Trước khi áp dụng GMP, nước ta có khoảng trên 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhiều sản phẩm được quảng cáo thổi phồng công dụng.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tính đến ngày 15/10/2019, 94 doanh nghiệp trên cả nước được cấp Giấy chứng nhận GMP -tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt trong sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tương đương với hàng nghìn sản phẩm được đưa ra thị trường.
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, từ năm 2018 - 2019, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị tiến hành đánh giá, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Theo quy định, từ 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận GMP thì mới được sản xuất. Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra của các địa phương tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng nhận GMP vẫn sản xuất thì chịu xử lý nghiêm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
GMP (Good Manufacturing Practices) là hướng dẫn thực hành sản xuất tốt, áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dược phẩm nhằm kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành chất lượng sản phẩm từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ chế biến; điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến đến quá trình chế biến; bao gói, bảo quản và con người điều khiển các hoạt động trong suốt quá trình gia công, chế biến. Nó đề cập đến mọi khía cạnh của quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng.
Cụ thể:
-Nhà xưởng và phương tiện chế biến được thiết kế, xây dựng phù hợp với trình tự của dây chuyền công nghệ chế biến, phân thành các khu an toàn như: tập kết nguyên liệu, chế biến, bao gói, bảo quản... Quy trình này giúp bảo đảm không lây nhiễm chéo lẫn nhau giữa nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm; giữa thực phẩm với các vật liệu bao bì, hóa chất tẩy rửa hoặc phế liệu.
-Kiểm soát vệ sinh nhà xưởng: Nghĩa là nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ và các phương tiện vật chất khác luôn đạt vệ sinh ở chuẩn cho phép. Ngoài ra, phương tiện vệ sinh, hệ thống cấp - thoát nước, các bề mặt tiếp xúc với sản phẩm, các phụ phẩm, chất thải, dụng cụ chứa đựng, đồ dùng cá nhân phải luôn ở tình trạng đạt tiêu chuẩn vệ sinh và hoạt động tốt.
-Kiểm soát quá trình chế biến: Nhà sản xuất có biện pháp kiểm soát chất lượng với nguyên liệu, quá trình chế biến; theo dõi, giám sát hoạt động vệ sinh; thực hiện phòng ngừa sản phẩm có thể nhiễm bẩn; thử nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa học, tạp chất ở khâu cần thiết để xác định nguy cơ lây nhiễm.
-Yêu cầu về sức khỏe người lao động: Nhà sản xuất có chế độ khám sức khỏe thường xuyên cho người lao động để phát hiện, điều trị và cách ly những người mắc bệnh truyền nhiễm, tránh lây lan. Những người tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định vệ sinh.
-Kiểm soát khâu bảo quản và phân phối trong vận chuyển, bảo quản thành phẩm, bảo đảm tránh nhiễm bẩn bởi các tác nhân lý, hóa, vi sinh... không làm phân hủy sản phẩm.
Khi chưa áp dụng quy định đạt GMP, nước ta có khoảng trên 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nhiều sản phẩm được quảng cáo thổi phồng công dụng khiến người dân tưởng nhầm là thuốc chữa bệnh. Cục An toàn thực phẩm đã hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ để thẩm định đạt tiêu chuẩn GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Mục tiêu là đưa nhiều sản phẩm tốt phục vụ người tiêu dùng và loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn.
Nguồn: baomoi.com