Thị trường dược phẩm trở thành sàn đấu khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước nhằm giành giật “chiếc bánh” ngon được bảo hộ duy nhất còn lại.
Tập đoàn Vingroup vừa chính thức công bố tham gia lĩnh vực dược phẩm với thương hiệu Vinfa. Vinfa sẽ tập trung bảo tồn, nghiên cứu và phát triển các bài thuốc đông y cổ truyền có nguồn gốc từ dược liệu quý Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, quy mô giai đoạn 1 gần 10 ha và được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế với các phân khu: nghiên cứu, sản xuất, hậu cần và các công trình phụ trợ.
“Ông lớn” nội “so găng”
Tuyên bố tham gia thị trường dược phẩm của Vingroup đã làm nóng lên cuộc đua trên thị trường này, khiến cho nhiều doanh nghiệp đã và đang lập kế hoạch tham gia thị trường dược phẩm phải dè chừng.
Với tiềm lực tài chính và hệ thống bán lẻ đã có sẵn thuộc hàng lớn nhất cả nước, Vingroup hoàn toàn có thể nhanh chóng trở thành một nhà phân phối dược phẩm lớn trên cả nước. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường dược phẩm đầy tiềm năng. Hơn tất cả, đây là thị trường hiếm hoi còn được bảo hộ dành riêng cho các công ty trong nước, khi doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải đứng ngoài cuộc chơi.
Theo số liệu thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2017 là khoảng 4,7 tỷ USD. Đến năm 2021, quy mô thị trường được dự báo sẽ tăng lên 7,7 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho ngành dược, với mức chi tiêu cho dược phẩm tăng từ 38 USD/người năm 2015 lên 56 USD/người năm 2017. Mức chi tiêu cho y tế tại Việt Nam tương đương 7% GDP, trong đó 60% là chi phí dành cho dược phẩm.
Thị trường béo bở và lại được bảo hộ là vậy, nhưng lại bị chính các doanh nghiệp trong nước bỏ quên trong nhiều năm. Mọi chuyện chỉ nóng lên vào đầu năm ngoái khi Thế giới Di động, tuyên bố tham gia vào lĩnh vực phân phối dược phẩm. Thế giới Di động đã hiện thực hóa kế hoạch bằng việc mua lại chuỗi cửa hàng dược phẩm Phúc An Khang vào tháng 12/2017. Từ đó, một loại các doanh nghiệp bán lẻ khác như FPT Retail hay Digiworld cùng tuyên bố sẽ tham gia vào cuộc đua trong lĩnh vực này.
FPT Retail thậm chí còn nhắm tới kiểm soát 30% thị phần bán lẻ dược phẩm Việt Nam vào năm 2022. Công ty này đã mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu vào năm 2017 và đang nhắm tới việc mở thêm 30 địa điểm nữa trong năm 2018 này so với con số 10 hiện tại. Đến năm 2022, FPT Retail dự kiến sẽ sở hữu 100 nhà thuốc trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, hiện tại thì thị trường dược phẩm vẫn bị chi phối bởi các cửa hàng nhỏ lẻ. Ai sẽ là người chiến thắng vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nhưng chắc chắn một điều rằng, để chiến thắng trong lĩnh vực này, doanh nghiệp phải có một tiềm lực tài chính rất lớn, vì phân phối dược phẩm không chỉ ở chi phí nhập thuốc về bán mà chi phí đào tạo và giữ chân dược sỹ cũng không phải là nhỏ. Xét trên khía cạnh này, xem ra Vingroup sẽ có được lợi thế lớn hơn do sẽ chủ động được cả ở các khâu nghiên cứu, sản xuất và phân phối. Còn các doanh nghiệp khác có khi lại phải phụ thuộc vào nguồn cung của chính Vingroup sau này.
Doanh nghiệp ngoại “chầu rìa”
Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường dược phẩm như Vingroup, Thế giới Di động, FPT Retail hay Digiworld đều có một xuất phát điểm như nhau là chưa ai có kinh nghiệm trước. Và họ đều có thể thở phào rằng không có đối thủ nặng ký nước ngoài nào cạnh tranh với họ như ở những lĩnh vực bán lẻ khác mà những doanh nghiệp này hoạt động trước đó.
Cho tới nay, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép nhập khẩu dược phẩm và bán cho các nhà bán buôn tại Việt Nam. Nhưng gần đây, các doanh nghiệp ngoại lại tiếp tục gặp rào cản nữa khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ mở động khái niệm phân phối thuốc bao gồm cả các dịch vụ kho bãi và vận chuyển. Theo dự thảo thông tư hưỡng dẫn thi hành nghị định của Bộ Y tế, các doanh nghiệp nước ngoài không được cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc. Có nghĩa rằng hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này sẽ còn bị hạn chế hơn nữa. “Do việc phân phối dược dành riêng cho các công ty 100% vốn trong nước, nên việc mở rộng quy định khiến các công ty nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam hơn hai thập kỷ không thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ kho bãi và vận chuyển tại Việt Nam nữa”, Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham) nêu quan điểm trong sách trắng 2018.
Như vậy, cách duy nhất để các công ty nước ngoài tham gia sâu vào thị trường dược phẩm là mua mua cổ phần ở các công ty dược phẩm hàng đầu trong nước như Traphaco, Domesco, Dược Hậu Giang…
Còn ở thị trường phân phối và bán lẻ dược phẩm, cuộc đua giữa các doanh nghiệp nội cũng mới chỉ bắt đầu. Ai sẽ giành được miếng bánh to nhất sẽ phải chờ thời gian trả lời.