SK từng rót 470 triệu USD mua 9,4% cổ phần của Masan Group và 1 tỷ USD cho 6% cổ phần Vingroup cùng 340 triệu USD vào TheCrownX. Việc người của SK trở thành đại diện pháp luật của Pharmacity có thể coi là bước mở đường cho tuyên bố đầu tư 100 triệu USD vào chuỗi nhà thuốc.
Chuỗi nhà thuốc Pharmacity mới đây đã bất ngờ thay đổi thông tin người đại diện pháp luật, từ ông Christopher Randy Stroud (Chris Blank) sang ông Nguyễn Như Nam (sinh năm 1989).
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Pharmacity đang thể hiện tham vọng rất lớn với thị trường dược phẩm Việt Nam mà trong đó, ông Christopher xuất hiện với vai trò người dẫn dắt. Dược phẩm là mảnh đất màu mỡ, đặc biệt là sau Covid-19.
Tham vọng đó thể hiện ở kế hoạch đến năm 2025, Pharmacity đặt mục tiêu mở được 5.000 cửa hàng, tương ứng mốc doanh thu 1,5 tỷ USD. Hiện, Pharmacity đang là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam về quy mô, với 1.118 cửa hàng tại thời điểm 30/6/2022 (bỏ xa đối thủ Long Châu của FPT Retail là 719 cửa hàng và An Khang của Thế giới di động là 523 nhà thuốc). Dù vậy, doanh thu của Pharmacity vẫn đang xếp sang Long Châu
Về phía người đại diện mới, ông Nguyễn Như Nam là người từ Tập đoàn SK đến từ Hàn Quốc. Đây được xem là bước mở đường cho tuyên bố đầu tư 100 triệu USD vào chuỗi nhà thuốc Pharmacity cuối năm ngoái của "ông lớn" này.
Báo cáo cập nhật sở hữu tính đến cuối tháng 7/2022 cho thấy SK Group đang là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu 14,5% cổ phần của Maroon Bells - công ty mẹ đang sở hữu Pharmacity.
Cùng tại mảng dược, Tập đoàn này vừa nắm quyền kiểm soát một công ty sản xuất thuốc lớn là Imexpharm (IMP) khi nâng sở hữu lên gần 54% cũng vào cuối tháng 7 vừa qua. Điều này cho thấy SK đang rất quan tâm đến lĩnh vực này.
Những thương vụ của SK tại Việt Nam
Nếu thương vụ diễn ra đúng với kế hoạch, khoản đầu tư vào Pharmacity theo đó là sẽ là khoản đầu tư lớn thứ tư của SK tại Việt Nam. Trước đó, SK đã đầu tư 470 triệu USD mua 9,4% cổ phần của Masan Group và 1 tỷ USD cho 6% cổ phần Vingroup. Vào cuối năm 2011, SK bỏ ra 340 triệu USD để mua 4,9% cổ phần của The CrownX - công ty con của Masan, sở hữu Masan Consumer Holding (MCH) và Wincomerce.
Tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc rót mạnh vốn vào 2 công ty dược Việt Nam - Ảnh 1.
Các thương vụ SK đã thực hiện tại Việt Nam
Ngoài thương vụ lớn trên, một công ty con khác của SK là SK Energy còn nắm hơn 5% cổ phần của PV Oil, trị giá gần 30 triệu USD.
Những thương vụ đầu tư liên tiếp đưa SK trở thành một trong những tên tuổi ngoại lớn nhất tại Việt Nam một vài năm trở lại đây bên cạnh ThaiBev, GIC (Singapore), Mizuho Bank và nhóm các công ty quản lý quỹ như VinaCapital, KIM (Korea), Dragon Capital.
Hiện, SK là tập đoàn kinh tế đa ngành nghề có giá trị vốn hóa thị trường gần 200 tỷ USD, đứng thứ hai tại Hàn Quốc chỉ sau Samsung và thuộc top 100 tập đoàn lớn nhất trên thế giới. Thế mạnh của Tập đoàn đang là các lĩnh vực Năng lượng, Dược phẩm - Y tế, Logistics và công nghệ thông tin truyền thông (ICT).
