Thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang được xếp vào hàng năng động nhất trong khu vực. Các số liệu từ các trang tin điện tử cho thấy, trong giai đoạn từ 2018 đến 2022, tỷ lệ phụ nữ sử dụng các sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% lên đến 86% và dự kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường này sẽ tiếp tục duy trì ở mức 15% - 20%.
Tuy nhiên, với sự tăng trưởng đáng kể cũng đi kèm những thách thức. Cạnh tranh trong ngành mỹ phẩm ngày càng cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tập trung vào chất lượng sản phẩm và đổi mới để giữ vững vị thế. Vậy, tình hình thực tế của thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam ở giai đoạn hiện tại như thế nào? Xu hướng phát triển cùng những thách thức và tiềm năng của thị trường này trong tương lai là gì? Hãy cùng GMPc Việt Nam điểm qua những vấn đề này qua bài viết sau đây:
I. Tổng quan thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam
1. Các sản phẩm ngoại nhập đang chiếm lĩnh thị trường
Theo thống kê của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, hiện nay có đến khoảng 93% các sản phẩm chăm sóc cá nhân tiêu thụ tại Việt Nam là có nguồn gốc nhập khẩu, với tổng kim ngạch nhập khẩu ghi nhận đạt khoảng 950 triệu USD vào năm 2019.
Trong đó, chiếm ưu thế tuyệt đối là các sản phẩm đến từ Hàn Quốc với 30% tổng thị phần, theo sau là Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, và Hoa Kỳ. Ngoài ra, các sản phẩm đến từ Trung Quốc và Singapore hiện cũng đang chiếm lĩnh một tỷ lệ thị phần nhất định
Như vậy, có thể thấy các sản phẩm từ Hàn Quốc đang gần như chiếm lĩnh thị trường bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam. Đây là điều không đáng ngạc nhiên, bởi Hàn Quốc vẫn luôn được biết đến là một quốc gia sở hữu rất nhiều thương hiệu sản phẩm trang điểm và chăm sóc da nổi tiếng thế giới.
Thông qua nhiều kênh truyền thông đa dạng như mạng xã hội, chiến dịch quảng cáo, hay blog hướng dẫn làm đẹp, những thần tượng và gương mặt người nổi tiếng khác tới từ Hàn Quốc đã góp phần tạo nên làn sóng chăm sóc sắc đẹp cá nhân và đẩy mạnh sự phát triển của thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam.
Các hãng mỹ phẩm như The Face Shop, Innisfree, 3CE,… đều mời các ca sĩ hoặc diễn viên nổi tiếng của xứ sở kim chi làm gương mặt đại diện cho thương hiệu, bao gồm nhóm nhạc nam đình đám BTS, SNSD,…
2. Các thương hiệu mỹ phẩm nội địa đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường
Từ trước đến nay, các thương hiệu trong nước tại Việt Nam hiện chủ yếu tập trung phát triển phân khúc sản phẩm giá cả phải chăng, với chất lượng đáp ứng nhu cầu làm đẹp cơ bản nhất của người tiêu dùng.
Tuy nhiên có thể thấy, hiện nay số lượng thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam tham gia vào thị trường đang ngày càng tăng với những dòng mỹ phẩm đa dạng và độc đáo về mẫu mã không thua kém các thương hiệu nước ngoài, giá cả lại phù hợp. Đồng thời, với độ am hiểu thị trường và đặc điểm của người tiêu dùng Việt, đây là một lợi thế giúp các thương hiệu mỹ phẩm Việt tham gia và chiếm lĩnh thị trường.
Một số thương hiệu nội địa như Thorakao, Saigon Cosmetic, Sao Thái Dương, Cocoon… đang dần bắt đầu gây dựng được chỗ đứng nhất định trong quy mô thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam.
