Tại buổi toạ đàm “Phát triển dược liệu bền vững” do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì tổ chức tại Báo Nhân dân, các đại biểu lo ngại về chất lượng của đông dược giá rẻ, rác đông dược đang nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Rác” đông dược
Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền cho biết: Hiện nay, phần lớn dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, mỗi tuần khoảng 300-400 tấn dược liệu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn.
Dược liệu ở Trung Quốc có 2 dạng cung cấp: nông sản và dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Những dược liệu ở dạng nông sản không đảm bảo chất lượng để làm thuốc có giá rất rẻ (rẻ khoảng 5 lần) so với các loại dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Chính vì thế, phần lớn các dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam là những dược liệu ở dạng nông sản nên ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và ảnh hưởng xấu đến việc trồng, thu hái dược liệu tại Việt Nam.
Ông Khánh cho biết vấn đề quản lý dược liệu nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác kiểm soát dược liệu tại các cửa khẩu còn nhiều tồn tại như: Dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng qui định, phần lớn được đóng gói ở trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng;
Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của các dược liệu.... Ông Khánh cho rằng dược liệu rất khó định lượng về chất lượng, nó không giống như thuốc tân dược nên càng khó. Hơn nữa, cán bộ hải quan chỉ kiểm tra được giấy tờ và các thủ tục liên quan. Đó là còn chưa kể đến nguồn dược liệu đông dược được nhập khẩu tiểu ngạch.
Thạc sĩ Vũ Văn Cường – Giám đốc BV Y học cổ truyền Hà Đông cho biết việc sử dụng dược liệu kém chất lượng, nhất là trong đông dược, ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ của người dùng. Dược liệu khác với thực phẩm, dược liệu sạch không chỉ sạch về không hoá chất, không chất bảo quản mà dược liệu yêu cầu đòi hỏi có hàm lượng hoạt chất cao. Chính vì thế, để phát hiện “rác” đông dược, Thạc sĩ Hoàng cho rằng, chỉ có lương y có kinh nghiệm mới có thể phát hiện ra bằng mắt thường. Tuy nhiên, nhiều người biết vẫn cho qua.
Dược liệu nhập khẩu lấn át
Theo PGS. TS Trần Văn Ơn, Giám đốc Công ty Pharma (Bộ Y tế), kể từ khi mở cửa, phát triển nền kinh tế thị trường, các dược liệu nước ngoài tràn vào nước ta dẫn đến việc phát triển dược liệu ở Việt Nam đi vào thoái trào, không thể cạnh tranh được với các dược liệu nhập khẩu. Nhiều vùng trồng dược liệu trước đây dần suy giảm và biến mất. Theo thống kê của Cục Quản lý Dược y học cổ truyền, Bộ Y tế, hàng năm ngành dược sử dụng khoảng 60 nghìn tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% dược liệu được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Trong khi, VN sở hữu hơn 12 nghìn loài thực vật, trong đó có tới 4 nghìn loại cho công dụng làm thuốc; thậm chí còn có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng ĐH Y dược Hà Nội, nguyên nhân còn khiến nguồn dược liệu trong nước “lép vế” vì tình trạng khai thác dược liệu tự nhiên quá mức không đi đôi với bản tồn, tái tạo. Cùng đó, là cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết và thị trường dược liệu không ổn định khiến việc phát triển các vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. “Điều quan trọng là dược liệu không được sản xuất theo quy trình, chưa được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, nuôi trồng đến thu hái, chế biến, bảo quản… cũng ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu”, bà Bình cho biết.
Bà Bình cho biết thêm, hiện cả nước có 322 đơn vị, cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu nhưng mới chỉ có 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP – WHO. Trong khi thị phần thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu sử dụng trong nước. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng nguồn dược liệu từ thiên nhiên là rất lớn vẫn đang bỏ ngỏ. Mục tiêu phát triển nguồn dược liệu trong nước đến năm 2020 đáp ứng 60%, đến 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường xuất khẩu dược liệu và sản phẩm từ dược liệu trong nước. Theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, xác định Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loại dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên, với mục tiêu cung ứng khoảng 100 nghìn tấn dược liệu từ nguồn trồng trọt vào năm 2030.