Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt khẳng định, ở thời điểm này, Việt Nam chưa mở cửa quyền phân phối dược phẩm cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm để ngăn chặn hành vi trá hình của nhiều doanh nghiệp.
Đây là quan điểm được ông Nguyễn Tất Đạt chia sẻ trong tọa đàm "Chính sách mới đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm” do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức.
Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực dược. Từ không chủ động sản xuất được thuốc, đến nay Việt Nam có thể sản xuất cung ứng được 50% thuốc cho thị trường. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài bày tỏ sự băn khoăn với quy định trong Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Dược 2016 về việc: những doanh nghiệp này không có quyền phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam.
Ông Chung Yee Seck, luật sư Công ty Luật Baker & McKenzie và đại diện cho tiểu ban pháp lý của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ bày tỏ, dự thảo Thông tư quy định các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ Nghị định 54, tức ngừng các hoạt động bảo quản và vận chuyển thuốc ngay khi dự thảo này có hiệu lực. Theo luật sư Chung, quy định này không chỉ trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trái với Luật Dược, mà còn không phù hợp với nguyên tắc bảo hộ đầu tư theo Luật Đầu tư và nguyên tắc không hồi tố của Luật ban hành các văn bản pháp luật và cam kết của Việt Nam gia nhập WTO.
Theo luật sư Lê Nết (Công ty Luật Lê Nết), dự thảo Thông tư còn nhiều bất cập và hạn chế các quyền kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong các văn bản pháp luật khác. Dự thảo Thông tư không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cho thuê hay cho mượn kho bãi. Quy định này trái với Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản cho phép doanh nghiệp được cho thuê hoặc mượn bất động sản gắn liền với đất.
Phó Cục trưởng Nguyễn Tất Đạt cho biết, dược phẩm là một lĩnh vực đặc biệt, từ sản xuất cho đến bán buôn, bán lẻ, tồn dư, bảo quản đều phải theo khuyến cáo WTO. Vì thế, vấn đề tiếp cận giá cả hợp lý, cạnh tranh vẫn còn bỏ ngỏ. Với phương châm muốn thuốc có chất lượng, minh bạch, bình đẳng đến với người dân, vì thế, khi đàm phán tự do thương mại châu Âu, khi gia nhập WTO, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục bảo lưu quyền phân phối thuốc.
Ông Đạt phân tích “Vừa qua có ba Tập đoàn làm nhiệm vụ bảo quản thuốc, sinh phẩm y tế nhưng lại có nhiều hoạt động trá hình. Có doanh nghiệp có vaccine tại Việt Nam nhưng lại không bán, gây ra tình trạng thiếu vaccine trên thị trường. Có doanh nghiệp mang thuốc đến bệnh viện nhưng khi bệnh viện chưa kịp trả tiền thì mang về, không bán nữa. Chính vì các yếu tố như vậy, nên khi chúng tôi và các bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Chính phủ chưa cho phép các doanh nghiệp ngoại có quyền phân phối”.
Như vậy, theo quy định, các doanh nghiệp nước ngoài không có quyền phân phối mà chỉ được bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn GDP theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Những quy định được đưa ra đã được nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ lưỡng và không vi phạm những quy định của WTO.
Ông Vũ Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định thêm, trong cam kết WTO, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền nhập khẩu nhưng chưa được phân phối. Sẽ có thời điểm mở cửa quyền phân phối dược cho doanh nghiệp vốn nước ngoài, nhưng chưa phải lúc này. Vì thế, điều này không hề trái với Luật Dược, bởi Điều 44 của Luật giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế quy định, và Thông tư này là để thể chế hoá điều đó. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang làm việc với các cơ quan liên quan bàn giải pháp đối phó với việc các doanh nghiệp nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện quyền phân phối.
Nguồn: nhandan.com.vn