Quy mô ngành dược Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên đến 7,2 tỉ USD vào năm 2020 từ mức 4,2 tỉ USD năm ngoái.
Chiếm đến 60% tổng chi phí khám chữa bệnh của người bệnh, dược phẩm là “món hàng” mà hầu như ai cũng phải mua và sử dụng. Vì thế, theo báo cáo BMI, quy mô ngành dược Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên đến 7,2 tỉ USD vào năm 2020 từ mức 4,2 tỉ USD năm ngoái. Tiềm năng lớn của thị trường là lý do các công ty dược phẩm cả nội lẫn ngoại đều ra sức nâng công suất để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, trong xu hướng này, thuốc ngoại dường như vẫn chiếm ưu thế lớn khi sản xuất trên thị trường Việt. Và các hãng dược trong nước giữ vị trí nào khi Việt Nam trở thành công xưởng dược mới của thế giới?
Ngoại công
Rõ nét nhất là tham vọng của Abbott, một thương hiệu sữa bột nước ngoài tại Việt Nam nay đã bước chân vào thị trường dược. Trên thị trường chứng khoán, CFR (được Abbott mua lại vào năm 2014) vừa nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty Dược Domesco (DMC) lên 51,4%, ngay sau khi công ty này chính thức nâng mức trần sở hữu nhà đầu tư ngoại lên 100%.
Thương vụ M&A thứ hai trong lĩnh vực dược phẩm gây chú ý gần đây là sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Taisho vào Dược Hậu Giang (DHG). Hiện nay, Taisho sở hữu 24,5% DHG đồng thời không giấu tham vọng tăng tỉ lệ sở hữu. Trong khi đó, DHG và cổ đông lớn nhất là SCIC (nắm giữ 43%) cũng khá cởi mở trong chuyện nới room.
Một trong những lý do khiến dòng vốn ngoại đổ về ngành dược trên thị trường chứng khoán là do P/E (thị giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) bình quân của ngành dược Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các công ty dược khác trong khu vực (15 lần so với 30 lần, theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng). Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư không chỉ chảy vào các công ty niêm yết.
Tập đoàn Abbott, chẳng hạn, cũng đã thâu tóm nhà máy sản xuất dược Gloomed. Hiện Glomed có 5 nhà máy ở Bình Dương và quy mô được đánh giá là tương đối lớn trong ngành dược (nhưng chủ yếu sản xuất các dòng thuốc thông thường). Hay năm ngoái, Sanofi (Pháp) công bố dự án nhà máy 75 triệu USD ở khu công nghệ cao TP.HCM. Đến tháng 8 vừa qua, tập đoàn dược phẩm này dự kiến sẽ thành lập liên doanh với Vinapharm.
Hiện số lượng các công ty dược phẩm quốc tế đang áp đảo tại thị trường Việt Nam. Thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 180 công ty dược phẩm, nhưng theo danh sách của Cục Quản lý Dược, có đến 718 pháp nhân dược quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó khoảng 25% thuộc lĩnh vực phân phối, còn lại là các cơ sở sản xuất (các loại thuốc, vắc-xin và nguyên liệu).
Nói như vậy để thấy rằng không phải cho đến bây giờ các ông lớn quốc tế mới nhảy vào Việt Nam. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng ít nhất đạt mức 10%/năm trong vòng 5-10 năm tiếp theo rõ ràng đủ hấp dẫn các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia tìm đến, đặc biệt là để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng chỉ dưới mức 5% ở thị trường mẹ.
Bên cạnh đó, Việt Nam gần đây cũng được nhắc đến với vai trò là công xưởng mới của ngành dược. Như Sanofi, hãng này cho biết nhà máy tại Việt Nam là nhà máy có vốn đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Cũng cần nói thêm, Ấn Độ hiện được biết đến là công xưởng sản xuất dược của thế giới với mô hình sản xuất thuốc chi phí rẻ cùng thuận lợi về nguyên liệu đầu vào và các dòng thuốc hết thời hạn bảo hộ bản quyền (generic). Còn Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sản xuất nhưng vẫn có lợi thế nhất định về chi phí lao động nếu so với Ấn Độ và Trung Quốc, vốn chứng kiến giá nhân công đang dần tăng lên. Hơn nữa, Việt Nam được kỳ vọng trở thành đầu mối xuất khẩu cho nhiều loại mặt hàng, không chỉ dược phẩm, bởi nằm trong số ít những nước cởi mở thương mại bằng cách tích cực tham gia vào nhiều hiệp định song phương cho đến đa phương trong thời gian gần đây.
Một trong những lý do khiến các tập đoàn đa quốc gia bước chân vào Việt Nam là vì muốn nhắm đến thị trường nội địa. “Sản xuất gắn liền với thị trường tiêu thụ mang lại lợi thế hơn”, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Traphaco, nhận định về xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào thuốc ngoại, với khoảng 60% lượng thuốc được nhập khẩu mỗi năm.
