Từ đầu năm 2000, khi mới xuất hiện trên thị trường, mặt hàng thực thực phẩm chức năng (TPCN) chủ yếu là hàng nhập khẩu. Đến nay, sau gần 20 năm xuất hiện trên thị trường thì có tới hơn 70% sản phẩm do các cơ sở sản xuất TPCN trong nước sản xuất, còn hơn 20% là hàng nhập khẩu.
Ngày 22/11, tại Hội nghị Khoa học Quốc tế về thực phẩm chức năng lần thứ 2 do Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức, PGS.TS Trần Đáng, Chỉ tịch Hiệp Hội chức năng đánh giá, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân ngày càng tăng.
Năm 2000, khi TPCN mới vào Việt Nam chỉ có khoảng 63 mặt hàng TPCN, 100% là nhập khẩu. Sau 10 năm, con số này tăng lên hơn 3700 mặt hàng với hơn 1600 cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Đến năm 2016 cả nước có khoảng gần 3500 mặt hàng TPCN.
Theo ông Đáng, xu hướng tiêu dùng TPCN tăng lên, bởi TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học. Công dụng của TPCN đã được nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới trong đó có Nhật Bản từ những năm 80, sau đó dần phát triển ở các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada, Úc, New Zealand, Trung Quốc...
"Thực phẩm chức năng bản chất là một loại thực phẩm điều trị, nó cũng như yoga, thể dục trị bệnh. Thực phẩm cũng có tác dụng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, hỗ trợ làm đẹp, tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị, tăng sức khỏe chung, tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật... Nói nôm na như người cứ ốm được ăn thịt gà là khỏe, bởi thịt gà nhiều chất đạm, ăn giúp khỏe lên, đẩy lùi bệnh tật. TPCN trong bản thân có những hoạt chất tấn công vào yếu tố và điều kiện gây bệnh, như giảm đường máu, mỡ máu, giảm nguy cơ gây ung thư... vì thế nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao", ông Đáng nói.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, thị trường TPCN rất sôi động. Không chỉ có hàng nhập khẩu mà nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dây chuyền sản xuất, nhà máy hiện đại, kết hợp với các nhà khoa học, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng có chất lượng tốt, hiệu quả cao.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều nghiên cứu về phương pháp tách chiết được ứng dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm chức năng. Đây cũng là một lợi thế lớn của Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất khẩu thực phẩm chức năng ra nước ngoài.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn không ít cơ sở làm ăn chưa uy tín, đặt lợi ích lên hàng đầu, sản xuất, lưu hành các sản phẩm chưa đạt chất lượng như công bố.
Vì thế, trong thời gian tới, Chính phủ cũng như các bộ ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý thực phẩm chức năng, nhằm loại bỏ những thực phẩm kém chất lượng ra khỏi thị trường.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đánh giá Việt Nam có nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, đa dạng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng tốt, chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, hướng tới xây dựng ngành thực phẩm chức năng bền vững và phát triển tiến bộ. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học cũng liên quan mật thiết với quy định quản lý an toàn thực phẩm sản phẩm thực phẩm chức năng. Vì các kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở, bằng chứng khoa học trong công bố công dụng của sản phẩm, là căn cứ để các nhà quản lý cho phép công bố sản phẩm và quản lý việc quảng cáo đúng chức năng, công dụng thực tế của sản phẩm, gây hiểu lầm cho người dùng và sử dụng sai mục đích, tốn kém và làm mất cơ hội điều trị.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng đề nghị các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ thêm các kiến thức và kinh nghiệm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và thực phẩm chức năng nói riêng để có những sản phẩm thực phẩm chức năng tốt, hữu ích vì sức khỏe cộng đồng.
Tại hội nghị, 15 tham luận của các đại biểu trong nước và quốc tế tập trung vào các vấn đề liên quan đến thực phẩm chức năng Việt Nam và quốc tế như: Báo cáo thành tựu khoa học - công nghệ, các kỹ thuật mới, tiên tiến được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng; định hướng nghiên cứu phát triển thực phẩm chức năng ở Việt Nam; giới thiệu các công trình nghiên cứu về thực phẩm chức năng và các lĩnh vực liên quan của các đơn vị, hướng tới phát triển ngành thực phẩm chức năng bền vững vì sức khỏe cộng đồng và xây dựng ngành thực phẩm chức năng Việt Nam trở thành ngành kinh tế đem lại hiệu quả cao.
"Bêu tên" đơn vị vi phạm trên truyền thông
Theo đó, kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác hậu kiểm, lấy mẫu trên thị trường và gửi đơn vị kiểm nghiệm để kiểm tra mẫu. Trường hợp có vi phạm các quy định về các chỉ tiêu, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương để quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp là thực phẩm chức năng trên tinh thần phù hợp với các quy định của Việt Nam và không trái với các quy định của quốc tế về bán hàng đa cấp.
TS Phong cho biết, về xử phạt vi phạm các doanh nghiệp, ngoài các hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là công khai tên các sản phẩm cũng như tên doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tác dụng răn đe, cảnh báo đến người tiêu dùng những thực phẩm kém chất lượng.
PGS Đáng cũng thừa nhận một thực tế nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận làm ăn bát nháo làm, làm lung lay lòng tin của người tiêu dùng vào một mặt hàng đã được chứng minh công dụng tốt cho sức khỏe. Ông cũng ghi nhận sự nỗ lực của Cục An toàn thực phẩm trong việc quản lý mặt hàng này, thể hiện con số xử lý vi phạm mà đơn vị này công bố.
Trong thời gian tới, quản lý thực phẩm chức năng sẽ tiếp tục được quan tâm đặc biệt tại Việt Nam với phương thức quản lý hiện đại, chính sách quản lý vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, vừa kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm đồng thời hài hòa với các quy định quốc tế. Công tác quản lý hướng tới mục tiêu xây dựng ngành thực phẩm chức năng Việt Nam trở thành ngành kinh tế-y tế chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Nguồn: dantri.com.vn