Nắm bắt được tiềm năng của thị trường dược phẩm giống như thị trường điện thoại di động cách đây 10 năm, nhiều “đại gia” bán lẻ Việt như: Thế giới di động, FPT... bắt đầu tham gia vào thị trường này với kỳ vọng thành công như trước đây họ đã từng thành công ở mảng điện thoại. Nhưng liệu lịch sử có được lặp lại?
Chiếc bánh trị giá 4,7 tỉ USD của thị trường dược phẩm dường như đang được phân chia dần khi gần đây, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ đã chính thức công bố thông tin và kế hoạch chinh phục thị trường phân phối dược phẩm.
Lịch sử có lặp lại?
Đó là những cái tên tưởng như chẳng liên quan gì tới dược phẩm như: Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), Công ty cổ phần Thế Giới Số (Mã: DGW) hay mới đây nhất là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Group)… Điều này cho thấy, mảng bán lẻ, phân phối dược phẩm tại Việt Nam đang trở nên hấp dẫn, được giới đầu tư ấp ủ nhiều tham vọng.
Trong số những doanh nghiệp bán lẻ quyết định tham gia vào mảng phân phối dược phẩm, có lẽ MWG được xem là một trong những doanh nghiệp tham gia vào sớm hơn cả.
Quan điểm của họ rất đơn giản, giống như cách đây chừng 10 năm khi MWG quyết định đầu tư phân phối điện thoại di động, khi đó thị trường rất manh mún và không có trật tự. Cuộc chơi lúc đấy dường như chỉ có FPT “một mình một chợ”, và MWG quyết định tham gia.
10 năm sau khi nhìn lại quyết định này, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG từng thừa nhận thành công của MWG là khởi động ngay ở thời kỳ mà thị trường điện thoại còn rối ren. MWG tham gia và sắp xếp lại thị trường đó, cơ hội chỉ đến có một lần. May mắn tạo nên thành công của MWG là gia nhập thị trường đúng thời điểm.
Nhắc lại câu chuyện trên để thấy, đầu tư vào thị trường khi nó chưa được định hình rõ nét thì cơ hội thành công sẽ rất lớn. Và, trên thực tế, thị trường phân phối dược phẩm hiện vẫn chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm lĩnh đến 20% thị phần. Như vậy, vẫn chưa có “sếu đầu đàn”.
Ngoài MWG, giữa tháng 8/2017 vừa qua, DGW cũng đã bắt tay với Vinamedic chính thức đặt chân vào ngành phân phối thực phẩm chức năng. Một “đại gia” khác là Công ty cổ phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng hé lộ việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ dược phẩm.
Không phải cứ “nhảy” vào là thắng
Việt Nam có tới hơn 45.000 nhà thuốc tư nhân hoạt động một cách riêng lẻ, tự phát và phân mảnh nghiêm trọng. Dù đã có một số nhà phân phối dược phẩm theo dạng chuỗi như: Phano Pharmacy (49 cửa hiệu trên toàn quốc, với độ bao phủ tại 12 tỉnh thành), ngoài ra còn có Pharmacity hay PAK Pharmacy... Nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy số lượng và quy mô còn quá nhỏ bé so với số dân trên 90 triệu người của Việt Nam. Ngay cả nhà phân phối được cho là lớn như Phano Pharmacy cũng mới chỉ xuất hiện ở khu vực miền trung trở vào. Đơn vị này được biết đến nhiều nhất tại TPHCM với 28 cửa hiệu, tại một số tỉnh khác như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau mật độ chỉ từ 2 – 4 cửa hiệu.
Theo tổ chức nghiên cứu Business Monitor International, tổng thị phần của các chuỗi này chiếm chưa tới 5%. 95% còn lại đang nằm trong tay hơn 50.000 nhà thuốc đơn lẻ. Tuy nhiên, tổ chức này dự báo thị trường dược sẽ đạt doanh số 7,27 tỷ USD vào năm 2019 so với 4,7 tỷ USD năm 2016.
Một thông tin khác cũng rất đáng quan tâm, đến năm 2050, dự đoán có đến 21% dân số Việt Nam trên 65 tuổi so với mức 7% hiện nay, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thuốc ngày càng tăng cao trong 30 năm tới. Bởi vậy, sự nhạy bén của các “đại gia” bán lẻ như Thế giới di động, FPT… không phải không có cơ sở.
Dù vậy, chuyên gia, TS Đinh Thế Hiển nhận xét, bản chất của ngành dược có đặc thù riêng nên phải quản lý chặt các doanh nghiệp được cho là không có chuyên môn dược. Ví dụ như Thế Giới Di Động, họ thành công với bán điện thoại, điện máy, nhưng với dược phẩm thì đây vẫn là ẩn số. “Dược phẩm là nhóm ngành đặc thù với nhiều rủi ro không phải cứ “nhảy vào là thắng", TS Hiển nói.
Nhưng ở góc độ thị trường, rõ ràng có những doanh nghiệp phân phối như MWG, DGW hay FPT... mạnh dạn chuyển hướng sang phân phối dược phẩm là một tín hiệu tốt cho thị trường.
Nguồn: enternews.vn