Du lịch chữa bệnh là một mô hình kinh doanh mới hiện nay trên nhiều quốc gia và được chính phủ các nước khuyến khích nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ. Trớ trêu thay, nhiều bệnh nhân tại Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới lại đang đổ xô sang Ấn Độ để chữa bệnh.
Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng nếu bạn biết rằng một đợt điều trị thuốc Sofosbuvir chữa bệnh viêm gan C mà 130 triệu người trên thế giới mắc phải có giá 84.000 USD tại Mỹ nhưng lại chỉ có giá 483 USD tại Ấn Độ thì điều này hoàn toàn dễ hiểu.
Một cường quốc về dược phẩm
Số liệu của Equity Master cho thấy ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới về số lượng sản phẩm (chiếm 10% toàn cầu) và đứng thứ 13 toàn cầu về tổng giá trị (chiếm 2,4%). Quốc gia này chiếm 20% tổng số thuốc gốc (thuốc đã hết hạn bản quyền) trên toàn cầu và đứng đầu thế giới về mảng này.
Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 15,92%, tổ chức IBEF dự đoán doanh thu của ngành dược Ấn Độ sẽ tăng từ 20 tỷ USD năm 2015 lên 55 tỷ USD năm 2020. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng bình quân 5% của ngành dược toàn cầu.
Hơn nữa, Ấn Độ cũng vượt Trung Quốc trong mảng xuất khẩu dược với tốc độ tăng trưởng 11,44% năm tài khóa 2015-2016, đưa kim ngạch xuất khẩu mảng này lên 12,91 tỷ USD.
Hiện quốc gia này đang xuất khẩu thuốc cho hơn 200 quốc gia, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ. Từ năm 2014 đến năm 2016, các hãng dược Mỹ đã tăng gấp đôi số lượng giấy phép sản xuất thuốc cho Ấn Độ từ 109 lên 201. Hiện Ấn Độ chiếm khoảng 30% về số lượng và 10% về giá trị thị phần của thị trường dược 80 tỷ USD tại Mỹ.
Doanh thu của ngành dược phẩm Ấn Độ (tỷ USD)
Chính quyền New Delhi cũng đã lập kế hoạch đầu tư 640 tỷ USD cho các dự án khởi nghiệp ngành dược và có dự định biến Ấn Độ thành công xưởng dược phẩm của thế giới vào năm 2020.
Ấn Độ hiện có lợi thế rất lớn với một nguồn nhân lực dồi dào trong ngành dược, bao gồm nhiều nhà khoa học và kỹ sư. Quốc gia này đang cung cấp khoảng 80% số thuốc ức chế chống bệnh AIDS trên thế giới và tiềm năng này còn có thể phát triển mạnh hơn nữa.
Trên thực tế, chính quyền New Delhi đã bắt đầu thúc đẩy ngành dược Ấn Độ từ đầu thập niên 1960 với đạo luật sửa đổi về bản quyền ban hành năm 1970. Tiếp theo đó, công cuộc mở cửa thị trường và cải cách kinh tế thập niên 1990 đã đưa ngành dược Ấn Độ đạt được những thành tựu hôm nay.
Tại Ấn Độ, thời gian bản quyền cho dược phẩm, thực phẩm chỉ vào khoảng 5-7 năm, qua đó cho phép các công ty sản xuất đại trà sản phẩm sau đó để giảm chi phí. Điều này hoàn toàn khác biệt với Mỹ hay nhiều nước Phương Tây với thời hạn bản quyền kéo dài hàng chục năm. Thêm vào đó, Ấn Độ không cấp bản quyền cho những phát minh dược phẩm không đem lại hiệu quả vượt trội so với thuốc cũ trừ khi các nhà khoa học chứng minh được điều đó.
Việc rút ngắn thời hạn bản quyền khiến các tập đoàn lớn tại Ấn Độ buộc phải rút khỏi thị trường này và tạo điều kiện cho hàng loạt các hãng sản xuất nhỏ lẻ phát triển. Với lực lượng nhà khoa học, chuyên gia lớn, các hãng này dễ dàng phục chế được những sản phẩm thuốc bản quyền của các hãng lớn. Thêm vào đó, chi phí sản xuất thấp khiến nhiều công ty thuốc lớn cũng đặt nhà máy hoặc thuê ngoài ở Ấn Độ, tạo điều kiện cho ngành thuốc chợ đen phát triển.
Cũng tương tự như ngành may mặc trước đây của Trung Quốc, các nhà máy dược ở Ấn Độ phụ thuộc khá lớn vào các tập đoàn dược nước ngoài. Nguyên nhân khiến các tập đoàn này chọn Ấn Độ là chi phí nhân công rẻ, cơ sở vật chất cho ngành dược tốt và lượng lớn nhà khoa học trong ngành.
Kỷ nguyên thuốc giá rẻ chấm dứt?
Chính sự phát triển của mảng thuốc giá rẻ cũng như ngành dược tiểu ngạch mà rất nhiều bệnh nhân trên thế giới hướng đến Ấn Độ để tìm thuốc. Tuy nhiên, điều này khiến các hãng dược quốc tế khó chịu bởi họ bị mất doanh thu, hệ quả là nhiều quy định mới được ban hành nhằm bảo hộ cho các tập đoàn lớn.
Năm 2013, một trong những hãng dược lớn nhất Ấn Độ là Ranbaxy đã đồng ý chi trả khoản phạt 500 triệu USD cho Mỹ vì vi phạm các nguyên tắc sản xuất thuốc. Trong khi đó, Cục an toàn dược phẩm và thực phẩm Mỹ (USFDA) cũng gia tăng kiểm tra, thanh tra các hãng sản xuất dược từ Ấn Độ nhập khẩu vào nước này.
Vào tháng 5/2016, hãng dược Gilead của Mỹ đã buộc Ấn Độ phải chấp nhận một trong các phát minh của hãng trên dòng thuốc Sofosbuvir, qua đó hợp pháp hóa việc tăng giá bán của loại thuốc này trên thị trường Ấn Độ.
Thuốc Sofosbuvir được bán tràn lan tại Ấn Độ với giá rẻ
Trước sự nhượng bộ này, Giám đốc chương trình y tế Medecins San Frontieres, bà Leena Menghaney cho rằng đây có thể là dấu hiệu chấm dứt cho kỷ nguyên thuốc giá rẻ tại Ấn Độ đối với những bệnh nhân hiểm nghèo.
Tồi tệ hơn, hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phản đối việc nhập khẩu thuốc giá rẻ từ Ấn Độ cũng như tình trạng thuê ngoài sản xuất của các công ty dược. Nghe có vẻ trớ trêu nhưng dù bất bình với mức giá thuốc cắt cổ tại Mỹ, ông Trump vẫn không đồng ý chuyện các hãng thuốc Ấn Độ chiếm tới hơn 30% thị phần dược phẩm Mỹ.
Bởi vậy, trong thời gian tới, ngành dược Ấn Độ có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp cận thị trường xuất khẩu chính này trong khi các bệnh nhân hiểm nghèo tại Mỹ sẽ gặp nhiều thử thách hơn để có thể mua thuốc giá rẻ.
Nguồn: cafebiz