Các loại dược liệu của Trung Quốc có đặc điểm dễ mua, giá rẻ nên được nhiều công ty lựa chọn. Giá thành rẻ hơn nhiều so với dược liệu trong nước. Vì vậy, nhiều cây dược liệu dù trong nước cũng trồng được nhưng bị thất sủng vì giá cao, giám đốc một doanh nghiệp dược liệu cho biết.
Hàng nghìn tấn dược liệu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Tin tức trên báo VnExpress, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, Việt Nam chi khoảng 113 triệu USD mua các loại nguyên dược liệu, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chính cung cấp dược liệu cho Việt Nam, chiếm gần 62% tổng kim ngạch, đạt 69,7 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Nguồn cung lớn thứ hai đến từ Ấn Độ, với 16,2 triệu USD, giảm 4,3%. Với tốc độ tăng 133%, nhập khẩu dược liệu của Thái Lan đạt 5,6 triệu USD. Một số nước khác như Đức, Italy, Thuỵ Sỹ... cũng xuất khẩu dược liệu sang Việt Nam.
Trung Quốc được coi là vương quốc của các loài cây dược liệu. Thực tế, nhập khẩu các dược liệu từ thị trường này liên tục tăng. Trong năm 2015, người Việt cũng chi tới 338 triệu USD nhập khẩu các loại dược liệu, trong đó Trung Quốc đã chiếm 198 triệu USD.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu. Như vậy, mỗi năm người Việt mua vài chục nghìn tấn dược liệu về làm thuốc. Nếu tính cả đường tiểu ngạch, con số còn lớn hơn.
Một số loại được nhiều thương nhân nhập khẩu như ý dĩ, hoàng kỳ, thăng ma, thiên ma, hoài sơn, đỗ trọng, thổ phục linh, bạc hà, tổ kén, sâm. Đặc biệt, có nhiều cây thuốc Việt Nam có nhưng vẫn được nhập khẩu về là hà thủ ô, tam thất, nấm linh chi, táo mèo,... Tình trạng này kéo dài hàng chục năm nay, số lượng nhập khẩu tính cả đường tiểu ngạch là rất lớn.
Việt Nam hiện có khoảng 4.000 loại thực vật, nấm có công dụng làm thuốc chữa bệnh, trong đó 70% khai thác tự nhiên còn lại là quy hoạch gieo trồng. Tuy nhiên, khâu gieo trồng các vùng cây dược liệu trong nước thiết hụt, manh mún.
Việt Nam từng là nước xuất khẩu dược liệu những năm 1960-1970, nhưng đến nay thì hoàn toàn lệ thuộc vào phía Trung Quốc. Thậm chí nhiều loại dược liệu quý còn bị chảy sang Trung Quốc, sau đó nhập sản phẩm kém chất lượng về.
Trao đổi với VnExpress, giám đốc một công ty dược liệu tại Hà Nội cho biết các loại dược liệu của Trung Quốc có đặc điểm dễ mua, giá rẻ nên được nhiều công ty lựa chọn. Giá thành rẻ hơn nhiều so với dược liệu trong nước. Vì vậy, nhiều cây dược liệu dù trong nước cũng trồng được nhưng bị thất sủng vì giá cao.
"Doanh nghiệp dược liệu nhỏ không có tiềm lực đầu tư hết các khâu từ sản xuất, tiêu thụ đến trồng nguyên liệu, nên chọn cách nhập khẩu. Để đầu tư xây dựng vùng trồng dược liệu sạch mất rất nhiều công sức và đầu tư. Chỉ một số doanh nghiệp lớn như Traphaco, Dược Hậu Giang, Tổng công ty Dược… có thể tự cung ứng được một phần nguyên liệu", vị này cho biết.
Tuy nhiên, các loại dược phẩm Trung Quốc giá rẻ lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, không an toàn từ đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng thuốc.
Mới đây, kết quả kiểm nghiệm 400 mẫu dược liệu của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương được công bố cho thấy, hơn 60% chưa đạt chất lượng, trong đó 20% bị trộn rác, cát, xi măng, lẫn tạp chất, thậm chí tẩm ướp cả hóa chất độc hại.
Năm 2015, Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu.
Siết chặt nhập khẩu dược liệu
Thông tin trên báo Dân trí, bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền cho biết, đầu tháng 3/2016, Bộ Y tế ra thông tư 03 để quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 6/3/2016. Theo đó yêu cầu tất cả dược liệu nhập vào VN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có đối tác bên nhập từ bên Trung Quốc được phép kinh doanh dược liệu.
Trước đây, để nguồn dược liệu về Việt Nam, chỉ cần có đơn hàng và giấy tờ thông quan là các doanh nghiệp được phép nhập khẩu dược liệu. Tuy nhiên trong thời gian qua, với cách làm này, nhiều doanh nghiệp nhập các loại dược liệu không đủ yêu cầu chất lượng vì không phải chứng minh nguồn gốc.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn được nhập khẩu dược liệu phải có các điều kiện gồm: Đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu; Đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại Thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra. Cơ sở kinh doanh dược liệu chưa đủ điều kiện nhập khẩu trực tiếp phải ký kết hợp đồng ủy thác nhập khẩu với cơ sở có đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định và tên cơ sở ủy thác nhập khẩu phải được thể hiện trên đơn hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, cơ sở nhập khẩu dược liệu khi đăng ký tờ khai Hải quan còn phải xuất trình bản chính và nộp cho cơ quan hải quan bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp các giấy tờ theo quy định, gồm: Giấy phép nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế cấp theo quy định; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của dược liệu do tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là chứng từ điện tử thì cơ quan Hải quan chấp nhận các chứng từ này.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2016, dược liệu nhập khẩu trong Danh mục phải có Phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP), đối với cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn GMP thì phải có Phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Hằng năm, Bộ Y tế công bố danh mục dược liệu phải có Phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ thường xuyên hậu kiểm. Khi doanh nghiệp nhập khẩu, thông quan xong, báo cáo về Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, nếu thấy cần thiết cơ quan này sẽ lấy mẫu kiểm tra.
Theo bà Phương, với thông tư 03, việc nhập dược liệu sẽ được siết chặt. Tuy nhiên, khi siết chặt để đảm bảo chất lượng dược liệu, chắc chắn tình trạng buôn lậu qua biên giới lại gia tăng. Vì thế, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các đơn vị C74, 389 phối hợp để giảm thiểu hàng nhập lậu không đảm bảo chất lượng gia tăng, khi mà cơ quan quản lý siết chặt nhập khẩu để đảm bảo nguồn dược liệu chất lượng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)