Là đất nước có nguồn dược liệu và tri thức bản địa về sử dụng cây dược liệu làm thuốc phong phú, tuy nhiên hiện Việt Nam còn thiếu công nghệ chiết xuất và các nghiên cứu cơ bản để phát triển các tiềm năng này.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50-60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Theo đó, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn.
Trên nền tài nguyên phong phú, đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dược liệu của Việt Nam, tuy nhiên thực tế thời gian qua chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Hiện cả nước mới có 226 cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, hơn 1.400 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu khoảng 20.000 tấn/năm. Tuy nhiên, quy mô cũng như trình độ sản xuất còn manh mún, lạc hậu, thiếu tính liên kết, 80% nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chất lượng các sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu trong nước còn nhiều hạn chế.
Bàn về vấn đề này, bà Phương Thiện Thương, Trưởng Khoa hóa phân tích - Tiêu chuẩn, Viện Dược liệu cũng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 5.000 loài dược liệu nhưng thực tế ứng dụng chưa đến 10%. Nguyên nhân chính do thiếu công nghệ chiết xuất, thiếu các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng nên dù có lợi thế lớn để phát triển nguồn tài nguyên nhưng chưa khai thác được bao nhiêu.
Ở góc độ nghiên cứu, PGS Lê Mai Hương, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chỉ ra rằng, nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, trong đó có nấm đầu khỉ đang được bà và nhóm nghiên cứu nuôi cấy thành công trong môi trường dịch thể và tạo sản phẩm thử nghiệm trên dòng tế bào ung thư.
Kết quả cho thấy các hoạt tính có tác động rõ trong ức chế hình thành và gây độc tế bào ung thư. Các thử nghiệm trên chuột ở liều điều trị dự phòng 2 – 3 tuần thấy đạt tăng cường hệ miễn dịch 51,85% so với đối chứng là 11,75%. Tỉ lệ chuột sống sót so với nhóm đối chứng là hơn 56%. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra được sản phẩm cuối cùng và mất 20 năm. Tuy nhiên, theo bà Hương, để đưa sản phẩm ra thị trường, nhóm nghiên cứu còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là kinh nghiệm, vốn, rào cản về chứng nhận, thủ tục hành chính…
Theo Thạc sỹ Khuất Văn Mạnh, Công ty cổ phần Nam Dược, các bất cập trong thực tế sản xuất thuốc, như: hầu hết các cây dược liệu chưa xác định được các thành phần hoạt chất; dược liệu đưa vào sản xuất chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến chất lượng sản phẩm không ổn định; việc kiểm nghiệm dược liệu thiếu trang thiết bị, công nghệ bào chế lạc hậu nên hiệu suất, năng suất thấp....
Thạc sỹ Khuất Văn Mạnh đề nghị cần xem xét tiềm năng của dược liệu làm thuốc; phát triển khoa học, kỹ thuật để nâng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; xây dựng danh mục cây thuốc có nghiên cứu cơ bản để doanh nghiệp có thể sử dụng, rút ngắn thời gian nghiên cứu sản phẩm.
Cùng quan điểm trên, đại diện Công ty cổ phần Traphaco cho biết: Công ty rất quan tâm đầu tư nghiên cứu sản phẩm, nhưng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các giá trị mà các nhà khoa học đã nghiên cứu. Công ty mong muốn hợp tác nhà khoa học để nghiên cứu phát triển và đa dạng hoá các sản phẩm từ cây đinh lăng.
Để các nguồn dược liệu quý được phát triển đúng tiềm năng, các nhà khoa học chỉ ra rằng, cần có sự hợp tác giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp mới đưa được sản phẩm ra thị trường. Hiện các doanh nghiệp dược liệu đang chưa được tiếp cận mạnh mẽ việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Bên cạnh đó, vẫn có quá nhiều khoảng cách giữa doanh nghiệp và nhà khoa học để thực hiện mục tiêu chung là phát triển các nguồn dược liệu.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, cần đổi mới công nghệ, tiếp cận các công nghệ chiết xuất tốt hơn mới có thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm và hiệu quả điều trị khi sử dụng sản phẩm là mong muốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ không đơn giản khi công nghệ có thể không áp dụng với tất cả các loại dược liệu.
Với vai trò quản lí của nhà nước, để ứng dụng KH&CN vào sản xuất các nguồn dược liệu trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Bộ sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu nhằm tìm kiếm các giải pháp, các định hướng chính sách từng bước đưa các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học trực tiếp phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội theo chủ trương của Chính phủ.
Được biết, để cải thiện tình trạng trên, trong thời gian tới, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (Bộ KH&CN) sẽ bắt tay cùng doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ và là cầu nối giữa các ngành công nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu, mang lại cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm chiếm lĩnh thị trường.
Nguồn: dangcongsan.vn