Vắc-xin giả tràn lan, không chỉ có xuất xứ từ những kẻ tham tiền làm liều mà còn là sản phẩm tự chế của các chuyên gia kinh tế không qua bất cứ quy trình kiểm tra nào.
Vụ việc mới nhất ở Chicago (Mỹ) khiến nhiều người càng thêm lo ngại về tình trạng vắc-xin “đen” trôi nổi.
Bị cáo là bác sĩ Ming Te Lin. Lợi dụng uy tín cá nhân và niềm tin từ bệnh nhân, người này đã chế ra loại vắc-xin độc nhất vô nhị từ nước bọt mèo và rượu vodka, sau đó ngang nhiên cho họ sử dụng. Điều đáng sợ là sự việc này tồn tại suốt 10 năm qua cho đến khi một nhà cung cấp dịch vụ y tế địa phương tố cáo với cơ quan chức năng.
Trong số nạn nhân uống vắ c-xin do bác sĩ Ming Te Lin bào chế có một em bé mới bảy ngày tuổi
Số bệnh nhân tiếp nhận loại vắc-xin trên có cả trẻ nhỏ, bé nhất là sơ sinh mới bảy ngày tuổi. Đây là vắc-xin dùng để uống trực tiếp hoặc bơm qua đường mũi, dùng cho bệnh nhi bị dị ứng. Khi kiểm tra, nhà chức trách chỉ thấy hiện trường bừa bãi dụng cụ, không hề có quy trình vô trùng cần thiết.
Không ai biết chắc hỗn hợp nước bọt mèo và rượu vodka có an toàn hay không. Các bệnh nhân cho biết, bác sĩ Ming chưa bao giờ khuyến cáo họ về rủi ro nếu cơ thể kháng các chất có trong vắc-xin trên.
Theo bác sĩ Ming, đây là loại vắc-xin thay thế các trường hợp có người nhà từng mắc chứng tự kỷ, nhiễm bội chàm hoặc rối loạn hệ thần kinh, nhằm tránh phản ứng từ những vắc-xin trên thị trường. Dĩ nhiên, loại vắc-xin này không hề có giấy phép của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.
Vắc-xin giả, vắc-xin lậu là nỗi lo lớn của người dân. Cộng thêm điều kiện bảo quản không an toàn, vắc-xin từng gây ra nỗi ám ảnh lớn, buộc nhiều người nghĩ đến giải pháp tức thời là tìm đến vắc-xin tự chế. Các báo cáo từ nhiều hãng dược ở Mỹ gần đây cho biết, doanh thu của họ sụt giảm có liên quan đến xu hướng phụ huynh tự bào chế vắc-xin.
Ưu điểm của vắc-xin tự chế là rẻ, bố mẹ nắm rõ thành phần, công thức, khiến họ phần nào yên tâm. Chuyên gia phân tích Deborah Eisenson của công ty kiểm toán và tư vấn Deloitte cho biết, nhiều bà mẹ ở Mỹ tìm công thức bào chế vắc-xin trên Facebook, Pinterest, YouTube để làm ra loại vắc-xin riêng cho con.
Họ học cách tổng hợp kháng thể từ phôi gà nhà nuôi hoặc tự nuôi cấy vi khuẩn rồi tiêm vào cơ thể con mình. Trên một số diễn đàn ở Mỹ, các thành viên thường xuyên chia sẻ công thức sản xuất vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, bại liệt… và cả cách bảo quản vắc-xin.
Chị Jen LaRochelle, một trong những người mẹ “cuồng” vắc-xin tự chế khẳng định: “Tôi chắc chắn vắc-xin tôi làm tốt cho con vì tôi làm với tình yêu thương và sự chăm chút kỹ càng. Chẳng ai biết được các hãng dược cho gì vào vắc-xin!”.
Theresa Berman, một bà mẹ khác chia sẻ rằng, nhiều người thử áp dụng công thức vắc-xin sởi của chị và rất ưng ý. Chị tiết lộ, bí quyết trong công thức là một nhúm gừng. Cho đến nay, chưa một cơ quan y tế nào chứng nhận vắc-xin tự chế của những người mẹ này là đạt chuẩn trong khi công thức vẫn lan tỏa trên mạng.
Pháp luật hiện chưa có chế tài đối với việc phụ huynh thản nhiên lựa chọn cho con cách tiêm vắc-xin tự chế. Phụ huynh cho rằng, họ có quyền tự quyết và với họ, tiêm vắcxin cũng không khác chọn loại thực phẩm an toàn cho con. Phải chăng đó là cách những người mẹ tự cứu con mình trước thực tế vắc-xin giả, vắc-xin lậu?
Hồi tháng Sáu, 16 nghi can ở Indonesia bị bắt do liên quan đến đường dây phân phối vắc-xin giả, gồm vắcxin phòng sởi, bại liệt, uốn ván, viêm gan B, vắc-xin cho bệnh nhân bị rắn độc cắn.
Theo điều tra, hàng loạt lô vắc-xin giả đã xâm nhập vào 37 bệnh viện, trung tâm y tế cộng đồng ở chín thành phố và được bán tràn lan trên thị trường suốt 13 năm. Phần lớn vắc-xin giả đội lốt tên tuổi của các công ty dược phẩm nước ngoài.
Người dân Indonesia cũng như người dân các quốc gia đang phát triển lo sợ về rủi ro do chủng ngừa vắc-xin nên họ chuộng vắc-xin nhập ngoại. Điều này dẫn đến tình trạng con buôn lợi dụng, tự sản xuất vắc-xin giả gán nhãn thương hiệu lớn.
Anh Danang Susilo, bố của bé gái Chelea (14 tháng tuổi) cho biết con anh bị tiêm vắc-xin giả. Anh kể, các bác sĩ của bệnh viện Karya Medika tại Jakarta bảo đảm với anh rằng loại vắc-xin giả bé được tiêm không hề gây hại. Nhưng anh Danang nói dù không thấy hậu quả trước mắt nhưng ai dám bảo đảm về hậu quả sau này. Ông bố đáng thương phải đưa con đi tiêm lại vắc-xin thật theo chương trình miễn phí dành cho bệnh nhân đã bị tiêm vắc-xin giả.
Tuy nhiên, điều anh Danang cũng như phụ huynh khác cần là sự kiểm soát chặt chẽ chứ không phải lời giải thích suông. Ngoài ra, người dân cần được bồi thường để thấy mình được tôn trọng.
Tháng Ba năm nay, cảnh sát Trung Quốc phát hiện và truy bắt gần 300 nghi can liên quan đến vụ vận chuyển và phân phối lậu số vắc-xin trị giá gần 88 triệu USD trên 24 tỉnh thành nước này. Chính quyền Trung Quốc ngay sau đó cam kết phá tan thị trường đen chuyên bán các loại vắc-xin.
Năm 2010, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bắt giữ tám người vì sản xuất, bán vắcxin giả chống bệnh dại. Một em bé bốn tuổi đã tử vong vì tiêm vắc-xin chống dại sau khi bị chó cắn.
Nỗi lo vắc-xin vẫn còn là bài toán nan giải trong khi xu hướng tự bào chế vắcxin một cách vô tội vạ vẫn diễn ra...
Thiên Như (Theo CBS Chicago, AP, Xinhua, Onion)