II. Báo cáo thị trường mỹ phẩm về Nhu cầu sử dụng sản phẩm
1. Báo cáo thị trường mỹ phẩm về nhu cầu theo độ tuổi
Theo báo cáo, chi phí trung bình một tháng cho sản phẩm làm đẹp của các nhóm tuổi:
• 25 -32 tuổi: 700.000VNĐ
• 33-39 tuổi: 610.000VNĐ
• 40 tuổi trở lên: 590.000VNĐ
Như vậy, độ tuổi từ 25-32 là nhóm khách hàng tiềm năng nhất bởi tần suất sử dụng sản phẩm và chi phí cho chăm sóc sắc đẹp đều đúng đầu.
2. Báo cáo thị trường mỹ phẩm về nhu cầu theo thu nhập
Qua báo cáo nghiên cứu thị trường mỹ phẩm Việt Nam, ta có thể thấy người tiêu dùng có thu nhập càng cao thì chi càng nhiều cho mỹ phẩm. Đây là 1 tín hiệu tốt cho thị trường.
3. Báo cáo thị trường mỹ phẩm theo kênh phân phối phổ biến
3.1. Cửa hàng bán lẻ
Các cửa hàng bán lẻ truyền thống như siêu thị, cửa hàng mỹ phẩm, cửa hàng dược phẩm và cửa hàng mỹ phẩm chuyên dụng,… Đây là những nơi phân phối mỹ phẩm phổ biến. Khách hàng có thể mua mỹ phẩm trực tiếp tại các cửa hàng này và được tư vấn bởi nhân viên bán hàng.
3.2. Sàn thương mại điện tử
Các nền tảng mua sắm trực tuyến như Amazon, Shopee, Tiktok,... và các trang web chuyên về mỹ phẩm là những kênh phân phối mỹ phẩm ngày càng phát triển. Khách hàng có thể tìm kiếm và mua các sản phẩm mỹ phẩm trực tuyến. Chúng thường có đánh giá và bình luận từ người dùng khác để tham khảo.
Thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển “chóng mặt”. 44% người tiêu dùng ở nhóm 25 – 32 tuổi chọn mua sản phẩm trên kênh online.
3.3. Kênh trực tiếp từ nhà sản xuất
Một số công ty mỹ phẩm có thể bán sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên trang web của họ hoặc qua các cửa hàng cửa hàng có sẵn.
Kênh phân phối trực tiếp của thương hiệu đang dẫn đầu về mức độ tiếp cận với người tiêu dùng.
3.4. Kênh TV mua sắm
Một số công ty mỹ phẩm sử dụng các kênh TV mua sắm để quảng bá và bán sản phẩm của họ. Khách hàng có thể xem các đoạn quảng cáo mỹ phẩm trên TV và mua sản phẩm qua các số điện thoại hoặc trang web được cung cấp trong quảng cáo.
III. Cơ hội và thách thức của thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam
1. Tiềm năng của thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam
1.1. Cơ hội rộng mở cho các thương hiệu mỹ phẩm ngoại nhập
Xuất phát từ tâm lý thích sử dụng các sản phẩm ngoại nhập của người tiêu dùng Việt Nam, các thương hiệu mỹ phẩm ngoại luôn được quan tâm và ưa chuộng.
Theo thống kê, những sản phẩm mỹ phẩm được nhập khẩu nhiều nhất của thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam bao gồm sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm da mặt, son môi, cũng như nhóm sản phẩm phục vụ tạo kiểu tóc và cạo râu dành riêng cho nam giới.
Cụ thể hơn, theo thông tin từ báo Thanh Niên, trong phân khúc sản phẩm trang điểm, nhóm sản phẩm trang điểm cho mắt được xác định là chiếm thị phần lớn nhất.
Sản phẩm trang điểm mắt hiện chiếm tổng giá trị tiêu thụ đạt trên 140 triệu USD vào năm 2019. Tiếp theo là nhóm sản phẩm trang điểm cho môi và nhóm sản phẩm trang điểm cho mặt, với tổng giá trị tiêu thụ năm 2019 đều đạt trên 100 triệu USD.
