Chỉ trong thời gian ngắn từ khi cơ quan chức năng cho nới room (tỷ lệ sở hữu) lên 100%, một số tập đoàn đa quốc gia đã thâu tóm các công ty dược phẩm trong nước.
Được các tổ chức kinh tế sơ tính hơn 4 tỷ USD/năm và dự báo lên 7 tỷ USD vào năm 2020, thị trường dược phẩm Việt Nam đang là sân chơi được các nhà đầu tư ngoại quan tâm. Đây là tín hiệu khởi sắc nhưng cũng đặt ra những thách thức cho ngành sản xuất dược phẩm nước nhà, và trên hết là quyền lợi của người bệnh một khi Chính phủ đang hướng đến bảo hiểm y tế toàn dân.
Ngành dược phát triển bấp bênh.
Nhà đầu tư ngoại… thâu tóm!
Mới đây Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (mã chứng khoán DMC) đã chính thức điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%. Đây được xem là công ty dược trong nước đầu tiên mạnh dạn bỏ trần sở hữu để nhà đầu tư ngoại có cơ hội sở hữu hoàn toàn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, Domesco đã phải điều chỉnh, bổ sung thêm các ngành nghề kinh doanh khác nhằm đáp ứng tiêu chí nới rộng room. “Quy định là nhà đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam nên nới room là một cơ hội họ chớp lấy”, giám đốc một công ty dược nhìn nhận. Các cổ phiếu ngành dược như IMP (Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm), DHG (Công ty cổ phần Dược Hậu Giang), TRA (Công ty cổ phần Traphaco); DHT (Dược Hà Tây); DCL (Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long)… cũng đang hy vọng một sự “thâu tóm” của cổ đông nước ngoài.
Trong khi đó, tập đoàn chăm sóc sức khỏe Abbott tại Việt Nam thuộc Tập đoàn Abbott (Mỹ) vừa công bố đã hoàn tất việc mua lại Công ty Dược Glomed của Việt Nam. Glomed là một công ty TNHH một thành viên được thành lập từ năm 1995, có nhà máy sản xuất dược hoạt động tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương). Theo Abbott Việt Nam, với việc mua lại Glomed, họ sẽ có thêm hai cơ sở sản xuất tại Bình Dương, sở hữu một danh mục thuốc với các lĩnh vực điều trị đa dạng. Còn nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp mới đây, Tập đoàn Sanofi (Pháp) cũng đã công bố lễ ký kết thỏa thuận tăng cường và mở rộng hợp tác chiến lược với Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) nhằm thúc đẩy việc sản xuất và tiếp thị dược phẩm của Sanofi tại Việt Nam cũng như xuất khẩu sang thị trường châu Á Thái - Bình Dương…
Thực tế, hàng loạt công ty dược phẩm trong nước sau quá trình hoạt động đã có sự góp mặt của các nhà đầu tư ngoại. Ngoài việc liên doanh, một số cổ đông nước ngoài cũng đầu tư một tỷ lệ đáng kể hoặc thậm chí nắm tỷ lệ chi phối, sở hữu hoàn toàn. Năm 2015, Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2 (TPHCM) đã bổ sung 2 thành viên hội đồng quản trị đến từ Nhật Bản thông qua Công ty Zeria. Trước đó, năm 2013, Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm (Long An) chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn Dược phẩm quốc tế Valeant (Canada).
Đẳng cấp gia công, bào chế đơn giản
Mặc dù việc đón nhận “luồng gió” của các nhà đầu tư ngoại nhằm thúc đẩy nền công nghiệp dược trong nước phát triển, nhưng không phải tất cả đều diễn ra như vậy. Ngoại lệ như Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm được thành lập từ 2005, đầu tư xây dựng nhà máy quy mô cả chục triệu USD, nhưng sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn Dược phẩm quốc tế Valeant (Canada) đã dẫn đến những hệ quả ngoài ý muốn như không có tiếng nói chung, sản xuất thuốc không đạt chất lượng, bị tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng… và đến nay giữa chủ sáng lập và nhà đầu tư nước ngoài đang “thương lượng” lại.
Ý đồ của các công ty nước ngoài là khi nhà đầu tư đạt tỷ lệ chi phối, họ thường có tham vọng chiếm quyền sở hữu. “Trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, họ muốn nắm điều hành để định đoạt, nhất là chuyển giá…”, một giám đốc công ty dược cho biết. Với gần 180 nhà máy sản xuất dược phẩm trong nước đạt chuẩn GMP-WHO, Việt Nam đang đặt những mục tiêu phát triển cho ngành công nghiệp dược. Luật Dược (sửa đổi) 2015 được thông qua hồi đầu năm 2016, đã đặt phát triển công nghiệp dược làm trọng tâm trên cơ sở tiềm năng của nguồn dược liệu, thuốc cổ truyền. Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài. Sự phụ thuộc này khiến ngành dược Việt Nam đang gặp không ít rủi ro do biến động tỷ giá, chất lượng, giá cả…
Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Việt Nam đang đứng ở mức 2-3 trong tổng số 5 mức phát triển công nghiệp dược, tức chỉ mới dừng lại đóng gói bán thành phẩm nhập khẩu, gia công; công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập. Mặc dù theo chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam, đến năm 2010, ngành dược phải đáp ứng tối thiểu 60% nhu cầu sử dụng thuốc nhưng nay đã qua 2015, theo Bộ Y tế, vẫn ở mức khoảng 50%. Ngay như tại TPHCM, có tới 20 công ty dược đạt chuẩn GMP-WHO, nhưng theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế, việc tiếp cận các loại thuốc generic (thuốc vừa hết bảo hộ độc quyền) còn rất chậm, chủ yếu sản xuất thuốc điều trị các bệnh thông thường với các dạng bào chế đơn giản trên 80%.
Sau 10 năm thực hiện Luật Dược (2005), theo Bộ Y tế, ngành dược vẫn chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn. Trên thực tế, giá trị thuốc sản xuất trong nước tính đến năm 2014 mới chiếm 0,72% GDP của Việt Nam. Giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ chiếm 2,18% so với tổng doanh thu ngành công nghiệp sản xuất quốc gia. Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Các chuyên gia y tế quan ngại, các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các công ty dược khó đặt lợi ích người bệnh lên trên hết để nghiên cứu, phát minh thuốc mới, đáp ứng nhu cầu và chất lượng, giá cả phù hợp.
(Nguồn: sggp.org.vn)