Theo các chuyên gia, với việc Việt Nam sắp tham gia vào các Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), ngành công nghiệp dược đứng trước nhiều khó khăn và thử thách.
Tại Hội thảo về Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp dược diễn ra tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành TPHCM cuối tuần qua, GS. Nguyễn Văn Thanh từ Khoa Dược của trường cho biết, theo đánh giá phân loại của IMS Health thì Việt Nam thuộc nhóm 17 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển (pharmerging countries). Tuy nhiên, ngành dược hiện nay đang đối mặt với các thách thức rất lớn từ nhập khẩu, và sức ép này sẽ càng gia tăng trong quá trình hội nhập.
Cụ thể, trong khi nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam luôn luôn tăng, thì mức tăng trưởng của ngành dược nội địa lại chậm lại đáng kể. Năm 2009, mức tăng trưởng của ngành dược là 27%, thì đến năm 2015, tỉ lệ này giảm còn 5%. Trong khi đó, năm 2009, Việt Nam nhập khẩu 1.097 triệu đô la Mỹ dược phẩm, thì đến năm 2015 nhập khẩu dược vọt lên 2.100 triệu đô la Mỹ, gấp hai lần trong vòng 6 năm.
Cũng theo DS. Thanh, khi tham gia Hiệp định thương mại EVFTA và TPP, các công ty dược trong nước đối mặt với sức ép cạnh tranh khi thuế suất dược phẩm giảm từ 2,5% về 0%, thời gian bảo hộ với thuốc độc quyền tăng trên 17 năm.
Theo DS. Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý Dược – Sở Y tế TPHCM, khi tham gia TPP, các loại thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh... sẽ tăng thời gian bảo hộ tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn vì đa số doanh nghiệp hiện nay chỉ sản xuất các sản phẩm thuốc generic thông thường.
Bên cạnh việc gia tăng bảo hộ thuốc gốc, giá thuốc gốc chuyên khoa đặc trị sẽ duy trì ở mức cao cho đến khi hết thời gian bảo hộ...
Theo Cục thống kê, năm 2015 Việt Nam chỉ có 52% doanh nghiệp dược trong tổng số 180 đơn vị đủ tiêu chuẩn sản xuất thuốc. Công nghiệp dược Việt Nam đóng góp 1,5% GDP năm 2015.
Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do cũng mang lại những lợi ích tích cực, như sẽ có nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài liên kết đầu tư. Hiện nay có 718 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký hoạt động trong ngành dược ở Việt Nam.
DS. Nguyễn Văn Dũng của Phòng Quản lý Dược – Sở Y tế TPHCM cho biết Việt Nam đã và đang có nhiều thay đổi quan trọng để chuẩn bị tham gia Hiệp định thương mại EVFTA và TPP. Trong lĩnh vực dược phẩm, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Dược sửa đổi số 105/2016/QH13 năm 2016, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dược Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
Cũng theo ông Dũng, để đón đầu và tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp dược Việt Nam cần chủ động tìm các đối tác tương ứng thông qua các kênh đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại thế giới và khu vực, vì vậy các doanh nghiệp cần tuân thủ các điều khoản mà chính phủ đã ký kết với các nước trong lĩnh vực dược, đặc biệt cần tuân thủ các nguyên tắc về "Thực hành tốt sản xuất thuốc" (GMP-WHO) để đảm bảo chất lượng thuốc khi lưu hành trên thị trường Việt Nam và các nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần quy hoạch và phát triển công nghiệp dược: Khuyến khích và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thuốc, kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất thuốc còn bản quyền, hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất tại các nhà máy sản xuất thuốc; sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc...