Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định tập trung đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu, xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo, phấn đấu xây dựng Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu quốc gia. Sau gần 4 năm thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Khai thác nguồn tài nguyên phong phú
Hà Giang có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với trên 380.000ha đất có rừng, đây là lợi thế rất lớn để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, thảo dược dưới tán rừng. Bên cạnh đó, Hà Giang còn là địa bàn cư trú của đồng bào 19 dân tộc, mỗi dân tộc lại có vốn tri thức bản địa về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống, chế biến và sử dụng dược liệu địa phương.
Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu, Hà Giang có một nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú . Toàn tỉnh hiện có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ; chiếm hơn 39% số loại dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo và phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững là 2 trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xác định nhiệm vụ phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trung tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, để tận dụng các lợi thế được thiên nhiêu ưu đãi, các chính sách của tỉnh phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ và thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến dược liệu, từng bước đưa Hà Giang trở thành vùng trọng điểm quốc gia về cây dược liệu.
Trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, nhiều xã đã xây dựng phương án liên kết giữa các hộ và doanh nghiệp để phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ, mô hình này đã góp phần tích cực tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.
Đến nay, địa bàn Hà Giang đã có nhiều doanh nghiệp tham gia trồng và chế biến sản phẩm dược liệu. Toàn tỉnh trồng mới được trên 4.682 ha dược liệu; trong đó, các loại cây dược liệu trong danh mục các cây dược liệu ưu tiên như: Đương quy, đan sâm, giảo cổ lam, sinh địa…
Các doanh nghiệp này đã sản xuất ra một số sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, như: chè atiso, cao lọc atiso, bạch chỉ, đương quy, rượu ngâm thuốc,… bước đầu đã cho thấy hiệu quả trong kinh doanh dược liệu tại tỉnh Hà Giang.
Liên kết cùng nông dân trồng dược liệu, đời sống nâng cao
Hiện nay, nhiều mô hình liên kết sản xuất và chế biến dược liệu đang hoạt động rất hiệu quả. Một trong những mô hình đó phải kể đến HTX Y học bản địa Quyết Tiến (thôn Đông Kinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ).
Anh Vàng Thìn Nghì - Phó Giám đốc HTX cho biết: Năm 2013, nhận thấy diện tích 3ha đất nông nghiệp của gia đình sản xuất không hiệu quả anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây dược liệu. Đến năm 2016, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, anh thành lập HTX, vay vốn để thuê đất và liên kết mở rộng diện tích trồng dược liệu, đến nay diện tích của HTX là 15ha.
Thu nhập từ bán dược liệu năm 2018 của HTX ước tính vào khoảng 3 tỷ đồng. Cùng với đó đơn vị còn bảo đảm cho khoảng gần 40 công nhân người địa phương có việc làm liên tục với mức thu nhập gần 4,5 triệu đồng/người/tháng – anh Nghì cho biết thêm.
Chị Lù Thị Liên, (xã Quyết Tiến, Quản Bạ) - một trong những công nhân tại HTX Y học bản địa Quyết Tiến chia sẻ: Từ khi tham gia vào mô hình phát triển cây dược liệu, ngoài tiền cho thuê đất mỗi năm là 30 triệu đồng/năm, gia đình tôi còn có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng đời sống của gia đình đã được cải thiện và nâng cao.
Là huyện được xác định quy hoạch thành vùng sản xuất dược liệu tập trung lớn nhất của tỉnh, ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng NNPTNT huyện Quản Bạ chia sẻ: Dù mới phát triển mạnh mấy năm gần đây nhưng hiệu quả từ việc trồng cây dược liệu tại địa phương là tương đối rõ nét.
Cây dược liệu Quản Bạ trồng nơi không khí trong lành lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên hoạt tính của cây dược liệu nơi đây được đánh giá rất cao, an toàn và cho giá trị lớn từ nó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh việc quy hoạch vùng dược liệu, những năm qua, Hà Giang còn tập trung phát triển các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như cam, quýt, na, nhãn, dứa... Đồng thời, chú trọng định hướng phát triển cho từng vùng, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân góp phần vào sự thành công trong xây dựng NTM.
Nguồn: danviet.vn