Từ năm 2018, Việt Nam là đất nước tại thị trường Đông Nam Á lọt vào tầm ngắm của SK khi Chính phủ bắt đầu đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các tập đoàn lớn của Nhà nước, và sau đó là cơ hội từ dịch chuyển dòng vốn, tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch. Trong chia sẻ mới nhất, SK cho biết đã và đang chú trọng đầu tư các mảng có tiềm năng tại Việt Nam gồm bán lẻ, hậu cần, fintech và mới nhất là dược phẩm.
Dược phẩm là điểm đến mới với quy mô có thể vượt 16 tỷ USD vào năm 2026
Ngành dược Việt Nam theo dự báo của IBM có thể lên đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026 khi xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe gia tăng và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cũng như tuổi thọ trung bình tăng lên.
Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, người từ 60 tuổi trở lên chiếm hơn 12% dân số vào năm 2021 và đến 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên trên 25%.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ở mức 73,5 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Đáng lưu ý, trong gánh nặng bệnh tật kép, người Việt Nam thường mắc các bệnh mãn tính, bình quân mỗi người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên có 3 bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài.
Tương ứng, thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của VIRAC, tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD (2017) lên hơn 20 tỷ USD (2021). Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.
Riêng năm 2022, dự báo quy mô ngành dược phẩm Việt Nam đạt xấp xỉ 141.400 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ, đến từ nhu cầu cho các sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng và phòng dịch, đi cùng nhu cầu điều trị các bệnh hướng thần kinh, tim mạch, hô hấp, rối loạn nội tiết… do các di chứng sau khi mắc Covid-19.
Những luận điểm trên là minh chứng cho động thái doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh với nhau mà đây còn là cuộc chiến thị phần quyết liệt với đại gia ngành dược đã có thương hiệu.
Cuộc chiến thị phần quyết liệt với đại gia ngành dược đã có thương hiệu
Điểm qua một vài tên tuổi lớn, đâu tiên là Long Châu. Miệt mài theo đuổi từ năm 2018 đến nay, chuỗi dược đã mang về lợi nhuận cho Công ty trước thời hạn. Hoạt động xuyên suốt mùa Covid-19, tổng kết năm 2021 Long Châu đạt doanh thu 3.977 tỷ đồng và lần đầu tiên báo lãi 4,9 tỷ đồng sau khi lỗ khoảng 158 tỷ đồng hai năm 2019-2020.
Lên kế hoạch cho năm 2022, Long Châu sẽ được đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng phủ ra 63 tỉnh thành và dự kiến sẽ mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng tại cuối năm 2022 lên khoảng 700-800 cửa hàng. Đặc biệt, Long Châu còn tuyên bố sẽ có khoảng 50 sản phẩm nhãn riêng trong năm nay.
Chính thức góp mặt vào cuộc đua năm nay là An Khang của Thế giới Di động (MWG). Trong thông báo cuối năm 2021, MWG bất ngờ tuyên bố sẽ mở rộng chuỗi An Khang với tốc độ rất nhanh. Cùng thời điểm, MWG đã mua lại gần 100% vốn An Khang, chính thức hợp nhất doanh thu, lợi nhuận vào Tập đoàn. Công ty cũng khẳng định sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ.
Nói về động thái này, ông Nguyễn Đức Tài cho biết muốn kiếm lợi nhuận trong ngành dược thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc.Bởi trước đây, ngành thuốc cơ bản chỉ có thuốc chữa bệnh là chính, nhưng sau đợt dịch vừa rồi thì thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng tăng trưởng rất tốt. Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam bắt đầu có những dịch chuyển từ trạng thái chữa bệnh, "đau đâu chữa đó" sang trạng thái bảo vệ sức khỏe như các thị trường phát triển hiện hữu.
Trở lại với Pharmacity, đến cuối quý 1/2022 quy mô chuỗi đã đạt mốc 1.000 cửa hàng. Công ty cho biết sẽ đầu tư khoảng 300 triệu USD để mở rộng, cho phép 50% người dân Việt Nam có thể tiếp cận với một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe đầy đủ trong vòng 10 phút lái xe. Những tham vọng này của chuỗi đang được hậu thuẫn bởi các tập đoàn lớn gồm Mekong Capital, TR Capital và SK.