Nhiều ý kiến cho rằng ngành dược đang hưởng lợi từ Covid-19, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, các doanh nghiệp dược trong nước vốn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang chịu nhiều sức ép.
Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung nguyên liệu dược phẩm lớn nhất cho Việt Nam, chiếm lần lượt 63,7% và 16,7% tỷ trọng nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu năm 2019.
Gián đoạn nguồn cung nguyên liệu
Nguồn nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ (chiếm hơn 80% tổng giá trị nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu) bị thiếu hụt trong ngắn hạn. Nguyên nhân do dịch bệnh diễn ra mạnh ở một số tỉnh tập trung các cơ sở sản xuất nguyên liệu dược phẩm ở Trung Quốc, như Hồ Bắc, Giang Tô và Sơn Đông, khiến nhiều doanh nghiệp tạm đóng cửa.
Trong khi đó, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu khẩn cấp 13 loại hoạt chấtthuộc nhóm giảm đau - hạ sốt và nhóm vitamin do không nhập được nguyên liệu ban đầu từ Trung Quốc trong quý I.
Tiến độ hợp tác giữa các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam và các đối tác nước ngoài bị trì hoãn do việc di chuyển của các chuyên gia và đối tác giữa các quốc gia bị hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19. Điều này làm cản trở tiến độ của các hoạt động hợp tác, như thẩm định tiêu chuẩn sản xuất tốt (GMP) và xét duyệt quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm từ các đối tác ở châu Âu, Hàn Quốc.
Theo báo cáo của Kantar Vietnam Worldpanel, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không đáng kể tới đầu ra các doanh nghiệp dược phẩm nội địa, mặc dù doanh thu các nhà thuốc và quầy thuốc tăng trưởng mạnh khoảng 164-168% trong quý I.
Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ khẩu trang và nước rửa tay tăng mạnh, nhưng các sản phẩm này không thuộc lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệpdược phẩm. Bên cạnh đó, nhu cầu tích trữ các sản phẩm tăng cường miễn dịch (vitamin) và các thuốc phổ thông cải thiện triệu chứng (nhóm thuốc giảm đau - hạ sốt, điều trị ho, cảm) tăng, nhưng thị phần doanh thu các sản phẩm này lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.
Sức cạnh tranh của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng nội địa thấp bởi sốlượng doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất giảm từ 4.190 xuống 300 doanh nghiệp, sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP siết chặt tiêu chuẩn sản xuất HS-GMP cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng từ tháng 7-2019.
Tác động ngắn hạn
Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK FPT (FPTS), dịch bệnh Covid-19 sẽ chỉ tác động tiêu cực ngắn hạn lên nguồn cung nguyên liệu của các doanh nghiệp dược Việt Nam. Từ cuối tháng 2, một số cơ sở sản xuất nguyên liệu dược phẩm ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại.
Việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc tại Ấn Độ được kỳ vọng bắtđầu lại trong quý II, giúp Ấn Độ dỡ bỏ quy định hạn chế xuất khẩu các dòng hoạt chất thuộc nhóm giảm đau - hạ sốt và vitamin.
Như vậy, chỉ có doanh nghiệp không đủ nguồn nguyên liệu dự trữ cho quý I bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đơn cử các doanh nghiệp như CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), CTCP Dược Hậu Giang (DHG) và CTCP S.P.M (SPM).
Nhận định này được FPTS xây dựng giả định sản xuất với công suất tương đương năm 2019. Lấy dẫn chứng từ DHG với hơn 80% nguyên liệu sản xuất dược phẩm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nguồn nguyên liệu dự trữ chỉ chiếm 13,8% giá trị sản xuất trong năm.
Với tình trạng này, nếu hoạt động với côngsuất tương đương năm 2019 và các nhà máy sản xuất đã chạy gần tối đa công suất, khó có thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu tăng lên đột ngột ở kênh bán lẻ nhà thuốc (OTC).
Ngược lại, các doanh nghiệp phụ thuộc ít hơn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ chịu mức độ ảnh hưởng thấphơn. Đó là các doanh nghiệp sản xuất tân dược với nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ châu Âu, cũng như các doanh nghiệp sản xuất Đông dược có khả năng tự trồng trọt, thu hái, chiết xuất và cung cấp dược liệu.
Điểm cộng cơ cấu vốn
Dù gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhưng bù lại cơ cấu tài chính an toàn là lợi thế của đa số doanh nghiệp dược trong bối cảnh dịch bệnh. Ngoại trừ CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) đạt 1,36 lần, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp dược khác duy trì ở mức dưới 0,8 lần.
Thậm chí, có doanh nghiệp tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu duy trì ở mức dưới 0,3 lần, như CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (DP3), CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), CTCP Pymepharco (PME), CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP). Nhờ vậy, các doanh nghiệp dược không phải chịu áp lực trả nợ cao trong hoàn cảnh nền kinh tế bị đình trệ bởi dịch bệnh.
Với DHT, mảng thương mại (phân phối sản phẩm cho doanh nghiệp khác) tạo ra nguồn doanh thu chính hiện chiếm 65,5% cơ cấu doanh thu. Các khoản nợ ngắn hạn chiếm 98,8% nợ phải trả, trong đó các khoản nợ vay chiếm 38,5%, các khoản nợ nhà cung cấp và khách hàng chiếm 55,7%.
Nếu không được dãn thời gian trả nợ, DHTphải đối mặt với áp lực trả nợ cao trong bối cảnh dịch bệnh, bởi cơ cấu tài chính thiếu an toàn nhất so với các doanh nghiệp khác trong ngành.