Bộ Y tế đề xuất quản lý chặt việc cấp phép thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ, có hội đồng khoa học đánh giá.
Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội sửa nghị định 38 hướng dẫn chi tiết thực hiện luật an toàn thực phẩm ban hành 2012. Nội dung còn nhận được nhiều ý kiến góp ý là kiểm tra chuyên ngành và công bố thực phẩm.
Theo quy định, các loại thực phẩm khi nhập về Việt Nam đều phải có thông báo đạt chất lượng mới được thông quan. Bộ Y tế, Bộ Công thương đã chỉ định 15 đơn vị phục vụ kiểm tra chuyên ngành này. Những mặt hàng nào ba lần kiểm tra đã đạt yêu cầu thực phẩm nhập khẩu thì lần thứ tư chỉ kiểm tra trên hồ sơ, không cần lấy mẫu.
Thực tế trong năm 2016, 90% lô hàng nhập về chỉ kiểm tra hồ sơ. Vì thế, Bộ Y tế đề xuất sửa theo hướng “nếu ba lần kiểm tra đã đạt thì lần thứ tư miễn kiểm tra”. Tuy nhiên, quy định này cần sự đồng tình của Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương vì Bộ Y tế chỉ quản lý 6 trong số 33 nhóm hàng, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết.
Lĩnh vực an toàn thực phẩm được giao cho ba Bộ quản lý 33 nhóm hàng. Trong đó Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm, Bộ Công thương 8 nhóm. Bộ Y tế chịu trách nhiệm 6 nhóm gồm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Bộ Y tế đề xuất với những thực phẩm thông thường như bánh kẹo, nước giải khát, nước uống đóng chai, nước uống thiên nhiên, sản phẩm đóng hộp… thì để doanh nghiệp tự công bố chất lượng. Điều kiện là mức giới hạn an toàn về kim loại nặng, nấm men, nấm mốc, vi sinh, chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm… phải tuân thủ theo quy định.
Hồ sơ công bố gửi đến cơ quan quản lý. Dự kiến sau bảy ngày làm việc nếu cơ quan quản lý không có ý kiến thì doanh nghiệp tự sản xuất kinh doanh. Cơ quan quản lý hậu kiểm để kiểm tra công bố có đúng thực tế sản xuất, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Hồ sơ công bố cũng sẽ đơn giản hơn, thời gian công bố rút ngắn so với trước. Vẫn quản lý chặt với nhóm thực phẩm đặc biệt như thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ. “Sẽ có hội đồng khoa học đánh giá từng sản phẩm để đưa ra ý kiến khánh quan, không chỉ dựa vào hồ sơ giấy tờ”, ông Phong nói.
Thực tế, với 27 nhóm hàng Bộ Nông nghiệp và Công thương chịu trách nhiệm thì hai Bộ chỉ quản lý quảng cáo, điều kiện vệ sinh; còn vấn quản lý sản phẩm, công bố lại do Bộ Y tế thực hiện. Vì thế, Cục đề xuất giao lại các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Công thương để hai Bộ trực tiếp quản lý; giảm tải 70% công việc công bố cho ngành y tế.
Với 6 nhóm ngành hàng thuộc quản lý của Bộ Y tế, Bộ sẽ phân cấp triệt để cho các địa phương thực hiện việc quản lý cấp phép, công bố với nhóm phụ gia thực phẩm, bao bì thực phẩm, nước uống đóng chai. Bộ quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng.
Cũng theo ông Phong khi đã thông thoáng về thủ tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong cấp phép thì bắt buộc phải tăng cường hậu kiểm để đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi đề nghị các Bộ tăng cường nguồn lực cho hậu kiểm. Bên cạnh đó cần sửa nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức phạt, thậm chí rút giấy phép, chuyển xử lý hình sự nếu dấu hiệu vi phạm vượt quá xử phạt hành chính”, ông Phong nhấn mạnh.
Nguồn: vfa.gov.vn