người phạm tội, nhưng hệ thống y tế hiện nay ở Trung Quốc biến bác sĩ thành kẻ ác", Su Xiaojun, bác sĩ gây mê tại bệnh viện quân y hàng đầu ở Bắc Kinh, nói.
Theo Duan Tao, lãnh đạo Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em ở Thượng Hải, hầu hết bệnh viện trong nước đều do chính phủ kiểm soát, nhưng ngân sách công chỉ chiếm khoảng 10% ngân sách cần thiết để vận hành cơ sở.
Bệnh viện phải tự kiếm tiền để trang trải hầu hết các khoản chi tiêu. Vì nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc tính phí cho các dịch vụ như tư vấn và chăm sóc nội trú, các bệnh viện phải tìm cách kiếm thêm tiền qua bán thuốc và xét nghiệm y tế.
Trọng tâm vấn đề là mức lương cơ bản thấp của các bác sĩ tại bệnh viện công. Cuộc khảo sát năm 2015 với gần 30.000 bác sĩ Trung Quốc bởi DXY.cn, một cộng đồng trực tuyến cho nhân viên y tế và dược sĩ, cho thấy các bác sĩ kiếm được trung bình 77.000 NDT (11.700 USD một năm).
Mặc dù mức này đã cao gấp ba lần thu nhập trung bình của người dân thành thị trên cả nước, 3/4 số người được khảo sát cho biết họ không hài lòng với thu nhập vì họ đã đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để có được bằng cấp y khoa và thường phải làm việc thêm giờ.
Hơn 2/3 nói rằng họ thường làm việc từ 8 -10 giờ một ngày và hơn 1/4 nói rằng họ làm việc hơn 10 tiếng một ngày.
"Bạn có nghĩ việc bác sĩ như tôi kiếm tiền bằng một thợ cắt tóc là bình thường không?", ông Su nói tại bệnh viện quân y ở Bắc Kinh. Ông cho biets nếu các bác sĩ được trả lương hợp lý, hầu hết sẽ ngừng nhận quà tặng và phong bì tiền mặt.
Bà Zhai Xiaomei, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đạo đức Sinh học tại Đại học Y tế Bắc Kinh, cho rằng những thực tiễn này khiến các bác sĩ cho rằng họ có thể nhận hối lộ vì họ chưa được trả lương thỏa đáng.
"Bạn có thể tranh luận về giải pháp để cải thiện vấn đề lương thấp của bác sĩ, nhưng kiếm chác dựa vào các khoản hoa hồng là một vấn đề hoàn toàn khác và chúng ta không nên gắn hai vấn đề này với nhau".
Yu Ying, cựu bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y tế Bắc Kinh, cho biết công chúng, các nhà quản lý, quan chức bệnh viện và bác sĩ đều nhận thức được thực tế là các bác sĩ kiếm phần lớn thu nhập bằng tiền hoa hồng từ hãng thuốc và phong bì của bệnh nhân.
Tuy nhiên, giới chức đã làm rất ít để ngăn chặn vấn đề này vì họ biết rằng việc siết chặt quản lý sẽ dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống, bà Yu nói.
Theo luật pháp Trung Quốc, việc hối lộ cho bất kỳ viên chức chính phủ nào hơn 5.000 NDT (760 USD) là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, theo một luật sư tư vấn pháp lý cho các nhân viên y tế ở Bắc Kinh, cảnh sát và công tố viên không muốn điều tra hay buộc tội các bác sĩ về tội ăn hối lộ.
"Vì nếu họ làm vậy, hầu hết bác sĩ tại bệnh viện công sẽ phải đi tù", luật sư này nói. "Nếu tôi làm quan chức hành pháp, tôi sẽ không làm căng vấn đề này vì sẽ có rất nhiều bệnh nhân không được chăm sóc".
Nguồn: vnexpress.net