Xu hướng này càng được đẩy mạnh với sự xuất hiện trong những năm gần đây của hàng loạt nhà phân phối mỹ phẩm quốc tế tại thị trường Việt Nam như Watsons, Guardian, Pharmacity, hay Matsumoto Kiyoshi.
Đáng chú ý, các chuỗi bán lẻ mỹ phẩm trên mới chỉ tập trung phát triển tại một số đô thị lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, bởi đây chính là những nơi tập trung nhiều đối tượng khách hàng trung lưu và thượng lưu với nhu cầu sử dụng mỹ phẩm cao.
Đồng thời, nhận ra tiềm năng phát triển của thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam, rất nhiều hãng sản xuất mỹ phẩm lớn và cao cấp trên thế giới cũng đã hoặc mở văn phòng đại diện, hoặc xây dựng các kênh phân phối và bán lẻ trực tiếp tại Việt Nam, ví dụ như:
• Unilever: chiếm khoảng 12% thị phần Việt Nam, với các thương hiệu nổi tiếng như Pond’s
• Beiersdorf Vietnam: với các thương hiệu nổi tiếng như Nivea
• LG Vina Cosmetics: với các thương hiệu nổi tiếng như Ohui (phân khúc sản phẩm cao cấp), The Face Shop…
• AmorePacific Vietnam: với các thương hiệu nổi tiếng như Laneige, Innisfree…
• L’Oreal Vietnam Co Ltd.
1.2 Nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào với giá thành rẻ
Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sức khoẻ của bản thân. Đồng thời cũng ngày càng chú trọng hơn tới thành phần có trong các sản phẩm làm đẹp trên thị trường.
Điều này mở ra nhiều cơ hội mới cho các hãng mỹ phẩm tham vọng mở rộng phát triển thị phần nhiều hơn so với hiện tại, cũng như những hãng mỹ phẩm mong muốn bắt đầu thâm nhập vào thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam là một quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, với khả năng canh tác nhiều loại thảo dược và thực vật phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm như dừa, nghệ, trà xanh, lô hội…
Điều này giúp cung cấp nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào với giá thành rẻ, cho phép các doanh nghiệp có thể phát triển hệ thống dây chuyền sản xuất sản phẩm nguồn gốc tự nhiên và hữu cơ ngay trong nước, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, việc đặt hệ thống dây chuyền sản xuất ngay tại Việt Nam cũng đem lại lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả rất lớn cho các thương hiệu quốc tế, bởi sự chênh lệch đáng kể giữa thuế giá trị gia tăng (khoảng 10%) và thuế nhập khẩu đối với nhóm hàng mỹ phẩm (khoảng 10% – 27%).
Ví dụ, một sản phẩm dầu gội đầu tại Đức có thể chỉ có giá tương đương 45.000 đồng, thì khi về Việt Nam người tiêu dùng lại cần phải chi ra số tiền lên tới 80.000 đồng.
2. Thách thức của thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam
2.1. Thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang thiếu tính ổn định
Song hành với cơ hội là những thách thức vẫn đang tồn tại, mà đáng chú ý nhất chính là việc thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn khởi đầu và thiếu tính ổn định.
Cụ thể, như đã đề cập, một động lực lớn đối với thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam chính là làn sóng văn hoá Hàn Quốc, mà giới nghệ sĩ thần tượng và người nổi tiếng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng tiêu dùng.
Chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi yếu tố khách quan liên tục thay đổi đó, thị hiếu tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam cũng trở nên thiếu tính ổn định, đặt ra thách thức đối với cả các hãng sản xuất lẫn các kênh phân phối mỹ phẩm – bởi chỉ cần tiếng nói của một vài thần tượng thôi cũng có thể tạo thành sự chuyển dịch rất lớn đối với thị trường.
2.2. Giá thành sản phẩm của thị trường
Một thách thức đáng kể khác mà cả các hãng sản xuất lẫn các kênh phân phối mỹ phẩm cần phải cân nhắc chính là sự nhạy cảm đối với giá thành sản phẩm của thị trường. Để có thể duy trì lợi thế cạnh tranh, thì các hãng sản xuất và các kênh phân phối mỹ phẩm cần thiết phải tập trung vào nhóm những sản phẩm nằm trong khoảng giá thành phù hợp với sức mua của người tiêu dùng trong nước.
