Chiếc bánh trị giá 4,7 tỉ đô la Mỹ của thị trường dược phẩm rất hấp dẫn, khi Việt Nam có ít chuỗi bán lẻ tên tuổi, và dược phẩm chủ yếu đang được tiêu thụ qua các nhà thuốc riêng lẻ, chưa thành thương hiệu lớn, trong bệnh viện và ở ngoài phố.
Ông Trương Viết Vũ, chủ tịch hệ thống bán lẻ dược phẩm Phano, xoay người trên chiếc ghế trong phòng làm việc, tư lự vài giây trước khi trả lời về số lượng nhà thuốc sẽ được mở trong năm 2017. Sau 10 năm xây dựng hệ thống bán lẻ dược phẩm hiện đại thuộc loại lớn ở Việt Nam với 67 nhà thuốc, ông Vũ vẫn rất cẩn trọng với từng chuyển động của thị trường: “Sự thay đổi của người tiêu dùng từ nhà thuốc truyền thống sang hiện đại trong chục năm qua là có nhưng khá chậm.”
Chiếc bánh trị giá 4,7 tỉ đô la Mỹ của thị trường dược phẩm rất hấp dẫn, khi Việt Nam có ít chuỗi bán lẻ tên tuổi, và dược phẩm chủ yếu đang được tiêu thụ qua các nhà thuốc riêng lẻ, chưa thành thương hiệu lớn, trong bệnh viện và ở ngoài phố. Hiện một số ít tên tuổi xây dựng được hệ thống bán lẻ đạt chuẩn GPP (thực hành tốt nhà thuốc), quy định được bộ Y tế ban hành năm 2007 như Phano, Pharmacity, Phúc An Khang… nhưng tổng thị phần của các chuỗi này chiếm chưa tới 5%. Cũng chưa có chuỗi cửa hàng nào vượt hơn con số 100 nhà thuốc. Có nhiều rào cản đặt ra cho các nhà bán lẻ trong hành trình vượt vũ môn trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường rộng lớn này.
Phano là đơn vị đầu tiên mở nhà thuốc đạt chuẩn GPP tại Việt Nam
Phano hiện có 67 nhà thuốc, là đơn vị đầu tiên mở nhà thuốc đạt chuẩn GPP tại Việt Nam năm 2007. Khác với các nhà thuốc truyền thống, nhà thuốc GPP tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn: luôn có dược sĩ trong suốt giờ mở cửa, bảo quản thuốc đúng chuẩn về nhiệt độ, diện tích, nguồn gốc thuốc minh bạch, loại thuốc bán theo toa sẽ không bán nếu không có toa của bác sĩ…
Theo ông Vũ, các nhà thuốc GPP như của ông có chi phí đầu tư cao hơn, mất nhiều thời gian xây dựng hơn so với các nhà thuốc không theo chuẩn. Sau mười năm giới thiệu hệ thống nhà thuốc hiện đại đến với thị trường, ông Vũ cho biết, thói quen người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng trẻ như sinh viên và nhân viên văn phòng, nhóm chiếm khoảng 32% lượng khách mua hàng theo Nielsen, đã dần thay đổi từ nhà thuốc truyền thống sang hiện đại khi được tiếp cận các chuẩn mực của nhà thuốc kiểu mới. Phano cũng là hệ thống bán lẻ theo chuỗi duy nhất hiện đã mở rộng ra miền Trung và miền Tây.
Ông Chris Blank nhà sáng lập Pharmacity
Ði sau Phano, khai trương năm 2012, Pharmacity do Chris Blank, một doanh nhân nước ngoài sáng lập, mở rộng khá nhanh với hơn 10 nhà thuốc mỗi năm. Ðến nay, họ sở hữu 54 nhà thuốc và đặt kế hoạch mở 37 cửa hàng trong năm 2017. Pharmacity xây dựng lợi thế dựa trên hệ thống quản trị hiện đại, cho phép ban lãnh đạo nắm bắt số liệu kinh doanh theo thời gian thực như doanh số, thông tin giao dịch của từng cửa hàng trong hệ thống, dược sĩ nào vừa bán loại thuốc gì cho ai, giá cả và hạn sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, hệ thống quản trị có vốn đầu tư hai triệu đô la Mỹ đang tiếp tục được tối ưu hóa, tạo ra các công cụ phân tích kinh doanh hiển thị trên di động các lãnh đạo công ty và 12 chiếc tivi cỡ lớn đặt trong công ty tựa như biểu đồ chứng khoán, cho thấy sức khỏe hoạt động của từng phòng ban: “Hệ thống quản trị là lợi thế của chúng tôi, chỉ ra chúng tôi có đang đi chệch hướng không và nếu có thì sửa lại bằng cách nào,” Chris Blank, tổng giám đốc điều hành (CEO) của Pharmacity chia sẻ.