Sản xuất nội địa không chỉ tiết kiệm được khoản thuế, phí nhập khẩu (hiện thuế suất các sản phẩm dược nằm trong khoảng 0-10% tùy vào loại mặt hàng) và chi phí hậu cần, thuốc ngoại có bản quyền hoặc thuốc nhượng quyền tại thị trường nội địa cũng mang lại lợi ích trên kênh đấu giá. Theo quy định đấu giá mới của ngành dược ở kênh bệnh viện (dòng thuốc kê đơn ETC chiếm 70% quy mô ngành dược), mức giá thấp là tiêu chí ưu tiên đáng kể, trong khi có thể thấy rõ lợi thế về giá và thương hiệu thuộc về phía các tập đoàn quốc tế.
Đặc biệt hơn, theo Luật dược mới được Quốc hội thông qua vào tháng 4 và có hiệu lực từ đầu năm sau, thuốc nhập khẩu không nằm trong danh mục chào thầu nếu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Chính phủ cũng ưu đãi mua các loại thuốc generic, hoặc các sinh phẩm tương tự đầu tiên sản xuất trong nước và ưu tiên mua thuốc thuộc danh mục sản phẩm quốc gia.
Nhìn chung, các doanh nghiệp quốc tế thường đầu tư theo tầm nhìn dài hạn. Với các hiệp định thương mại tự do dự kiến tham gia, Việt Nam không chỉ chứng kiến thuế suất nhập khẩu giảm mà còn chịu bất lợi về việc thời gian bảo hộ sản phẩm thuốc độc quyền sẽ tăng lên (chẳng hạn như Hiệp định TPP đề cao tính bản quyền). Vì vậy, các nhà máy nội địa sẽ tốn thời gian hơn để tiếp cận những sản phẩm hiện tại và thuốc ngoại rõ ràng có ưu thế lớn nếu sản xuất trực tiếp tại thị trường Việt.
Nội thủ
Những quy định đấu thầu mới ưu tiên về giá đã giúp Nhà nước tiết kiệm 20-35% tiền đấu thầu, nhưng các công ty dược nội địa thì lại chịu ảnh hưởng tiêu cực, theo báo cáo thị trường dược của Công ty Chứng khoán FPTS. Một ví dụ là Imexpharm (IMP) với quy mô giá trị sản xuất lớn thứ ba trên thị trường dược niêm yết. Năm 2012, doanh thu kênh ETC của IMP chiếm 57% thì đến năm 2015 chỉ còn 13% trên tổng doanh thu.
Với cùng một công thức generic nên thuốc nào có giá rẻ nhất sẽ được trúng thầu vào kênh bệnh viện, nên bản thân các công ty nội địa cũng đã “cắn” miếng bánh thị phần lẫn nhau, số còn lại bị thuốc giá rẻ Ấn Độ, Trung Quốc và thuốc ngoại bản quyền từ các tập đoàn đa quốc gia lấn sân.
Trước thực tế thuốc mình không thể cạnh tranh ở bệnh viện với gói thầu tiêu chuẩn WHO-GMP, IMP đã đổi hướng nâng cấp tiêu chuẩn hoạt động cho 2 nhà máy ở Bình Dương lên thành EU-GMP. Theo công ty dược có thị phần khoảng 3%, tính đến tháng 3.2016 chỉ có 3 nhà máy đủ tiêu chuẩn EU-GMP là Bidiphar, Stada và Pymepharco. Với tiêu chuẩn thuốc cao hơn, IMP dễ trúng thầu hơn ở kênh bệnh viện. “Sản phẩm thắng thầu ở các gói thầu generic nhóm 1 thường có giá cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuộc gói thầu WHO-GMP”, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Tương tự, DHG tuy không chịu ảnh hưởng lớn như IMP (vì tỉ trọng kênh ETC chỉ chiếm 10%), nhưng công ty dược có quy mô lớn nhất ngành cũng đang nỗ lực nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy sản xuất của mình. Cụ thể, nhà máy tiêu chuẩn PIC/S dự kiến được xây dựng trong khu đất của nhà máy beta-lactam (vừa mới hoàn thành giữa năm 2015 nhưng chỉ đạt tiêu chuẩn WHO-GMP) và dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Xu hướng đầu tư các nhà máy chất lượng hơn để sản xuất là điều thấy rõ. Quy định đấu giá thuốc trên kênh ETC đã thay đổi nhiều lần từ năm 2012 cho đến nay, nhưng ngày càng chú trọng nhiều hơn vào tiêu chuẩn chất lượng thay vì chỉ mỗi tiêu chí giá rẻ như ban đầu (dù những thay đổi này là chưa nhiều).
