Ngoài ý kiến nêu trên, ĐBQH còn cho rằng, dược liệu nhập đã được chiết xuất, sang Việt Nam với giá rất rẻ hơn giá đấu thầu “thì chịu thua”. Dân uống thuốc đó làm sao khỏi bệnh được!
Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần phải thiết lập mô hình quản lý tập trung hiệu quả hơn đối với thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm tương tự như cơ quan FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Song, rất tiếc điều này vẫn chưa được đề cập trong dự thảo Luật Dược lần này.
Ngày hôm qua (25/3), tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 13, các đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) đã làm việc tại hội trường để góp ý về dự thảo Luật Dược (sửa đổi). Đây được xem là lần lấy ý kiến cuối cùng để hoàn thiện dự luật này, trước khi nó được thông qua tại kỳ họp.
Giá trúng thầu còn thấp hơn giá nhập nguyên liệu
Phát biểu tại kỳ họp, bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng, chính sách nhà nước cho thấy sự ưu tiên phát triển sản xuất dược trong nước. Nhưng theo bà, luật cần bổ sung định hướng xây dựng hàng rào kỹ thuật nhập khẩu và phải hạn chế số đăng ký đã quá nhiều cho một loại hoạt chất.
“Đây cũng là một giải pháp cho tình trạng tồn đọng hồ sơ số đăng ký thuốc hiện nay (tại Cục Quản lý dược) đang gây nhiều bức xúc và có dư luận cho rằng việc xử lý hết sức tuỳ tiện, tiêu cực”, bà Lan nói.
“Tôi không đồng ý với giải trình cho rằng không thể hạn chế số đăng ký trên một hoạt chất do gia nhập WTO. Vậy tại sao chính sách này lại được các nước ASEAN áp dụng gần cả thập kỷ nay, ngay cả Myanmar vừa mở cửa cũng làm theo cách này”, bà đặt câu hỏi.
Trước đó, trong buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM ngày 18/3, đại diện 28 doanh nghiệp có nhà máy sản xuất thuốc trên địa bàn thành phố đã nêu một thực trạng các doanh nghiệp dược trong nước đang cạnh tranh nhau dữ dội, nhưng không phải cạnh tranh chất lượng, mà chủ yếu “đánh nhau” về giá. Có một hoạt chất mà hàng chục doanh nghiệp đua nhau đăng ký, sản xuất. Chính vì thế, trong danh mục trúng thầu tập trung vừa qua, có những loại thuốc có giá trúng thầu còn thấp hơn cả giá nguyên liệu sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cũng cho rằng, hiện nay, dược liệu đa số nhập, trình độ của ta không có khả năng kiểm soát. “Có đại biểu nói ban hành tiêu chuẩn, trang bị kỹ thuật nhưng rất khó khăn. Dược liệu nhập đã được chiết xuất, sang Việt Nam với giá rất rẻ, bằng 1/3 đến 1/4 theo đấu thầu thì chịu thua. Dân uống thuốc đó làm sao khỏi bệnh được?", ông Tiên nói.
Bà Lan hoan nghênh việc rút ngắn thời gian cấp lại số đăng ký xuống còn 3 tháng. Nhưng với trường hợp cấp mới số đăng ký, tại sao lại tăng thời gian từ 6 tháng lên 1 năm? Mốc thời gian lại tính từ lúc nhận đủ hồ sơ, nên dễ gây ra nhũng nhiễu, tiêu cực. “Một doanh nghiệp ở miền Nam sau gần sáu tháng nộp hồ sơ chờ thì bị trả lại. Thực tế, đôi khi lý do trả hồ sơ chỉ là vì phải điều chỉnh mỗi cụm từ “tinh bột bắp” thành “tinh bột ngô” mà thôi. Rồi khi doanh nghiệp này nộp lại hồ sơ thì lại phải tính thời gian từ đầu hay sao”, bà thắc mắc.
Liên quan đến vấn đề này, bản thân các doanh nghiệp dược “kêu trời không thấu” vì các thủ tục trong việc cấp giấy phép đầu tư, xin số đăng ký thuốc… quá nhiêu khê và “tốn kém” do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) “đưa ra”. Có người nói vui rằng “số đăng ký là tài sản kếch xù quý giá của doanh nghiệp dược” bởi phải “trầy vi tróc vảy”, “chi mạnh” mới có được.
Bất cập quản lý thực phẩm chức năng
Về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, bà Lan vẫn giữ quan điểm phải có chương riêng về quản lý các mặt hàng này. Chính vì có khoảng trống về cơ sở pháp lý để quản lý nên thực tế phát sinh nhiều bất cập. Như việc quảng cáo nhập nhằng với thuốc, tiêu chuẩn đăng ký, thuốc núp bóng thực phẩm chức năng... “Tôi đề nghị nếu lần này không kịp xây chương riêng thì Luật Dược cũng phải có những khoản cấm về những vi phạm trong lĩnh vực này”, bà Lan nói.
Theo đánh giá thẳng thắn của các doanh nghiệp, dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng nền công nghiệp dược tại TP.HCM hiện chỉ là con số 0. So với quốc tế, doanh nghiệp dược Việt Nam bị “bỏ” lại phía sau một khoảng cách rất xa. Hiện công suất các nhà máy dược của thành phố chỉ đạt dưới 50% vì không có thị trường tiêu thụ.
“Dù trước mắt, đấu thầu thuốc giá rẻ có thể thắng thế nhưng muốn tồn tại lâu dài vẫn phải hướng đến chất lượng, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, chứ không cái kiểu chụp giựt, luồn lách để tồn tại”, bà Lan quả quyết. Theo bà, đã đến lúc phải nghiêm túc suy nghĩ và thiết lập mô hình tập trung quản lý hiệu quả hơn cho thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm như FDA. Rất tiếc là khả năng này chưa được đề cập trong dự thảo luật.
Nam Anh