Lợi dụng tâm lý lo ngại của người dân về dịch Covid-19, trên các mạng xã hội (đặc biệt là Facebook), có rất nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng được quảng cáo "thổi phồng" về công dụng như thuốc chữa bệnh, diệt vi rút gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhằm siết chặt quảng cáo bán sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thì người dân cần cẩn trọng, không nên tin vào những lời chia sẻ trên mạng xã hội, tránh “tiền mất, tật mang”.
99% sản phẩm quảng cáo sai sự thật
Gần đây, trên mạng xã hội đã đăng tải rất nhiều hình ảnh quảng cáo các loại thẻ đeo kháng khuẩn có xuất xứ từ Nhật Bản, Nga với tác dụng như “bùa hộ mệnh” chống vi rút gây ra dịch Covid-19 với giá 150.000-450.000 đồng/sản phẩm. Trên thực tế, không ít gia đình có con nhỏ đã tìm mua.
Dù chỉ nghe qua quảng cáo, không biết thực hư tác dụng của thẻ kháng khuẩn ra sao, nhưng chị Nguyễn Thị Hằng Thu (35 tuổi ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đã lập tức tìm mua cho con trai đeo để phòng bệnh. Chị Thu cho biết, chị thấy loại thẻ này được quảng cáo có tác dụng ngăn ngừa sự truyền nhiễm của vi rút, nấm mốc, vi khuẩn, thông qua đường hô hấp và không khí và đã được y tá, bác sĩ ở các bệnh viện tại Nhật Bản tin dùng.
Hiện, Bộ Y tế không cấp phép nhập khẩu, lưu hành cho thẻ kháng khuẩn diệt vi rút. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ kháng khuẩn. Cơ quan y tế của Việt Nam cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ kháng khuẩn giúp phòng dịch bệnh. Ngay tại Nhật Bản cũng không khuyến cáo người dân sử dụng thẻ kháng khuẩn để ngăn ngừa dịch này.
Không chỉ thẻ kháng khuẩn, trên các mạng xã hội còn rao bán các sản phẩm khẩu trang y tế được quảng cáo có lớp nano bạc với tác dụng diệt khuẩn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, đây là hành vi cố tình “thổi phồng” công dụng. Có những nơi chỉ kinh doanh khẩu trang thông thường, thậm chí cả khẩu trang không đạt chuẩn, nhưng vẫn quảng cáo là có tác dụng diệt khuẩn. Từ đầu tháng 2-2020 đến nay, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm nghiệm 107 mẫu khẩu trang y tế, trong đó phát hiện 12 mẫu không đạt chất lượng.
“Có loại khẩu trang được đóng hộp và dán nhãn khẩu trang kháng khuẩn, nhưng qua kiểm nghiệm, đây chỉ là loại khẩu trang bảo hộ lao động bình thường. Còn có loại khẩu trang nhái nhãn mác Nhật Bản, thay lớp màng vi lọc có tác dụng lọc vi khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn bằng lớp màng giấy…”, bà Nguyễn Thị Thanh Phương thông tin thêm.
Thậm chí, một số người kinh doanh đã quảng cáo cả những loại thực phẩm chức năng có khả năng diệt vi rút, phòng, chống dịch Covid-19. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 99% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm. Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nếu là sản phẩm tốt, sản phẩm chính hãng cũng chỉ có công dụng hỗ trợ sức khỏe, không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng diệt vi rút, trị cảm cúm…
Phối hợp chặt chẽ để siết chặt quản lý
Ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội cho rằng, việc sử dụng những loại khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng, hay những loại thẻ kháng khuẩn chưa được kiểm chứng về tác dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc phòng, chống dịch bệnh của người dân. Bởi, khi người dân có tâm lý yên tâm vì đã đeo khẩu trang diệt khuẩn, đeo thẻ kháng khuẩn, nhất là khi đến những nơi có nguy cơ cao, họ sẽ lơ là, mất cảnh giác trong việc phòng bệnh, trong khi những vật dụng đó lại không có tác dụng phòng bệnh.
"Người tiêu dùng không nên tin vào những bài viết quảng cáo “thổi phồng” công dụng của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội. Khi mua các sản phẩm này phải yêu cầu có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, được công bố tiêu chuẩn với Bộ Y tế hoặc Sở Y tế. Đặc biệt, các sản phẩm này khi đưa ra lưu hành trên thị trường cần có phiếu kiểm định chất lượng", ông Nguyễn Thành Đạt khuyến cáo.
Đề cập đến việc xử lý vi phạm quảng cáo, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm) cho biết: "Theo quy định, người có sản phẩm quảng cáo và người phát hành quảng cáo, trước khi tiến hành quảng cáo, nội dung phải được cơ quan chức năng thẩm định xem đúng công dụng sản phẩm không. Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có dấu hiệu vi phạm trên những trang web hay tài khoản Facebook. Khi phát hiện sai phạm, nếu xác định được chủ thể, chúng tôi lập tức tiến hành xử lý vi phạm hành chính. Còn những trường hợp chưa xác định được chủ thể, Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xác minh, xử lý".
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với đại diện của Facebook - trang mạng xã hội có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam, đề nghị đơn vị này phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để quản lý việc quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành để quản lý hiệu quả hơn. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường thanh kiểm tra, thường xuyên rà soát các nội dung quảng cáo. Khi phát hiện sai phạm sẽ đăng tải công khai và khuyến cáo để người tiêu dùng không mua những sản phẩm này.
Nguồn: hanoimoi.com.vn