Đầu tháng 8 vừa qua, trong khuôn khổ xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm tại thành phố Hyderabad, Đại sứ quán Việt Nam đã kết nối nhóm các nhà đầu tư Ấn Độ với đại diện của các chính quyền địa phương tại Việt Nam giới thiệu và thúc đẩy ý tưởng xây dựng các Công viên Dược phẩm (pharma park) - khu công nghiệp chuyên biệt trong lĩnh vực dược phẩm.
Tập đoàn Ấn Độ muốn mở khu công nghiệp dược phẩm 500 triệu USD tại Việt Nam
Mục đích của khu công nghiệp này nhằm đón các "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất dược của Ấn Độ cũng như quốc tế đến Việt Nam. Thực tế, mô hình này đã được triển khai rất thành công tại Hyderabad và các địa phương khác của Ấn Độ, biến nước này thành cường quốc sản xuất dược phẩm lớn thứ 3 thế giới.
Khu công nghiệp "Công viên Dược phẩm" sẽ có quy mô khoảng 500 ha với vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD, mong muốn tạo ra công ăn việc làm cho 50 nghìn lao động trực tiếp và 200 nghìn lao động gián tiếp, doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 5 tỷ USD.
Theo số liệu của IBEF, Ấn Độ cung cấp hơn 60% các loại vaccine khác nhau trên toàn cầu, chiếm 20% lượng thuốc gốc xuất khẩu trên thế giới. Hơn 40% nhu cầu thuốc gốc ở Hoa Kỳ và 25% ở Anh là do Ấn Độ cung cấp. Hơn 80% các loại thuốc kháng virus được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh HIV-AIDS được sản xuất bởi các công ty dược phẩm của Ấn Độ.
Đến cuối tháng 8, các doanh nghiệp Ấn Độ đã có động thái tìm hiểu đầu tư Dự án "Công viên dược phẩm" tại Thanh Hoá trong buổi làm việc trực tuyến với Đại sứ Phạm Sanh Châu, các Tham tán, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi.
Tại đây, các nhà đầu tư Ấn Độ bày tỏ mong muốn tìm kiếm hạ tầng đầu tư, phát triển sản xuất trong thời hạn 99 năm tại những khu vực có môi trường đầu tư bền vững, có kết nối với hệ thống giao thông - vận tải thuận lợi, nhất là hệ thống giao thông đường hàng không, đường thuỷ...
Vậy vì sao Ấn Độ lại chọn Việt Nam để triển khai Công viên Dược phẩm?
Theo báo cáo của SSI Research, hiện nay Ấn Độ là nhà cung cấp API (dược chất) quan trọng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty dược Ấn Độ hiện đang đẩy mạnh năng lực sản xuất khi Chính phủ nước này thực hiện gói ưu đãi tiền mặt trị giá 200 triệu USD cho các nhà máy API sản xuất kháng sinh, thuốc chống HIV, vitamin và 51 thành phần dược phẩm quan trọng khác.
Liên quan đến Công viên Dược phẩm, Chủ tịch của Tập đoàn SMS, ông Ramesh Babu trước đó cũng bày tỏ kỳ vọng đây sẽ là "đòn bảy chiến lược" để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.
"Các khu công nghiệp chuyên biệt này là nơi chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm. Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và ở các vị trí thuận tiện, công viên dược phẩm giúp các công ty giảm chi phí đầu tư nhưng lại tăng hiệu suất và hiệu quả phát triển và sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh", đại diện tập đoàn SMS Pharmaceuticals nói thêm.
Không chỉ các doanh nghiệp Ấn Độ, các "ông lớn" từ Đức, Nhật Bản hay Mỹ cũng "âm thầm" rót vốn mạnh vào lĩnh vực này của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua. Điển hình như năm 2011, Stada Service Holding B.V (công ty con của hãng dược phẩm Stada, Đức), đã mua cổ phần Pymepharco lúc công ty này còn chưa niêm yết. Theo báo cáo tài chính quý 3/2020, Stada Service Holding B.V đã sở hữu tới 62% cổ phần Pymepharco.
Ngoài ra, còn có Taisho Pharmaceutial Holdings (thuộc Tập đoàn Taisho Holdings của Nhật Bản) mua lại 24,5% cổ phần của công ty dược lớn nhất trên sàn chứng khoán là Dược Hậu Giang (DHG) hồi giữa năm 2016. Đối tác này đến nay đã nâng sở hữu lên mức chi phối là 51% cổ phần. Ước tính Taisho Pharmaceutial Holdings đã chi ra gần 6.000 tỷ đồng để sở hữu 51% DHG.
Tập đoàn Abbot (Mỹ) cũng âm thầm mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed. Đây là công ty dược phẩm có tên tuổi trên thị trường dược phẩm Việt Nam.
Năm 2018, Abbot nâng sở hữu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) lên mức 51%. Domesco đã được CFR International SPA – công ty dược lớn nhất Chile mua 42% cổ phần vào năm 2012, nhưng sau đó CFR bị Abbot mua lại hoàn toàn vào năm 2014.
Cuối tháng 8/2020, một công ty dược khác của Nhật Bản là ASKA đã mua thành công hơn 6,5 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT), tương đương gần 25% cổ phần.
Như vậy, Việt Nam thời gian qua được đánh giá là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất để từ đó xuất khẩu sang các quốc gia khác. Nhất là khi Chính phủ đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thuốc generic (thuốc gốc) tại khu vực Đông Nam Á với những chính sách hỗ trợ, càng tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp ngoại có động lực đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, dự kiến quy trình phê duyệt thuốc cũng diễn ra nhanh hơn trong nửa cuối năm nay, sau thời gian trì hoãn đáng kể từ năm 2020 đến nay do một số vướng mắc về quy định của Cục Quản lý Dược Việt Nam.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam đón nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, cụ thể là các hãng Ấn Độ, cũng như là "bệ đỡ" để Công viên Dược phẩm sớm đi vào triển khai.
Nguồn: cafef.vn