Giá thuốc, nhất là biệt dược “nhảy múa” được xem là khối u nhức nhối, khiến nhiều bệnh nhân “đột quỵ”. Đã đến lúc cần những “nhát dao phẫu thuật” loại bỏ khối u ác tính này…
Nhận diện thủ phạm tăng giá thuốc
Việt Nam hiện có hơn 2.000 công ty phân phối thuốc, trên 100 doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, hơn 40.000 cửa hàng bán lẻ dược phẩm. Tất cả đang hình thành một “ma trận” trên thị trường dược phẩm. Cũng bởi vậy, nhiều loại dược phẩm thường đi lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, giá bán bị đẩy lên cao. Ngoài ra, tình trạng độc quyền giá thuốc, chi quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng cao cũng là những nguyên nhân góp phần đẩy giá nhiều loại dược phẩm, nhất là biệt dược lên mức ngất ngưởng.
PGS - TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, nguồn gốc khiến giá thuốc cao ngất ngưởng trước hết là do tình trạng câu kết độc quyền giữa nhà sản xuất và các đơn vị phân phối. Sau nữa là do mặt hàng này phải qua tầng nấc trung gian gồm hàng chục công ty. Cuối cùng là tiêu cực trong kê đơn khi bác sĩ nhận chiết khấu hoa hồng cao để kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng, tình trạng độc quyền nhập khẩu và mặt hàng dược phẩm chuyển qua nhiều tầng nấc trung gian đã làm giá thuốc bị đẩy lên cao.
Thực tế, với mức hoa hồng 30%, thậm chí 50%, nhiều hãng thuốc, nhà phân phối không ngại khi phóng tay chi trả cho đội ngũ trình dược viên và bác sỹ kê đơn. “Giá biệt dược cao vì chi phí nghiên cứu và phát triển cao, nhưng còn do chi phí cho bộ máy trình dược viên nữa. Lương của họ cao ngất trời”, bà Lan cho biết.
Đồng quan điểm, TS - BS Lê Tuấn Thành (Viện Tim mạch Việt Nam) nhận định, giá biệt dược cao một phần do Việt Nam chưa tự sản xuất biệt dược gốc, mà phải nhập khẩu, phụ thuộc vào các hãng dược phẩm quốc tế. Trong khi đó, chi phí để nghiên cứu và ứng dụng biệt dược gốc lớn hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất biệt dược thứ cấp (generic). Tất nhiên, về mặt khoa học, giá trị cũng lớn hơn rất nhiều.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu, theo ông Thành, giá biệt dược cao là bởi chiến lược cạnh tranh khốc liệt của các nhóm lợi ích hình thành giữa nhà sản xuất độc quyền, các công ty sản xuất thuốc thứ cấp nhóm 2. Bác sỹ luôn ưa thích biệt dược gốc dù giá cao, song các hãng nhóm 2 thì muốn “đánh” vào thuốc thứ cấp giá thấp. Cả hai nhóm này đều sẵn sàng chi trả hoa hồng cao cho bác sỹ, trình dược viên để bán thuốc.
Như vậy, giá biệt dược cao chủ yếu do chi phí đội lên ở khâu phân phối. Theo khảo sát chưa chính thức, nhà sản xuất biệt dược chỉ nhận về khoản tiền tương đương 30-50% giá thuốc đến tay bệnh nhân, 50-70% giá thuốc chạy vào khâu trung gian gồm tầng bậc các công ty phân phối thuốc, bác sỹ. Người bị “hút máu” cuối cùng là bệnh nhân và hệ thống bảo hiểm y tế chi trả cho loại thuốc đó.
Bài toán kinh tế trong chữa bệnh bằng biệt dược
Giá biệt dược tại Việt Nam cao tương đương, thậm chí cao hơn mặt bằng thế giới, trong khi thu nhập bình quân đầu người chưa cao sẽ kéo theo hệ lụy là phần lớn người dân không thể chi trả được và đành trông vào trợ giúp của bảo hiểm y tế. Trong khi đó, với chi phí lớn và ngày một tăng (hơn 10.000 tỷ đồng/năm và tăng 10-20%/năm), bảo hiểm y tế sẽ đối diện với nguy cơ “vỡ quỹ”.
Một con số đáng chú ý trong qua thống kê kết quả trúng thầu của 68 bệnh viện, sở y tế, năm 2015 là tỷ lệ biệt dược gốc chiếm tới 40%. Điều đó cho thấy, tỷ lệ dùng thuốc biệt dược có xu hướng tăng.
Quan trọng hơn, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, có thể cứu được nhiều bệnh nhân hơn với số tiền chi mua biệt dược mà bảo hiểm y tế chi trả. Bà Phong Lan cho rằng, biệt dược gốc đương nhiên hơn hẳn generic về chất lượng, độ an toàn và tất nhiên, giá cao hơn và được bác sỹ ưa dùng hơn.
“Chúng ta phải nghiên cứu, có chính sách sử dụng hợp lý, với trường hợp bệnh nặng, nhất thiết phải dùng biệt dược. Nếu không thì nên thay thế sử dụng thuốc generic vì có nhiều loại thuốc generic có chất lượng cao, đa dạng, do các nhà máy đạt chuẩn cao sản xuất, có thể thay thế biệt dược, cho hiệu quả điều trị tương đương thuốc biệt dược”, bà Phong Lan nhận định.
