Cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, trong đó có nhiều cơ sở nhỏ lẻ, dây chuyền đơn giản nên rất khó đảm bảo chất lượng.
Nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo thổi phồng / Thực phẩm chức năng chứa chất kích dục tương tự viagra
Thị trường thực phẩm chức năng của Việt Nam có hơn 20.000 sản phẩm, kể cả nhập khẩu; trong đó 60% là sản xuất trong nước. Cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này. Trong số các sản phẩm vi phạm có rất nhiều loại sản xuất trong nước.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vi phạm về chất lượng thường gặp là hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh nhất là các thực phẩm chức năng có nguồn gốc dược liệu, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam bảo quản không tốt rất dễ phát triển nấm mốc…
Trong số hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng trên toàn quốc, có cơ sở đầu tư rất hiện đại, có cơ sở lại đơn giản, nhỏ lẻ nên khó đảm bảo chất lượng, chất lượng không đồng đều. Có doanh nghiệp công bố sản phẩm xong chuyển văn phòng không báo lại cho cơ quan chức năng đến lúc đi kiểm tra không thấy đâu.
Ngày 29/3, Bộ Y tế lấy ý kiến đóng góp tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất tốt GMP trong thực phẩm chức năng. Theo Bộ, trong tình hình thị trường thực phẩm chức năng hiện nay, quy định các doanh nghiệp phải có chứng nhận GMP - thực hành sản xuất tốt là điều kiện tất yếu. Mục đích để kiểm soát chất lượng tốt hơn, loại doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất.
Lộ trình các nước trong khu vực đến 2021 mới bắt buộc áp dụng GMP, tuy nhiên quan điểm của lãnh đạo Bộ Y tế là Việt Nam áp dụng càng sớm càng tốt. Nhiều nước châu Âu đã áp dụng các tiêu chuẩn này. Khi đó, chất lượng sản phẩm đảm bảo đúng như công bố, kiểm nghiệm từng lô mẻ sản phẩm, bán thành phẩm tránh tình trạng ra ngoài thị trường hậu kiểm mới phát hiện không đạt chất lượng, thu hồi rất khó.
“Áp dụng tiêu chuẩn GMP chắc chắn rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện. Vì thế, quan điểm của Bộ Y tế là thực hiện có lộ trình, cơ sở đủ điều kiện thì chứng nhận, ưu tiên thời gian công bố, tần suất thanh kiểm tra; cơ sở chưa chứng nhận thì tăng cường kiểm tra”, tiến sĩ Phong nhấn mạnh.
Dự thảo gồm 10 nội dung chính với 5 mục: hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự và đào tạo, nhà xưởng trang thiết bị, vệ sinh, hồ sơ tài liệu. Trong đó, về nhà xưởng và trang thiết bị, nguyên tắc để một nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng đạt chuẩn GMP là phải xa nguồn ô nhiễm, côn trùng, động vật gây hại; có khu vực riêng để bảo quản, cấp phát, chế biến, đóng gói, kiểm nghiệm; có hệ thống thông gió phù hợp; được bảo trì, bảo dưỡng duy trì tốt. Đặc biệt, khu vực sản xuất phải đảm bảo sắp xếp theo nguyên tắc một chiều, khu vực kiểm nghiệm phải tách biệt khỏi nơi sản xuất…
Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân rất lớn. Nghiên cứu tại 2 thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội có đến 60-70% người dân sử dụng thực phẩm chức năng.
Theo báo Việt Nam Express