Như đã đề cập, việc xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất trong nước được coi là một giải pháp tuyệt vời cho vấn đề này.
Xem thêm:
Lập báo cáo dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mỹ phẩm GMP
Tư vấn trọn gói xây dựng nhà máy mỹ phẩm GMP
2.3. Thị hiếu mua sắm mỹ phẩm của người Việt Nam
Ngoài ra, các hãng sản xuất mỹ phẩm đến từ phương Tây cũng cần phải lưu tâm tới một thách thức mang tính đặc thù. Đó là việc bộ phận không nhỏ người tiêu dùng trong nước hiện vẫn đang giữ niềm tin rằng những sản phẩm nguồn gốc Á Đông là phù hợp hơn với đặc trưng làn da của bản thân cũng như điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Bởi vậy, người Việt ưa chuộng sử dụng những loại mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc hay Nhật Bản, hơn là những loại mỹ phẩm đến từ châu Âu hay Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trở ngại này hoàn toàn có thể được giải quyết, nếu các hãng sản xuất mỹ phẩm đến từ phương Tây cho thấy cam kết mạnh mẽ của họ đối với chất lượng sản phẩm, bởi người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn quan tâm nhiều hơn tới yếu tố chất lượng.
IV. Những xu hướng thị trường mỹ phẩm năm 2024
1. Tính bền vững
Làm đẹp đang dần chuyển từ việc tập trung vào nguyên liệu sạch sang tính bền vững của sản phẩm. Bền vững trong suốt vòng đời của sản phẩm. Từ nguyên liệu đầu vào đến khi thải bỏ sản phẩm. Người tiêu dùng không chỉ xem xét bao bì sản phẩm được làm bằng gì mà còn xem chúng có thể tái chế được hay không.
Để bắt kịp xu thế này, các thương hiệu đang đặt tính bền vững lên hàng đầu. Trong hầu hết các sản phẩm, dịch vụ mới, người tiêu dùng đều có thể thấy được tính bền vững của chúng. Dù ít hay nhiều thì đều có lợi đối với môi trường.
Chẳng hạn như, bảng màu phấn mắt tái chế của Athr. Athr không sử dụng các vật liệu khó tái chế như gương hoặc nam châm. Phần vỏ hộp sản phẩm này được làm từ nhôm và giấy. Vì vậy, sau khi sử dụng xong, bạn chỉ cần tách riêng hai thứ ra và bỏ chúng vào thùng tái chế.
2. Hạn mức chi tiêu
Khủng hoảng kinh tế, lạm phát gia tăng đã ảnh hưởng đến mức độ chi tiêu của người tiêu dùng. Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường mỹ phẩm cho thấy hơn 80% người tiêu dùng nhận thấy giá cả sản phẩm làm đẹp tăng cao.
Kinh tế bất ổn, giá cả gia tăng khiến cho khả năng chi tiêu cùng như nhu cầu của khách hàng thay đổi. Có người có thể chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ làm đẹp, trong khi người khác có thể hạn chế ngân sách cho mục đích này.
Theo một cuộc khảo sát của NIQ năm 2022 về dự định mức độ chi tiêu cho sản phẩm làm đẹp,
• 24% người tiêu dùng dự định chi tiêu ít hơn.
• 47% dự định chi tiêu như cũ
• 29% dự định chi tiêu nhiều hơn.
Các công ty mỹ phẩm cần điều chỉnh sao cho phù hợp với ví tiền chung của người tiêu dùng. Đồng thời cân nhắc đến hạng mục có thể đem lại rủi ro cao.
3. Những làn sóng của sự đổi mới
Năm 2022 là một năm trầm của thị trường mỹ phẩm. Số lượng sản phẩm ngành làm đẹp giảm 13% so với năm trước. Công ty tập trung vào những thách thức xung quanh các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát,… Vì vậy sự thay đổi và sáng tạo đã thị trường làm đẹp đã bị hạn chế.
