Các sản phẩm đông dược ngày càng nhận được sự quan tâm, tin tưởng của người tiêu dùng. Hơn nữa, ngành đông dược Việt Nam đang nhận được sự quan tâm sát sao, khuyến khích và hỗ trợ phát triển của Chính phủ. Đây là những yếu tố quan trọng và là động lực thúc đẩy ngành đông dược có những bước đột phá lớn trong thời gian tới.
Đông dược gắn liền với đông y, là những thuốc có nguồn gốc từ cây cỏ, khoáng vật, động vật. Hiện nay, một số đông dược vẫn được bào chế theo phương pháp cổ truyền với những công thức được đúc kết, sàng lọc qua nhiều năm, số khác lại được bào chế dưới dạng hiện đại như siro, viên ngậm, nang, hoàn… để tăng thêm sự tiện dụng cho người dùng.
Trong những năm gần đây, ngành đông dược Việt nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Số lượng các sản phẩm đông dược ngày càng phong phú, đa dạng, đóng góp đáng kể vào việc cung ứng nguồn thuốc chủ động trong nước. Nhiều sản phẩm được phát triển từ các bài thuốc y học cổ truyền và kinh nghiệm chữa bệnh trong nhân dân, trên cơ sở vận dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, đã chứng tỏ sự chuyển mình mạnh mẽ, theo hướng hiện đại hóa, tạo ra các sản phẩm thuốc an toàn, hiệu quả, tiện dụng bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của y học cổ truyền.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 – 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Theo đó, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh.
Ưu điểm nữa đông dược là nguyên liệu để chiết xuất là các loại thảo mộc có thể tự sản xuất được trong nước. Tuy nhiên thực tế hiện nay mặc dù đang cố gắng xây dựng và chuẩn hóa các vùng dược liệu, chúng ta vẫn phải nhập khẩu một phần đáng kể dược liệu từ các nước khác. Theo báo cáo, hiện nay Việt Nam mới chỉ tự cung cấp khoảng 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước EU, Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc.
Theo kết quả khảo sát của Công ty CP báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), 100% các chuyên gia nhận định ngành dược Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, trong đó gần 80% chuyên gia cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục ổn định ở mức từ 10-15%. Tuy nhiên, Vietnam Report cũng đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường dược Việt Nam bao gồm sự biến động giá nguyên liệu.
Theo đó các chuyên gia cho rằng, ngành dược Việt Nam vì vẫn bị phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dược chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, nguồn hàng cung cấp; thêm vào đó là chi phí nhập khẩu khiến giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ. Thực tế cho thấy, từ giữa năm 2018 đến nay, giá nhiều nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15% đến 80%. Giá nguyên liệu nhập khẩu biến động làm tăng giá thuốc thành phẩm, trong khi giá bán lại bị khống chế mức trần khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng không ít.
Với những nhu cầu khắt khe về nguồn cung cấp dược liệu sạch theo nhu cầu trong nước đang là bài toán khó đặt ra không chỉ dành riêng cho các cơ quan quản lý mà còn cần sự chung tay của các doanh nghiệp dược nói chung, các phòng khám y học cổ truyền và các công ty phân phối các sản phẩm Đông dược. Nếu được đầu tư thích đáng, ngành đông dược có thể chủ động nguồn dược liệu, không phải nhập khẩu như tây dược, tránh được các rủi ro về giá nguyên liệu cũng như tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ, là mục tiêu đang trong quá trình thực hiện, còn trước mắt thị trường Đông dược Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức về tăng cường công tác quản trị rủi ro đặc biệt là công tác dự trữ và kiểm soát giá nguyên liệu.
Tham khảo thêm:
Tiêu chuẩn WHO GMP là gì? Những yêu cầu đối với nhà máy đông dược đạt tiêu chuẩn GMP
Quy định chung về nhà xưởng sản xuất dược phẩm theo tiêu chuẩn WHO GMP
Quy định chung về đào tạo theo hướng dẫn GMP tại cơ sở sản xuất đông dược tiêu chuẩn WHO GMP
GMPC Việt Nam