Dưới danh nghĩa là những bài tư vấn sức khỏe, phổ biến kinh nghiệm điều trị bệnh của nhân viên y tế, một số ấn phẩm báo chí, trang thông tin hay chương trình truyền hình đã "đính kèm" thông tin sản phẩm thực phẩm chức năng vào khiến cho người đọc lầm tưởng đây là những bài báo khoa học, thông tin đã được thẩm định, từ đó tin dùng.
Khác gì đánh lừa người tiêu dùng?
Theo quy định tại điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT, quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Cơ quan này quy định các tổ chức không được phép quảng cáo thực phẩm chức năng dưới hình thức bài viết của các bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Bộ Y tế cũng quy định không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm.
Thực tế hiện nay, hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra rầm rộ dưới mọi hình thức. Trên báo in, việc quảng cáo dưới hình thức hỏi đáp về bệnh, tư vấn sức khỏe, thông tin sản phẩm mới, phổ biến kinh nghiệm điều trị bệnh trong đó có tên hình ảnh của nhân viên y tế diễn ra… khá phổ biến. Chỉ cần vào mục sức khỏe - ẩm thực của báo T. độc giả sẽ thấy liên tiếp các bài tư vấn sức khỏe bảo vệ làn da, trong đó trình bày một số kiến thức y khoa về cấu tạo làn da, chăm sóc da… Đương nhiên, không thể thiếu nội dung quan trọng là giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng sâm A.... Đặc biệt, trên mỗi bài viết đều xuất hiện tên, hình ảnh, chức danh của một vị nguyên lãnh đạo cơ quan, hiệp hội, cơ sở y tế hoặc một y, bác sỹ đang công tác tại cơ sở chuyên khoa về da liễu.
Cụ thể, trong số báo 71 ra ngày 11-3-2016, tại trang 15 mục sức khỏe - ẩm thực trên báo T. có bài báo tư vấn cách chăm sóc da, ngay đầu bài báo là hình ảnh bác sỹ P.V.H- nguyên Viện trưởng một viện cấp quốc gia. Trong bài đính kèm thông tin về sản phẩm sâm A..., dưới cuối bài cũng ký tên P.V.H. Là một độc giả khi đọc được những thông tin nêu trên sẽ dễ gây hiểu lầm, đó là những bài báo khoa học và gián tiếp cho rằng, sản phẩm được giới thiệu là sự lựa chọn tốt nhất mà chuyên gia khuyến cáo nên dùng. Điều đáng chú ý, do sản phẩm được quảng cáo núp dưới danh nghĩa giới thiệu của chuyên gia nên đã “lách” được quy định của Bộ Y tế là khi tiến hành quảng cáo thực phẩm chức năng buộc phải có dòng chữ: “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Chưa kể, hiện trên một số báo điện tử như V...News thường xuyên đăng tải thông tin sản phẩm dưới dạng bài viết như "đứt mạch máu não đã đóng quan tài, đột nhiên sống dậy" nhờ thìa thuốc thời Lê hay người kế thừa bài thuốc thần kỳ trị tai biến của thái y triều Lê... Trong bài kể lại câu chuyện bệnh nhân sử dụng và hình ảnh lương y T. quảng bá sản phẩm "An..." chữa tai biến thần kỳ khiến nhiều người tin theo (mà thực chất là thực phẩm chức năng không có chức năng chữa bệnh).
Còn trên đài truyền hình, khán giả hay thấy trong một số chương trình tư vấn sức khỏe hoặc giải đáp cách phòng và điều trị bệnh, các bác sỹ đều giới thiệu cơ chế bệnh sau đó giới thiệu một loại thực phẩm chức năng nào đó với nhiều tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Ví dụ như chương trình "Chất lượng..." của đài V. vào thứ Bảy hàng tuần với thời lượng hơn 30 phút. Theo đó, với từng loại bệnh sẽ có một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực giới thiệu về cơ chế bệnh, nguyên nhân, triệu trứng, cách phòng chống và một sản phẩm thực phẩm chức năng được giới thiệu với tác dụng tốt kèm theo. Chưa kể, chương trình còn cho phát thông tin khán giả đã từng sử dụng sản phẩm lên tiếng về sản phẩm, khán giả đặt câu hỏi về sản phẩm để chuyên gia có dịp “giới thiệu” sản phẩm… càng khiến người xem tưởng thật.
Cân nhắc thiệt hơn
Theo bác sỹ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), quảng cáo trong lĩnh vực y tế là cần thiết, song do đây là loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, cần phải được quản lý chặt chẽ theo luật định. Tuy nhiên bản thân bác sỹ Phúc thừa nhận, trong thời gian qua, tình trạng quảng cáo trong khám chữa bệnh, mỹ phẩm, thuốc và đặc biệt là thực phẩm chức năng đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến lòng tin, gây thiệt hại đến tiền bạc, sức khỏe và thậm chí tính mạng người dân.
Là một người công tác lâu năm trong lĩnh vực y học, nhiều lần bác sỹ Trần Văn Phúc phải bất lực nhìn bệnh nhân tử vong khi người dân phát hiện bệnh nặng không tuân thủ điều trị cuả nhân viên y tế mà tìm tới các bài thuốc dân gian theo truyền miệng, hay ra sức sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng được giới thiệu là hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt. Sau một quá trình mải miết chữa bệnh theo những điều ngộ nhận, tình trạng bệnh không cải thiện, quay trở lại cơ sở y tế, bệnh trở nên vô phương cứu chữa.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian vừa qua bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện và tử vong do mắc viêm gan nhưng không tuân thủ điều trị bệnh để sử dụng các bài thuốc Nam hoặc sản phẩm chức năng, đến khi bệnh trở nặng, tiến triển thành ung thư gan mới tới cơ sở y tế điều trị, khi đó khả năng điều trị bệnh là không thể, bệnh nhân chỉ còn cách… đợi thời gian.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hiện quy định của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến thực phẩm chức năng được quy định khá rõ ràng, cụ thể, chi tiết song Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thừa nhận, hiện một số loại sản phẩm được quảng cáo khi chưa đăng ký nội dung quảng cáo hoặc đăng ký đã hết hạn. Cá biệt có một số trường hợp quảng cáo sai tác dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh, quảng cáo quá phạm vi công dụng sản phẩm. Việc sử dụng hình ảnh, uy tín của bác sỹ, bệnh viện để quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn tồn tại.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, quảng cáo trên báo chí có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, do phần lớn người dân tin tưởng vào nội dung báo chí vì đã được Nhà nước kiểm duyệt chặt chẽ. “Cơ quan quản lý báo chí trước khi chuyển tải thông tin tới độc giả cần thận trọng, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ văn bản, hồ sơ giấy phép Giấy xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo maket quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm cấp, chỉ chuyển tải thông tin về công dụng của sản phẩm đã được cấp phép, tránh việc nói theo ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói.
Về trách nhiệm của cơ quan báo chí khi sử dụng những bài viết tư vấn sức khỏe của chuyên gia có trộn thông tin sản phẩm thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, thông tin về sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc một số bài thuốc dân gian được đăng tải trên phương tiện truyền thông chuyển tải tới công chúng, tác giả và cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm trước thông tin mình đưa ra. Nếu độc giả tin theo, áp dụng, có tai biến, người bệnh kiện thì khi đó cơ quan báo chí đó phải chịu trách nhiệm.
(Nguồn: baohaiquan.vn)