Để góp phần giải quyết thực trạng này, sáng 29.12 Báo Lao Động phối hợp cùng với Văn phòng Ban chỉ đạo 389, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế tổ chức Hội thảo: “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng TPCN” với mục đích cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cần thiết để sử dụng TPCN đúng và hiệu quả.
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế. Ông Trần Hùng – Văn phòng Ban chỉ đạo 389, GS.TS Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng y tế, TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN, cùng các đại biểu đến từ cơ quan quản lý thị trường Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TPCN và các Cơ quan Thông tin Báo chí - Truyền hình của trung ương và Hà Nội.
3 tháng, phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm
Thời gian qua, tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN vẫn diễn biến phức tạp gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng (NTD).
Trước tình hình trên, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát động mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN từ ngày 15.7.2015 đến ngày 15.10.2015.
Sau 3 tháng triển khai, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 22 tỉ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.
Có thể nói, việc đấu tranh chống hàng giả qua đợt cao điểm đã thu được nhiều kết quả to lớn. Tuy nhiên trong tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN đang bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay thì những con số nêu trên không những chưa phải là cuối cùng, mà tình trạng buôn lâu, sản xuất, kinh doanh hàng giả còn có thể diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi hơn. Đó là lý do Báo Lao Động phối hợp cùng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục An toàn thực phẩm tổ chức Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng TPCN”, diễn ra vào sáng nay (29.12).
Hội thảo ghi nhận những nỗ lực mà các cơ quan chức năng đã đạt được trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhất là các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; bàn về tình hình quản lý hoạt động sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh buôn bán TPCN hiện nay, tình hình đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh TPCN giả, nhái trên thị trường Việt Nam; cách phân biệt TPCN thật với hàng giả, nhái...
Tại hội thảo, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh: “Để tạo đột phá trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và tiếp tục triển khai, thực hiện Công điện 90 về lĩnh vực, mặt hàng TPCN, dược phẩm, mỹ phẩm nói riêng nhất định phải có sự chung tay vào cuộc không chỉ của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, mà còn phải vận động sự tham gia phối hợp của các hiệp hội, quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan truyền thông báo chí”.
Hệ thống luật xử lý vi phạm sơ hở
Thực tiễn trong công tác kiểm tra, xử lý TPCN hiện nay cho thấy, sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực TPCN là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh; vi phạm về giá bán; mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng, kinh doanh hàng tẩy xoá hạn sử dụng,...
Đáng chú ý, qua giám định của các đợt kiểm tra cho thấy nhiều mặt hàng vi phạm về chất lượng như: Chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép cho vào trong TPCN. Trên thị trường xuất hiện việc đặt hàng từ Trung Quốc thông qua các đầu nậu vận chuyển, buôn bán.
Theo Ban Chỉ đạo 389 TP.Hà Nội, một trong những vấn đề gây khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ là hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn chồng chéo, sơ hở, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động, gây trở ngại cho công tác điều tra, xử lý.