Bước sang năm 2023, xu thế này đang tiếp tục và có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, điều này là tạo nên làn sóng mới mẻ cho thị trường mỹ phẩm. Với ít sự cạnh tranh hơn về không gian trưng bằng, đây là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp cho ra mắt sản phẩm mới. Các doanh nghiệp muốn thương hiệu và sản phẩm của mình được người tiêu dùng đón nhận nên cân nhắc một số xu thế ngày nay.
Một số xu thế đang được quan tâm ngày càng nhiều như sản xuất bền vững, sự tin cậy (người nổi tiếng), tính cá nhân hoá hay tính toàn diện, nguyên liệu sạch,…
4. Sức ảnh hưởng của thương hiệu nổi tiếng
Thương hiệu và danh tiếng của một công ty mỹ phẩm có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết định mua của người tiêu dùng. Chúng được xây dựng qua thời gian và được liên kết với chất lượng, sự đáng tin cậy và phong cách của sản phẩm. Một thương hiệu nổi tiếng và có danh tiếng tốt thường có sự ưu ái từ phía người tiêu dùng.
Các thương hiệu nổi tiếng đang tạo ảnh hưởng lớn đến thị trường làm đẹp. Doanh thu của các thương hiệu nổi tiếng tăng nhanh chóng. Theo một báo cáo thị trường mỹ phẩm cho thấy doanh thu của các thương hiệu làm đẹp nổi tiếng có tốc độ tăng trưởng năm 2022 là hơn 30% so với năm trước.
Tuy nhiên hiện nay có nhiều thương hiệu xuất hiện trên thị trường. Điều này khiến cho tốc độ ra mắt sản phẩm mới cũng sẽ tăng lên. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn nhưng cũng khiến họ trở nên khó tính. Họ tự đặt cho mình nhiều câu hỏi về mục đích ra mắt của những thương hiệu này.
5. Biến động về giá
Với lạm phát kéo dài và lo ngại về suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến lựa chọn chi tiêu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng trở nên không tin tưởng vào thương hiệu. Họ quyết định mua hàng dựa trên giá trị và chức năng mà sản phẩm cung cấp.
Các doanh nghiệp ngày càng khó nắm bắt được mức giá mà người tiêu dùng chấp nhận đối với sản phẩm. Chẳng hạn như người tiêu dùng có thể mua một loại Collagen trị giá 5 triệu nhưng cũng có thể mua một loại kem chống nắng bình dân giá chỉ hơn 100 nghìn.
Để thành công trong việc thu hút khách hàng, các thương hiệu và nhà bán lẻ mỹ phẩm phải trau dồi sự hiểu biết rõ ràng về nhu cầu và động lực cơ bản của khách hàng khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp.
V. Tổng kết báo cáo thị trường mỹ phẩm
Năm 2023 đã chứng kiến sự bùng nổ của thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam, với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc và sự đa dạng hóa sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng coi trọng sức khỏe và làn da, dẫn đến nhu cầu cao về mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ. Các công nghệ tiên tiến và ứng dụng di động đã tạo ra cơ hội mới để tương tác và kết nối với khách hàng, giúp các thương hiệu mỹ phẩm xây dựng mối quan hệ gắn kết với người tiêu dùng.
Năm 2024, thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam dự kiến tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Xu hướng tăng cường ý thức về sức khỏe và làn da sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, trải nghiệm ảo và thực tế ảo sẽ được áp dụng rộng rãi để nâng cao trải nghiệm mua sắm và tương tác với khách hàng.
Để đối mặt với các thách thức và tận dụng cơ hội trong năm 2024, các doanh nghiệp mỹ phẩm cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ và tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến. Nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh sẽ là yếu tố quan trọng để thành công trong thị trường sôi động và thay đổi nhanh chóng của ngành mỹ phẩm tại Việt Nam.