Báo điện tử Chính phủ đã ghi nhận những ý kiến của người trong cuộc về việc cấp chứng chỉnh hành nghề dược sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này khi thảo luận về Luật Dược (sửa đổi).
Theo dự thảo Luật Dược (sửa đổi) mà Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội tiếp thu, chỉnh lý thì có 2 phương án quy định việc cấp chứng chỉnh hành nghề dược. Trong đó, nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban đồng ý với phương án một là cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm.
Còn lại là ý kiến đề nghị quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi cải cách hành chính có tiến bộ.
Từ đề xuất này, đa số các ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ nên cấp một lần để bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc chữa bệnh, cứu người.
Quan trọng là phải có cách thẩm định năng lực
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, kinh nghiệm của các nước khác là chứng chỉ hành nghề dược sẽ được tái cấp trong vòng 5 năm. Đồng thời trong 5 năm đó, người hành nghề dược vẫn phải có chứng chỉ cập nhật kiến thức hằng năm.
Ví dụ, theo Thông tư 22 hiện nay của Bộ Y tế thì hằng năm, những người có chứng chỉ hành nghề vẫn phải có 48 giờ cập nhật kiến thức về lĩnh vực của mình.
Nhưng ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dược mỹ phẩm CVI cho rằng thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ hành nghề dược không quan trọng mà quan trọng là cơ chế thẩm định năng lực của người hành nghề của ta vẫn chưa hiệu quả.
“Dự thảo Luật chỉ quy định người được cấp chứng hành nghề là người có thời gian làm việc liên tục 5 năm tại các cơ sở y tế được cấp phép nhưng không quy định rõ cơ sở nào như viện nghiên cứu, bệnh viện hay công ty dược.... Chính vì vậy sẽ xảy ra tình trạng nhiều người đủ điều kiện cấp chứng chỉ nhưng lại không biết có liên quan đến thuốc hay không? Do vậy yêu cầu về chuyên môn chưa cao”, ông Phan Văn Hiệu nói.
Ông cũng cho rằng cần phải có một cơ quan trung gian đánh giá và người hành nghề dược phải được đánh giá định kỳ theo thời gian. “Làm được thế sẽ chuẩn hơn cấp thẻ hành nghề cả đời”.
“Giống như một bác sĩ mổ nhưng được thuyên chuyển làm quản lý hàng chục năm không cầm dao mổ mà vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau khi về hưu lại làm công việc chuyên môn cầm dao mổ thì có đảm bảo hành nghề được không?”, ông Hiệu đặt vấn đề.
Nếu 5 năm sau sẽ cấp lại chứng chỉ hành nghề thì cũng là “đẻ thêm thủ tục hành chính thôi”, ông Hiệu nói và cho biết thêm ở nước ngoài, chứng chỉ hành nghề không phải do cơ quan quản lý cấp mà do hiệp hội ngành nghề cấp. Hiệp hội đề ra các tiêu chí, nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ pháp luật cần phải có, sau đó họ xét duyệt các đơn xin cấp phép nhằm bảo đảm quyền lợi và uy tín của những người được cấp phép thẻ hành nghề.
Nhiêu khê quản lý chứng chỉ hành nghề dược
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dược Hà Nội, ủng hộ việc cấp chứng chỉ hành nghề một lần là hợp lý và cần có hậu kiểm. Còn nếu sau 5 năm lại xin cấp lại thì phức tạp về thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng cũng cho rằng việc quản lý chứng chỉ hành nghề hiện nay còn nhiều bất cập, nhiêu khê, gây phiền hà cho cá nhân người hành nghề.
Theo ông Dũng: “Khi anh hành nghề tại Hà Nội, anh phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề của Sở Y tế Hà Nội. Để có giấy này, anh phải nộp chứng chỉ hành nghề gốc tại Sở Y tế và khi anh chuyển sang cơ sở hành nghề thuộc địa phương khác, anh phải lên Sở Y tế xin lại giấy chứng chỉ hành nghề đó để sang địa phương khác xin giấy đủ điều kiện hành nghề. Như vậy, rất tốn thời gian cho cá nhân người hành nghề, thậm chí nó như thêm một giấy phép con để được rút chứng chỉ hành nghề của mình”.
Ông Nguyễn Văn Dũng hy vọng nếu cơ quan quản lý tận dụng tốt công nghệ thông tin thì ngay từ đầu khâu cấp giấy này, đã có thể quản lý và hậu kiểm chứng chỉ hành nghề một cách tốt nhất tại Cục Quản lý Dược cũng như tại các địa phương.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dược Hà Nội cũng đồng tình với việc phải bảo đảm chuyên môn của người hành nghề dược.
Ngoài ra, ông Phan Văn Hiệu cũng bày tỏ những bất cập trong cấp giấy hành nghề dược. “Dược sĩ học trung cấp (2 năm) đã được đứng ra bán thuốc và chỉ cần học thêm 4 năm chuyên tu, khi ra trường đã đc cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi những người học chính quy (5 năm) thì sau khi ra trường vẫn phải công tác liên tục 3-5 năm tại các cơ quan y tế thì mới đc cấp chứng chỉ hành nghề. Như vậy là không công bằng”, ông Hiệu cho hay.
Đồng thời, ông cũng đề xuất cần phải có kỳ thi chung để cấp chứng chỉ hành nghề. “Dù anh học hệ gì, miễn là đạt kỳ thi này thì được cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ hành nghề này nên được thẩm định định kỳ 5 năm/lần để khẳng định rõ ràng năng lực và chuyên môn của người được cấp chứng chỉ”, ông Hiệu nói.
Hà Chung