Tăng cường tiêu chuẩn chất lượng sản xuất không chỉ là phương thức giúp doanh nghiệp dược nâng tầm sản phẩm trên kênh ETC (để hạn chế cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp nội khác), mà còn giúp mở rộng con đường xuất khẩu sản phẩm dưới hình thức gia công.
Khi đặt câu hỏi “DHG sẽ làm gì khi các doanh nghiệp ngoại ngày càng lấn sân?”, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc DHG, cho biết “chỉ lo chứ không hề ngại”. Theo bà, Công ty chỉ có 2 mục tiêu quan trọng nhất để làm: duy trì thị trường nội địa và tăng cường xuất khẩu.
Như câu chuyện của Domesco cũng bước đầu xuất khẩu sau khi cổ đông Abbott sở hữu phần lớn cổ phần từ năm 2014. Nhà máy Non-betalactam có công suất gấp 3 lần hiện tại (dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018) sẽ xây dựng theo hai tiêu chuẩn trên là EU-GMP và PIC/S-GMP. Thậm chí, Abbott còn cam kết sẽ tư vấn thiết kế nhà máy Non-betalactam mới của Domesco đạt chuẩn FDA-US của Mỹ.
Trên thực tế, các công ty nội địa cũng đang tăng cường công suất nhà máy và tập trung vào các công thức đặc trị, chứ không chỉ sản xuất các dòng thuốc thông thường. Ví dụ như dự án dược phẩm từ tế bào gốc để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với quy mô ước khoảng 1.060 tỉ đồng của Mekophar.
Cũng trong năm ngoái, Khu công nghệ cao TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy dược phẩm có quy mô vốn lên đến 120 triệu USD của Công ty Bình Việt Đức. Khi đó, ông Hồ Ngọc Tuyến, Giám đốc Dự án của Bình Việt Đức, cho biết: “Chúng tôi nhận được rất nhiều lời mời hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất và phát triển ngành dược theo tiêu chuẩn châu Âu tại Việt Nam. Hiện chúng tôi đã hoàn tất việc ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để sản xuất tại các nhà máy trên”. Chưa rõ về hồ sơ công ty lẫn liệu đằng sau Bình Việt Đức có dòng vốn từ nước ngoài hay không, nhưng có thể thấy hàng triệu USD đổ về Việt Nam đang chảy vào thị trường dược với tiêu chí sản xuất dược phẩm có chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ứng phó với việc doanh số kênh bệnh viện đi xuống, một số doanh nghiệp cũng chọn con đường sàng lọc lại mảng bán lẻ. Traphaco, chẳng hạn, đã đổi mới tư duy phân phối, theo hướng tập trung vào kênh nhà thuốc bán trực tiếp cho khách lẻ, hơn là trên kênh bán buôn như trước đây. Tỉ trọng bán lẻ từ 40% nay đã nâng lên mức 80%. Theo bà Thuận, Traphaco, giai đoạn 2014-2015 Công ty chấp nhận mất doanh thu để tái cấu trúc các kênh bán lẻ của mình.
Các mảng phân phối cho thị trường dược là rất phức tạp, nhưng cũng có những biến chuyển mới. Mô hình bán lẻ thuốc theo chuỗi đang có nhiều thay đổi, được kỳ vọng thay thế cho các chuỗi cửa hàng thuốc truyền thống vì đồng nhất về chất lượng bán, đồng thời sở hữu những dòng thuốc đặc trị riêng có (tùy vào khả năng xin giấy phép nhập khẩu thuốc).
Mỹ Châu, chuỗi cửa hàng bán lẻ thuốc lớn ở TP.HCM, có quỹ đầu tư SAM nhảy vào với những kỳ vọng mới; Pharmacity đặt ra mục tiêu mở 500 cửa hàng trong 5 năm tới; Phano thì đang đẩy mạnh chuyện nhượng quyền thương hiệu đầu tiên trong lĩnh vực bán lẻ thuốc.
Nếu như tỉ suất lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn bán lẻ dược phẩm trên thế giới ước khoảng 4-5% thì ở Việt Nam sẽ phải gấp đôi. Điều này cũng được một số chuyên gia trong chuỗi bán lẻ đồng tình.
Có lẽ vì vậy mà cũng có những lo ngại rằng các hãng dược ngoại muốn nhảy vào thị trường bán lẻ, nhưng các chuyên gia trong ngành cho biết vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về việc cởi mở hơn cho các nhà bán lẻ ngoại. Thực ra, vẫn có những nhà đầu tư ngoại phân phối trực tiếp tại thị trường nội, các trung gian tại Việt Nam chỉ mang tính pháp nhân đứng tên thay, song con số này vẫn là hạn hữu.
Nhìn chung, các công ty Việt Nam đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về công nghệ bằng cách gia công và sản xuất nhượng quyền. Nhưng một câu hỏi đặt ra: Liệu đó có phải là con đường ngắn nhất để bắt kịp với ngành dược thế giới.
Việt Dũng