Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid 19, đẩy các doanh nghiệp vào rủi ro, thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để họ thay đổi và phát triển mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp đang từng bước tìm cách thích nghi và có những bước điều chỉnh chính sách, chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển trong giai đoạn này.
Tiềm năng tăng trưởng cao
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2021-2026, độ lớn thị trường tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026 so với mức 7,7 tỷ USD năm 2021. Động lực tăng trưởng bền vững đến từ yếu tố chính là chi tiêu bình quân trên đầu người dành cho thuốc gia tăng, nhờ thu nhập của người dân cải thiện và sự quan tâm đến sức khỏe ngày càng cao. Là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2020, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giúp gia tăng thu nhập của người dân, cùng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao sẽ thúc đẩy chi tiêu cho y tế. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tốc độ già hóa sẽ diễn ra nhanh làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, từ đó mở ra triển vọng tăng trưởng cho ngành dược. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân ngày càng cao, giúp đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ thuốc qua kênh bệnh viện (ETC).
Tuy vậy, trong dài hạn, kênh ETC sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành dược nhờ: Xu hướng thay thế thuốc ngoại bằng thuốc sản xuất trong nước đang tiến triển càng lúc càng nhanh nhờ các quy định của Nhà nước. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân lớn.
Năm 2020, chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) ghi nhận khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90.85% dân số, tăng 25.6% so với năm 2015. Sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong kênh bệnh viện. Hiện nay, số bệnh viên tư nhân khoảng hơn 200 đơn vị với tốc độ tăng trưởng 6.8%/năm.
Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) giữa đối tác ngoại và công ty Dược phẩm trong nước
Ngoài tiềm năng của ngành, lý do khiến đối tác ngoại chuộng giải pháp thâu tóm do dược phẩm là lĩnh vực đặc thù, mất nhiều thời gian để xây dựng tên tuổi và chiếm lĩnh thị phần. Vì vậy, thâu tóm doanh nghiệp nội là bước đi nhanh và hiệu quả nhất. Trong khi đó, phần đông doanh nghiệp dược phẩm nội địa chỉ sản xuất thuốc ở trình độ bào chế, chưa đủ tiềm lực để đầu tư chi phí lớn cho nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới.
Bên cạnh đó, các công ty dược phẩm nước ngoài thường có xu hướng tiến hành M&A để tận dụng nguồn lực có sẵn để giảm chi phí và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường Việt Nam.
Năm 2020 dù không thuận lợi nhưng vẫn có nhiều thương vụ M&A đáng chú ý trong ngành dược phẩm. Theo thống kê từ CTCK Sài Gòn (SSI), tổng giá trị M&A năm 2020 ước đạt 1.680 tỷ đồng, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại đang hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm. Thương vụ giá trị lớn nhất là Tập đoàn SK (Hàn Quốc) – chuyên về thuốc điều trị ung thư, thần kinh và tim mạch – chi ra 920 tỷ đồng mua 25% cổ phần của CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), hay ASKA (Nhật Bản) – chuyên về thuốc tiêu hóa, hóc môn và sản phụ khoa – chi 350 tỷ đồng để sở hữu 25% CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT). Đầu năm 2021, Imexpharm cũng đã có báo cáo về giao dịch của quỹ ngoại thuộc SK Group là SK Investment Vina III nhận chuyển nhượng gần 3,5 triệu cổ phần từ 2 quỹ thành viên thuộc quản lý của VinaCapital, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất tại Imexpharm với tỷ lệ sở hữu 29,22% cổ phần.
Cũng trong năm 2020, Stada – tập đoàn chuyên sản xuất thuốc generic của Đức – đã chi ra hơn 400 tỷ đồng nâng sở hữu tại CTCP Pymepharco (PME) từ 70% lên 76%. Chưa dừng lại ở đây, đầu năm 2021, tại ĐHCĐ bất thường, HĐQT của PME đã thông qua việc cho phép cổ đông lớn Stada và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn điều lệ mà không cần thực hiện chào mua công khai. Tính đến 26/3/2021, nếu cộng cả tổ chức có liên quan, nhóm cổ đông Stada Service Holding đang nắm tới 99,53% vốn tại PME. PME đã đề xuất các cổ đông phương án để cổ đông lớn nhất là Stada Service Holding B.V chào mua công khai toàn bộ lượng cổ phiếu còn lại của các cổ đông nhỏ (tương đương 0,47%). Nếu giao dịch này thành công, Pymepharco sẽ chính thức hủy đăng ký công ty đại chúng và hủy niêm yết trên HoSE sau hơn 3 năm niêm yết (cổ phiếu PME chào sàn tháng 11/2017), hoàn toàn thuộc về tay tập đoàn đến từ Đức với tỷ lệ sở hữu 100% vốn.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp dược có tên tuổi trong nước cũng đã bị thâu tóm bởi các tập đoàn quốc tế. Đơn cử, Abbott (Mỹ) bỏ ra hơn 2.270 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC).
