Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TT phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới(WHO), có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.
Phát triển dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hoá có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020; xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên, xây dựng được từ 02-05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 01-02 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trống, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới(GACH-WHO).
Đến năm 2030 thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020; phát triên được 10-15 dược liệu di thực đáp ứng nhu cầu trong nước. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10-15 giống cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn.
Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Trở thành trung tâm sản xuất dược giá trị cao trong khu vực, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc đạt khoảng 01 tỷ USD.
Đến năm 2045 Việt Nam có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền, phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.
Các giải pháp để thực hiện Chương trình bao gồm: giải pháp về thể chế, pháp luật; Giải pháp về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; giải pháp về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế và giải pháp về thông tin, truyền thông.
Bộ Y tế được giao nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương; tổ chức sơ kết vào năm 2025; năm 2030 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình.
Thông tin chi tiết về Quyết định số 2792/QĐ-BYT ngày 05/05/2021 của Bộ Y Tế về việc ban hành "Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 376/QĐ-TT ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ"
Tổng hợp theo Thư viện pháp luật, https://thaibinh.gov.vn/