Vài năm trở lại đây, thực phẩm chức năng được nhiều người xem như... “thần dược” với đủ các loại, từ "bổ thần kinh, xương khớp", "collagen giúp đẹp da, ngăn ngừa lão hóa", đến sản phẩm "giúp trẻ hay ăn, tăng trưởng chiều cao", thậm chí "hỗ trợ điều trị ung thư"… Ngộ nhận thực phẩm chức năng như "thần dược" đã sai lầm, người tiêu dùng còn đối mặt nguy cơ khác: Nạn làm giả (sản phẩm).
Mức xử phạt chưa đủ răn đe
Đầu tháng 5 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội đã kiểm tra Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và đầu tư Minh Tâm (địa chỉ số 47 phố Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa), chuyên kinh doanh hàng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm nhập từ nước ngoài. Qua kiểm tra, Đoàn liên ngành phát hiện, xử lý hơn 5.000 sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc và hàng trăm chai mỹ phẩm không có hóa đơn, trong đó nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng. Các sản phẩm này không chỉ bày bán tại trụ sở công ty, mà còn tiêu thụ trên toàn quốc dưới hình thức mua bán online.
Đây chỉ là một trong số nhiều vụ vi phạm bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, xử lý sau thời gian theo dõi, điều tra. Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, do lợi nhuận rất lớn và nhu cầu mua sắm các loại mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng để bồi bổ sức khỏe, làm đẹp, làm quà biếu,... ngày càng cao, nên hoạt động vận chuyển, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng ngày càng phức tạp. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh rất tinh vi, họ thành lập công ty đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, có công bố chất lượng sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sau đó thuê gia công tại cơ sở sản xuất khác rồi dán tem nhãn, đóng thành phẩm và đưa ra thị trường. Một thủ đoạn khác là nhập hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ sau đó dán nhãn mác Mỹ, Nhật, Australia… để bán qua các trang mạng dưới hình thức tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo tại các khối xóm... với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực. Đáng chú ý, thực phẩm chức năng còn được doanh nghiệp bán tại các hội thảo, giới thiệu sản phẩm; các công ty đa cấp bán qua mạng lưới phân phối gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, các quy định xử phạt hành chính chưa đủ răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm nên gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý khi phát hiện, xử lý.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp gian dối
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực phẩm chức năng được bán trên thị trường chủ yếu gồm 3 loại chính: Bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường miễn dịch. Khoảng 70% các loại thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường là hàng nhập ngoại (phần lớn sản xuất tại Trung Quốc và Thái Lan), 30% còn lại là hàng sản xuất trong nước.
Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định, ngành kinh doanh thực phẩm chức năng phát triển đột biến, nhưng công tác quản lý chưa theo kịp. Với các sản phẩm đơn thuần, doanh nghiệp công bố chất lượng 100%, nhưng khi giám định chất lượng sản phẩm chỉ đạt 30 - 40% thì được nhận định là hàng giả. Nhưng, việc chứng minh chủ thể làm giả sản phẩm, giả chất lượng lại không dễ, bởi phải có kết quả giám định do cơ quan chức năng giám định và phải có kinh phí thực hiện. Thực tế kiểm tra cho thấy, khâu hậu kiểm, kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng là khó nhất. Một phần do thiếu thiết bị kiểm tra, một phần do thực phẩm chức năng thuộc chuyên ngành lĩnh vực y tế, nên khi kiểm tra chỉ có thể dựa vào giấy tờ nguồn gốc lô hàng, chứ không thể nhận biết chất lượng bằng cảm quan.
Để có những giải pháp cụ thể siết chặt quản lý thực phẩm chức năng, theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn về thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, kiên quyết thu hồi và xử lý nghiêm đơn vị làm hàng giả...
Nguồn: hanoimoi.com.vn