Một giải pháp được đặt ra nhằm giải quyết vấn đề chi phí cao và hiệu quả điều trị là đấu thầu thuốc. Theo đó, giải pháp dùng generic thay thế biệt dược trong điều trị các bệnh hiểm nghèo, nhưng có kết quả điều trị tương đương đã được đặt ra. “Giá biệt dược gốc hiện rất cao, khiến bệnh nhân và bệnh viện khó chi trả. Thậm chí, nhiều bệnh viện đã phải dừng kê đơn điều trị vì giá thuốc cao hoặc nhà cung cấp tăng giá biệt dược. Giải pháp xử lý là thay thế biệt dược bằng sản phẩm thứ cấp generic”, bác sĩ Thành nhận xét.
Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 53 địa phương đấu thầu thuốc tập trung, 6 địa phương đấu thầu đại diện và 60 cơ sở khám chữa bệnh tự đấu thầu. Bảo hiểm Xã hội đã tiến hành giám sát chặt chẽ việc đấu thầu thuốc, giá thuốc đã giảm từ 20%-30% so với những năm trước, tỷ lệ thuốc nội đã tăng lên trên 50%.
Theo Công văn số 1649/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, vài năm trở lại đây, công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập được chỉ đạo quyết liệt và có bước đổi mới quan trọng, giảm được giá thuốc thuộc nhóm generic tới 35% so với khi thực hiện đấu thầu theo cơ chế cũ. Tuy nhiên, riêng công tác đấu thầu, quản lý giá biệt dược lại chưa được triển khai hiệu quả.
Trong khi đó, theo bà Phong Lan, đặc thù của thị trường biệt dược là độc quyền nhà cung cấp. “Độc quyền thì sao phải đấu thầu. Nếu đấu thầu cũng có giá như vậy, thì phải có thêm hình thức đàm phán giá”, bà Phong Lan nói.
Hiện có hàng trăm loại biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ và có thuốc generic tương tự được chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc đáp ứng yêu cầu điều trị theo tiêu chuẩn cao nhất được các nước tham gia ICH (Nhóm 1) áp dụng. Trong đó nhiều loại thuốc đã có 2 đến 3 số đăng ký với giá rẻ hơn nhiều so với biệt dược và chi phí mua các loại biệt dược này rất lớn.
Ước tính, thị trường thuốc Việt Nam hiện có quy mô 4,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu dược là 2,56 tỷ USD. Riêng số tiền chi cho nhập khẩu biệt dược đã lên trên 10.000 tỷ đồng. Nếu chỉ đấu thầu một loại biệt dược có 3 số đăng ký thì đã giảm được hơn 1.000 tỷ đồng, nếu đấu thêm 185 loại biệt dược có 2 số đăng ký thì giảm khoảng 3.000 tỷ đồng. Trên thị trường Việt Nam đang xuất hiện 698 loại biệt dược, trong đó có 447 loại hết thời hạn bảo hộ.
Giải quyết tận gốc vấn đề giá thuốc cao
Quản lý chặt khâu đấu thầu thuốc và thay thế biệt dược bằng thuốc tương đương sinh học là giải pháp kỹ thuật được đặt ra. Cùng với đó, cần áp dụng thêm các giải pháp đồng bộ khác để xử lý bài toán giá thuốc cao và hiệu quả điều trị.
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco nhận định, về lâu dài, cần có lộ trình, hỗ trợ để Việt Nam tự sản xuất generic và thậm chí cả biệt dược.
Theo bà Thuận, khi hết thời gian bảo hộ, nếu các doanh nghiệp phải được chuyển giao, sao chép lại công thức để làm ra loại thuốc tương tự, có giá thành thấp để sử dụng cho cộng đồng, thì người dân sẽ có lợi, Khi đó, người nghèo sẽ có nhiều cơ hội để sử dụng biệt trong điều trị bệnh hiểm nghèo.
Còn theo bác sĩ Thành, cần công khai giá trị khoa học và đánh giá hiệu quả điều trị của các thuốc nhóm 2, 3. Dựa vào đó, các bác sỹ sẽ cân nhắc sử dụng các thuốc thay thế theo khả năng chi trả của bệnh nhân. Mặt khác, cần có biện pháp chặn đứng chuỗi phân phối, bán thuốc tham lợi, giám sát chặt các thành phần tham gia chuỗi cung ứng thuốc bao gồm các hãng dược thương mại, hãng sản xuất, các trung gian thương mại đóng vai trò phân phối. Ngoài ra, cần có chế tài xử lý nghiêm những bác sỹ, các chủ quầy thuốc, hiệu thuốc có hành vi tiêu cực. Đặc biệt, Nhà nước cần đầu tư mạnh để các hãng dược nhóm 3 (nội địa) vươn lên nhóm 1, đồng thời kiểm soát chặt hơn các hãng dược nhóm 2.
“Đã đến lúc chúng ta không đi tắt đón đầu nữa, mà phải đi bằng đôi chân của chính mình. Như vậy mới mong kiểm soát được giá thuốc”, bác sĩ Thành nêu quan điểm.