Kết thúc quý III/2016, phần lớn các doanh nghiệp dược đều có lợi nhuận khá khả quan. Tuy nhiên, cũng như những kỳ trước, không có nhiều đột phá trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo số liệu tổng hợp của BizLIVE, tổng doanh thu thuần của 16 doanh nghiệp dược đạt hơn 6.579 tỷ đồng, tăng trưởng 7,7 % so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 383 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4%.
Trong kỳ này, tất cả 16 doanh nghiệp đều báo lãi, trong đó có 13 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, 2 doanh nghiệp có tăng trưởng âm và 1 doanh nghiệp giữ nguyên lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu thuần các doanh nghiệp đạt hơn 18.628 tỷ đồng, tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ trong khi tổng lợi nhuận đạt hơn 1.112 tỷ đồng, tăng trưởng 13,4%.
Dược Hậu Giang “dậm chân tại chỗ”, PPP đột phá
Dược Hậu Giang (mã DHG) mặc dù vẫn là doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận nhưng không có nhiều biến chuyển so với kỳ trước. Kết thúc quý III/2016, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần gần 917 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn bán hàng giảm tới 21,6% giúp lợi nhuận gộp tăng tới 16,7%, đạt hơn 425 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện từ mức 36,8% lên 46,4%.
Doanh thu hoạt động tài chính của DHG tăng 77,7%, lên hơn 15 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính không có nhiều biến động, vẫn quanh mức hơn 21 tỷ đồng.
Dù doanh thu giảm nhẹ nhưng các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của DHG lại tăng khá mạnh, với mức tăng lần lượt 45,8 và 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, công ty cũng báo lỗ khác gần 17 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước, DHG lãi gần 8 tỷ đồng.Theo đó, kết thúc quý III/2016, DHG báo lãi hơn 163 tỷ đồng, không có nhiều biến động so với cùng kỳ. EPS đạt 1.683 đồng.
Luỹ kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu thuần gần 2.608 tỷ đồng, tăng nhẹ 6%, lợi nhuận sau thuế 470,6 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, phần lớn trong sự chênh lệch lợi nhuận không đến từ kinh doanh cốt lõi mà là do công ty nhận được chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại nhà máy mới dược phẩm (Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG) và nhà máy bao bì (Công ty TNHH MTV Bao bì DHG 1). Theo đó, tổng số tiền ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 tháng mà doanh nghiệp được hưởng lên tới 58,2 tỷ đồng.
Năm 2016, DHG đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.733 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 679 tỷ đồng. Theo đó, với kết quả đạt được trong 9 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành lần lượt 69,9% và 69,3% kế hoạch đề ra.
Trong khi kết quả kinh doanh của DHG có phần chững lại thì CTCP Traphaco (mã TRA) lại vừa có một kỳ kinh doanh khá khởi sắc. Theo đó, mặc dù doanh thu thuần chỉ tăng 1% so với cùng kỳ, đạt hơn 483 tỷ đồng nhưng do giá vốn bán hàng giảm 7% nên lợi nhuận gộp trong kì đạt 251 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kì năm trước. Qúy III cũng ghi nhận chi phí bán hàng của TRA tăng 9% so với cùng kì, đạt hơn 121 tỷ đồng. Chi phí quản lý trong kì cũng tăng lên mức 41,2 tỷ đồng, tăng 7% so với quý III năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 53 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Traphaco tăng 4% doanh thu thuần lên mức 1.508 tỷ đồng, . Lợi nhuận sau thuế tăng 26%, đạt 154 tỷ đồng, tương đương 74% kế hoạch lợi nhuận năm. EPS lũy kế đạt 4.463 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù không đạt lợi nhuận “khủng” như hai ông lớn trên nhưng CTCP Dược phẩm Phong Phú (mã PPP) cũng vừa có một kỳ kinh doanh ấn tượng với doanh thu thuần đạt 30,9 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, qua đó ghi nhận mức lãi gộp tăng thêm 49% lên gần 5,9 tỷ đồng.
Trong khi chi phí bán hàng có mức giảm đáng kể từ 1,7 tỷ xuống còn 769 triệu đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng thêm 709 triệu đồng lên hơn 2,5 tỷ đồng. Do vậy, PPP kết thúc quý III với lãi ròng hơn 1,9 tỷ đồng, vượt xa so với mức lãi 145 triệu đồng của cùng kỳ năm trước.
Tính trong 9 tháng đầu năm, PPP đạt 87,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24%, lãi ròng đạt hơn 6 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và bằng 92% kế hoạch năm 2016.
Ngoài ra, một loạt các doanh nghiệp khác như CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP), CTCP Dược Cửu Long (mã DCL), CTCP Dược phẩm OPC cũng có kết quả khả quan với lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 31,2%, 35,4% và 24% so với cùng kỳ.
Cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, tính đến hết ngày 15/9, Việt Nam đã chi hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu thuốc và nguyên liệu dược phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước, tăng hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ, trong đó, 60% kim ngạch gia tăng thuộc về thuốc nguyên lô, nguyên hộp. Thuốc và nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu trong khoảng 6 năm trở lại đây luôn nằm trong danh mục 10 mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD và số này luôn gia tăng theo từng năm.
Các thị trường nhập khẩu dược phẩm chính của Việt Nam là Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italia, Anh, Thụy Sỹ cung cấp thuốc chất lượng cao, chưa cạnh tranh trực tiếp với dược phẩm trong nước, tuy nhiên, trong phan khúc thuốc giá rẻ, các doanh nghiệp đang phải đối mặt cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp dược Ấn Độ và Hàn Quốc.
Theo nhận định của công ty chứng khoán BSC, để cải thiện mạnh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp về cả doanh thu và lợi nhuận, thì việc cần làm là nâng cấp nhà máy sản xuất thuốc lên tiêu chuẩn GMP-EU và PIC/s –GMP, sau đó, xin visa xuất khẩu sang các nước tham gia ICH hoặc Australia để thuốc nội tham gia vào gói thầu số 2, và sau đó là gói thầu số 1 với giá thầu và biên lợi nhuận cao hơn.
Hiện, nhà máy dược phẩm số 3 tại Bình Dương của IMP đã nhận được chứng nhận GMP-EU Tây Ban Nha cho 2 dây chuyền thuốc Cephalosporin và 1 dây chuyền thuốc tiêm vô trùng Penicillin. DMC cũng đã được cấp chứng PICs-GMP của Phillipines trong khi DHG đang đẩy mạnh việc xây dựng và xin cấp chứng nhận PICs đối với nhà máy Betalactam tại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (dự kiến đạt được vào cuối năm 2018, đầu năm 2019).
Theo Báo VFPress