Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai. Việc triển khai mạnh mẽ nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào xây dựng nguồn nguyên liệu và hiện đại hóa y học cổ truyền là yêu cầu tất yếu trong tình hình hiện nay. Để làm được điều này, cần sự chung tay của nhiều ngành và sự nỗ lực của các địa phương.
Yêu cầu tất yếu
Theo Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50-60 nghìn tấn dược liệu, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Mặc dù có tiềm năng, thế mạnh lớn, nhưng Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Theo ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trở thành hàng hóa có giá trị cao và được sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin có công dụng chống lão hóa, ức chế tế bào ung thư cao hơn cả những loại sâm quý được nghiên cứu sử dụng lâu đời trên thế giới như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc. Thế nhưng, với tình hình khai thác bừa bãi và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sâm Ngọc Linh đang bị thu hẹp dần môi trường sống. Hơn nữa, các công trình nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh vẫn chỉ dừng lại ở mức độ bảo tồn nguồn gen, chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn phục vụ cho việc phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của loài dược liệu quý này.
Bên cạnh đó, khó khăn về công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng là rào cản phát triển sản xuất dược liệu của nhiều địa phương. Các sản phẩm dược liệu chủ yếu mới qua chế biến thô, nên giá trị kinh tế chưa cao. Chưa kể người kinh doanh dược liệu thường xông lưu huỳnh để bảo quản, dẫn đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ một cách đồng bộ là yêu cầu mà các nhà phát triển dược liệu đặt lên hàng đầu hiện nay. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty Thiên Dược - tác giả của viên nang Crila từ trinh nữ hoàng cung - để đưa viên nang Crila tiếp cận, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản,... các nhà nghiên cứu đã mất 4 năm làm việc để cô đặc hoạt chất, giảm liều dùng từ 8 viên/ngày, xuống còn 4 viên/ngày (theo tiêu chuẩn quốc tế).
Trước yêu cầu bức thiết về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phát triển dược liệu, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương để thúc đẩy phát triển các vùng dược liệu. Trước mắt, Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ ưu tiên xem xét hỗ trợ phát triển một số sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị.
Thúc đẩy liên kết “4 nhà”
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế), các địa phương cần chủ động xây dựng cơ chế đặc thù với công tác phát triển dược liệu để phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống. Cần có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác và phát triển dược liệu; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại và phù hợp trong phát triển dược liệu. Đặc biệt, nhân rộng việc áp dụng hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP - WHO) trên tất cả vùng trồng dược liệu.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco - đơn vị đã có một số kinh nghiệm trong quá trình phát triển dược liệu - nhấn mạnh đến mô hình liên kết “4 nhà”. Trong phát triển vùng trồng, công ty quản lý trồng, thu hái dược liệu với quy mô lớn, giúp đỡ các điều kiện ban đầu, hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn cho người nông dân. Công ty bảo đảm bao tiêu dược liệu, hợp đồng với nông dân về việc sản xuất, thu mua dược liệu dài hạn. Không những vậy, công ty còn mời những chuyên viên cao cấp của các viện, trung tâm trồng và chế biến cây thuốc, giảng viên các trường y, dược về làm chuyên gia tư vấn thông tin, hướng dẫn kỹ thuật về nông nghiệp, chế biến dược liệu, bào chế sản phẩm sản xuất theo công nghệ mới, chuyển giao đề tài khoa học.
Tại Hà Nội, ngoài Ba Vì, Sơn Tây, huyện Sóc Sơn cũng là địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc phát triển nhiều loại cây dược liệu. Trên địa bàn huyện có xã Bắc Sơn đã hình thành hợp tác xã bảo tồn và phát triển dược liệu. Mục tiêu của hợp tác xã là phát triển cây dược liệu định hướng hữu cơ, hướng tới hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây dược liệu đạt chuẩn quốc tế. Hiện tại, vùng thảo dược Bắc Sơn đã trồng được nhiều loại quý hiếm như: Thất diệp nhất chi hoa, ngải rắn, lan kim tuyến vân đỏ…
Bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, để phát triển vùng dược liệu an toàn, trong năm 2019, huyện tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh hữu cơ chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2020 có từ 30ha đến 50ha trồng cây dược liệu, nhằm bảo tồn nguồn gen và tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Bà Vi Thị Bình Anh mong muốn thành phố và các sở, ngành hỗ trợ huyện Sóc Sơn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng và xúc tiến thương mại nhãn hiệu sở hữu tập thể “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn” trong sản xuất cây dược liệu giai đoạn 2018-2020.