Tại Việt Nam, những đơn vị sản xuất gia công mỹ phẩm theo hình thức ODM, OEM ngày càng phát triển. Gia công sản xuất mỹ phẩm đã trở thành một xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay với doanh số đạt gần 50 tỷ USD trong năm 2018 và dự đoán sẽ đạt hơn 70 tỷ USD vào năm 2026. Việt Nam có trên 96 triệu dân, theo số liệu thống kê của Q&M, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm ở Việt Nam có xu hướng gia tăng mạnh.
Theo một báo cáo gần đây, 73% đối tượng nghiên cứu sử dụng các sản phẩm chăm sóc da ít nhất một lần/ một tuần hoặc thường xuyên hơn. Số người trang điểm hàng ngày tăng lên con số 30% và số người hoàn toàn không trang điểm giảm từ 24% (2016) xuống 14% (2019).
Tuy nhiên, thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là cuộc chơi của các các tập đoàn đa quốc gia từ nước ngoài. Theo số liệu do Hiệp hội Hóa Mỹ phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp, Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam với 30% thị phần. EU đứng ở vị trí thứ hai với 23%, tiếp theo là Nhật Bản (17%), Thái Lan (13%) và Mỹ (10%), các quốc gia còn lại đóng góp 7%. Theo nghiên cứu của Nielsen, thị phần của doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa mới chỉ chiếm khoảng 10%.
Hiện nay, tại Việt Nam những đơn vị sản xuất gia công mỹ phẩm theo hình thức ODM, OEM đã dần được hình thành và phát triển, chỉ riêng tại Hà Nội, hiên đã có 70 đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Với ưu thế về giá cả cũng như sự hiểu biết về thị trường nội địa và tập tính thói quen của người tiêu dùng Việt Nam, các công ty gia công mỹ phẩm trong nước đã tạo ra được những sản phẩm chất lượng, với giá phải chăng và đặc biệt phù hợp với làn da người Việt Nam, từng bước khẳng định được chỗ đứng của Mỹ phẩm Việt trên thị trường.