Ông chỉ vào một đường đỏ trên bảng dữ liệu cho thấy tỉ lệ thuốc hết hàng tại Pharmacity đã giảm một nửa tính từ Tết năm ngoái đến Tết năm nay, sau khi hệ thống phát hiện ra hết hàng là một trong những nguyên nhân gây khó chịu cho người tiêu dùng. Tỉ lệ này lập tức được đưa vào chỉ tiêu đánh giá hoạt động của bộ phận mua hàng để xử lý. Hiện chỉ số thuốc sẵn sàng đạt gần 96%, “thuộc loại cao nhất Việt Nam,” Chris Blank tự đánh giá. Tập trung vào dịch vụ, Pharmacity là hệ thống bán lẻ dược có chỉ số giá trị thương hiệu cao nhất thị trường bán lẻ hiện nay, theo khảo sát của Nielsen năm 2016, với 0,7 điểm.
“Có một hệ thống bán lẻ mà chúng tôi giống họ. Chuỗi đó có logo màu vàng và đen,” Chris Blank, xuất thân từ ngành tài chính nói bóng gió, ý so sánh với chuỗi Thế Giới Di Ðộng. CEO Pharmacity (đứng tên chịu trách nhiệm pháp lý của công ty là vợ người gốc Việt của Chris Blank vì bán lẻ vẫn chưa mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài) trưởng thành từ các quỹ đầu tư VinaCapital và HSC. Ngoài ra, Pharmacity còn có sự tham gia của Chris Freund và Chad Ovel, những nhà đầu tư từng tham gia hai hệ thống bán lẻ là Thế Giới Di Ðộng và Cổng Vàng, chuỗi bán lẻ ẩm thực lớn nhất Việt Nam.
Chủ tịch Phúc An Khang cũng từng là nhà đồng sáng lập Phano
Ngoài Phano và Pharmacity, một số hệ thống nhà thuốc khác gầy dựng được tên tuổi như Phúc An Khang, Sapharco, Vistar, Mỹ Châu. Phúc An Khang, với thế mạnh các nhà sáng lập xuất thân là dược sĩ (chủ tịch của Phúc An Khang, ông Nguyễn Quang Vinh từng là đồng sáng lập tại Phano) hiện có 17 nhà thuốc, gần bằng số lượng với Sapharco. Mới xuất hiện cách đây hai năm, Vistar lựa chọn địa điểm đặt nhà thuốc trong các trung tâm mua sắm TP.HCM. Ngoài Phano và Pharmacity, hiện chưa có chuỗi nhà thuốc nào nói trên vượt qua con số 20. Sau một thập kỷ, một số chuỗi nhà thuốc thương hiệu lâu năm như Mỹ Châu, với bề dày 30 năm, gần đây có dấu hiệu hụt hơi, chỉ còn lại chín nhà thuốc, giảm gần một nửa số cửa hàng so với sáu năm trước. Tương tự, một số cuộc thử nghiệm mô hình bán lẻ thuốc của Eco, Y Ðức (thuộc công ty Nguyễn Kim đã bán), SKV nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy các chuỗi này sẽ nhân rộng nhanh như cách làm của Thế Giới Di Ðộng, FPT Shop thực hiện trong 5 năm trở lại đây…
Thị trường dược phẩm, theo thống kê của Business Monitor International trong báo cáo “Ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam” đạt doanh số 4,7 tỉ đô la Mỹ năm 2016, tăng trưởng 13% so với năm trước đó và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số đến năm 2023. Trong đó, doanh số bán lẻ dược ghi nhận tỉ lệ 1/3, tương ứng 1,56 tỉ đô la Mỹ. Ba kênh phân phối chủ yếu là bệnh viện, nhà thuốc và phòng mạch tư nhân. Trong đó, nhà thuốc đơn lẻ, theo bộ Y tế, phân phối 65 - 70% lượng thuốc. “Thị trường phân mảnh rất lớn,” ông Vũ, hiện nay đồng thời là CEO công ty bán sỉ thuốc Duy Tân, vừa giữ một ghế trong hội đồng quản trị của công ty sản xuất Imexpharm, từng tham vọng cùng đội ngũ những người có nghề “thay đổi diện mạo bán lẻ dược phẩm Việt Nam” nhưng thừa nhận “rất khó”. “Nó giống như thị trường điện thoại di động 10 năm về trước,” Chris Blank bổ sung. Lĩnh vực kinh doanh có điều kiện này hiện vẫn đang được thống trị bởi hàng chục ngàn các điểm bán lẻ tư nhân đủ kiểu do chưa có hệ thống thay thế nào đủ lực kết hợp các thế mạnh chuyên môn ngành nghề, quản trị bán lẻ và bề dày vốn. Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Thế Lữ, CEO của quỹ SAM, đơn vị công bố đã mua 15% cổ phần nhà thuốc Mỹ Châu nhận xét, tỉ lệ lợi nhuận lĩnh vực này khá thấp, khoảng 10%.