Thậm chí, doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu Việt Nam là CTCP Dược Hậu Giang (DHG) cũng đã trở thành công ty con của Tập đoàn dược phẩm Taiso của Nhật Bản, sau gần 3 năm âm thầm thu gom CP DHG (từ năm 2016 đến năm 2019) với tổng số tiền 6.000 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến nay, các tập đoàn đến từ EU, Nhật Bản, Mỹ đã chi ra hơn 12.000 tỷ đồng để nắm quyền chi phối và có ảnh hưởng lớn đến các công ty dược nổi tiếng của Việt Nam.
Cơ hội cho các đơn vị sản xuất vaccine Covid-19 trong nước
Đến thời điểm này, sau hơn một năm rưỡi xuất hiện, dịch COVID-19 đã lây lan mạnh mẽ, để lại nhiều hậu quả nặng nề về người và kinh tế đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vaccine được coi là giải pháp căn bản, lâu dài để chống đỡ sự lây lan của SARS-CoV-2.
Để có vaccine tiêm cho người dân nhiều, nhanh nhất có thể, chính phủ đã thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước. Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước có vai trò rất quan trọng.
Đến nay, cả nước có 2 ứng viên vaccine phòng Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng gồm vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế.
Trong đó, vaccine Nanocovax đã hoàn thành tiêm mũi 1 của giai đoạn 3 cho 13.007 người tình nguyện, hoàn thành tiêm mũi 2 cho 977 người tình nguyện. Dự kiến ngày 15/8/2021 sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 của cả giai đoạn 3.
Bên cạnh đó, Việt Nam có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine COVID-19 đã được ký kết với các đối tác ở Nga, Mỹ, Nhật Bản. Dự án hợp tác chuyển giao công nghệ giữa tập đoàn AIC, Công ty Shionogi (Nhật Bản) và vaccine theo công nghệ mRNA dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động, đưa vaccine ra thị trường. Dự án chuyển giao công nghệ giữa Công ty DS-Bio, Vabiotech và RDIF với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8/2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm. Được sự hỗ trợ của Bộ Y Tế và Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 (công nghệ mRNA). Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022.
Thách thức cho các công ty dược phẩm trong năm 2021 này
*Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài*
Nhu cầu cho nguyên liệu sản xuất dược phẩm ở Việt Nam phụ thuộc tới 80-90% vào nguồn nhập khẩu, trong đó nguồn từ Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 80%. Dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất thành phần hoạt chất dược phẩm (API) ở Trung Quốc tạm ngừng hoạt động, còn Ấn Độ hạn chế xuất khẩu một số API thiết yếu.
Đây là nguyên nhân khiến giá trị nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu giảm mạnh cũng như giá dược liệu nhập khẩu tăng. Điều này khiến biên lợi nhuận một số doanh nghiệp như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Dược Hà Tây… có xu hướng giảm.
*Thách thức của kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện, bác sỹ) trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát*
Kênh ETC chiếm khoảng 70% thị phần của cả thị trường thuốc. Mảng này hiện chủ yếu đến từ thuốc nhập khẩu do chưa nhiều nhà máy trong nước đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết, tiếp theo là khả năng cạnh tranh về giá trong bối cảnh đấu thầu thuốc bị siết chặt cả về giá và chất lượng.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp ngành dược là kênh ETC đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh do tâm lý lo ngại lây nhiễm dịch bệnh khiến người dân không đến bệnh viện.
Quy trình thăm khám tại bệnh viện cũng nghiêm ngặt hơn trong mùa dịch và việc hạn chế số lượng bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe định kỳ đã ảnh hưởng nhiều đến lượng người tới khám và mua thuốc.
Nhiều năm trước, kênh ETC vốn là động lực tăng trưởng chính của ngành dược, nhưng trong năm 2020 chỉ đạt 5%, thấp hơn đáng kể so với con số hơn 10% của năm 2019. Sự hồi phục của kênh này không được đánh giá cao trong năm 2021 khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tại TP.HCM – trung tâm kinh tế của cả nước, và điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
*Không có nhiều cơ hội lợi nhuận cho các đơn vị đủ thẩm quyền nhập khẩu, kinh doanh, bảo quản vaccine phòng Covid-19*
Ngày 02/06, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế công bố một loạt đơn vị đủ thẩm quyền nhập khẩu, kinh doanh, bảo quản vaccine phòng Covid 19, trong đó có các doanh nghiệp niêm yết gồm: Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (mã chứng khoán: DBT), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 (mã chứng khoán: DP1), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha (mã chứng khoán: CDP),…
Tuy nhiên, hiện tại nhiều đơn vị sản xuất vaccine như Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson… cam kết chỉ bán cho chính phủ. Ngoài ra, do lượng cung đang còn hạn chế, việc nhập khẩu vaccine Covid-19 phải cần thời gian. Do vậy, hầu hết trong giai đoạn vaccine đang còn khan hiếm như hiện nay, nguồn tiếp cận chủ yếu vẫn do Chính phủ, các doanh nghiệp chưa có cơ hội tiếp cận được các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới.
Đặc biệt, hoạt động nhập khẩu vaccine của các công ty dược phẩm, vaccine và sinh phẩm y tế chủ yếu với mục đích đa dạng nguồn tiếp cận vaccine và không mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhóm doanh nghiệp.
/Nguồn: babuki.vn -Tổng hợp/