Có hai dạng chuỗi đang cung ứng thuốc đến tay người tiêu dùng hiện nay. Thứ nhất là mô hình những chuỗi nhà thuốc chuyên sâu về dược theo kiểu Pháp như Phano, Mỹ Châu, Phúc An Khang… xây dựng bởi các công ty nội địa, doanh số chủ yếu là thuốc. Tại nhà thuốc Pharmacity, trong doanh số 8,5 triệu đô la Mỹ năm rồi, thuốc kê đơn chiếm 30%, thuốc không kê đơn chiếm 26%, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chiếm 33%, vitamin và thực phẩm bổ sung chiếm 9%, các mặt hàng tiêu dùng nhanh ( FMCG) chỉ chiếm 12%.
Mô hình chuỗi bán dược phẩm thứ hai theo kiểu Bắc Mỹ như Medicare, Guardian (thuộc tập đoàn Dairy Farm), cả hai đều có hơn 50 cửa hàng tại Việt Nam, có không gian bán hàng rộng lớn, đa dạng sản phẩm nhưng chủ yếu là các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, FMCG, còn thuốc và thực phẩm chức năng chỉ là một phần nhỏ. Ông Vũ cho rằng, thói quen tiêu dùng của người Việt sẽ vẫn đi theo hướng ưa chuộng mô hình nhà thuốc chuyên biệt kiểu Pháp hơn các hệ thống bán lẻ thuốc kiểu Bắc Mỹ do thói quen hình thành lâu năm: “Người Việt Nam, mua thuốc là vào cửa hàng chuyên bán thuốc”.
Một khảo sát ngành dược của Business Monitor International chỉ ra các yếu tố đang ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng như lời khuyên của bác sĩ, sản phẩm tốt, thói quen, tiện lợi, giá. “Khách mua thuốc ở các quầy thuốc trong bệnh viện hiện nay vì tin rằng thuốc chất lượng cao hơn. Những nhà thuốc kiểu gia đình lại có lợi thế về sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho khách,” báo cáo viết. Nielsen cũng đồng thời đặt yếu tố tiện lợi lên vị trí đầu tiên trong báo cáo khảo sát khách hàng. Ngoài ra, các nhà đầu tư chuỗi nhìn nhận thêm yếu tố dịch vụ chuyên nghiệp hơn sẽ được khách hàng chú trọng hơn trong tương lai.
Một vài chuỗi bán lẻ trụ lại trên đường đua trong thời gian qua đặt mục tiêu mở rộng để chiếm thị phần. Ông Trương Viết Vũ muốn nâng cao sự tiện lợi, đặt mục tiêu mở 300 nhà thuốc Phano, trong đó 10% là các nhà thuốc nhượng quyền của công ty vào năm 2020. Pharmacity, đang trong giai đoạn tìm kiếm đầu tư và sẽ sớm công bố thương vụ trong vài tháng tới theo Chris Blank, để thực hiện tham vọng không che giấu, được in đậm ngay lối vào công ty: 200 nhà thuốc và 45 triệu đô la Mỹ doanh thu đến năm 2020.
Thị trường chưa được khai phá này hấp dẫn với các doanh nghiệp bán lẻ ngoài ngành. Ông Nguyễn Ðức Tài, chủ tịch công ty cổ phần Thế Giới Di Ðộng, trong đại hội cổ đông hồi tháng tư, tuyên bố không loại trừ thử nghiệm chuỗi bán thuốc thông qua hoạt động M&A. Mục tiêu, chiến lược khác nhau, ai sẽ ghi dấu trong một thập kỷ sau nữa? Ông Nguyễn Quang Vinh, sáng lập kiêm CEO công ty cổ phần dược phẩm Phúc An Khang nhận định: “Người chiến thắng sẽ là người đáp ứng nhu cầu bệnh nhân tốt nhất trên cả hai khía cạnh: vật chất là được đáp ứng thuốc và tinh thần là được quan tâm và chăm sóc. Người đó đồng thời xây dựng hệ thống mạnh trên cả hai khía cạnh: bán lẻ và chuyên ngành dược phẩm.