Năm 2022, khi dịch bệnh dần qua đi, cùng với việc Chính phủ thúc đẩy hoàn thành bao phủ vaccine, bổ sung gói kích thích kinh tế mới, được được dự báo sẽ từng bước phục hồi trở lại.
Trước tác động của đại dịch COVID-19, ngành dược Việt Nam trong 2 năm vừa qua gặp không ít khó khăn khi đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, cùng đó là các quy định phòng chống dịch bệnh siết chặt của Chính phủ, thị trường dược phẩm bị trì trệ nặng nề.
Theo kết quả Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS (Việt Nam) thu thập từ 29 công ty niêm yết trong ngành dược, quý 1/2022, dù doanh thu ngành giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 12,4% so với quý liền trước đó, nhưng lợi nhuận ròng vẫn tăng trưởng tích cực 25,4% so với cùng kỳ năm 2021. “Chúng tôi tin rằng ngành dược bắt đầu trở lại đường đua và sẽ bứt phá mạnh mẽ trong các quý tiếp theo,” KIS (Việt Nam) khẳng định.
Nhìn dài hạn hơn, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đánh giá ngành dược có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho cả các doanh nghiệp tham gia sản xuất, cũng như những tập đoàn bán lẻ do quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn đồng thời dân số cũng đang già đi với tốc độ nhanh.
Thu nhập hộ gia đình tăng liên tục sẽ khuyến khích gia tăng chi tiêu đặc biệt trong lĩnh vực y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội cũng tăng lên theo độ tuổi. Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, người từ 60 tuổi trở lên chiếm hơn 12% dân số vào năm 2021 và đến 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên trên 25%.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ở mức 73,5 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Đáng lưu ý, trong gánh nặng bệnh tật kép, người Việt Nam thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên có 3 bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi. Thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021. Việc đầu tư, nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn cao nhằm đấu thầu vào kênh ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) sẽ là lời giải cho bài toán tăng trưởng trong thời gian tới.
Với sự hỗ trợ pháp lý, đặc biệt là Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, các sản phẩm nội địa đã bắt đầu thâm nhập đáng kể thuốc điều trị vào kênh ETC, đặc biệt là ở Nhóm 2 (thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất toàn bộ trên dây chuyền sản xuất thuốc tại Việt Nam), vốn trước đây chỉ là sân chơi của sản phẩm nhập khẩu. Đây sẽ là cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp dược đang niêm yết hiện nay.
Trước tác động của đại dịch, ngành dược đã gặp những khó khăn nhất định khi đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, cùng với đó là các quy định phòng chống dịch bệnh siết chặt của Chính phủ, người dân hạn chế đến các cơ sở điều trị bệnh đã làm cho thị trường dược phẩm bị trì trệ nặng nề. Sự tác động của COVID-19 đến ngành dược trong năm 2021 cho thấy có đến 57,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh có xấu đi.
Năm 2022, sau khi dịch bệnh qua đi sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021. Nếu như ngành dược trong năm 2021 được đánh giá là khó có những đột phá, phân hóa giữa các doanh nghiệp thì triển vọng năm 2022 đã nổi bật hơn.
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ là động lực tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP, Japan-GMP.
Dự báo quy mô ngành dược phẩm Việt Nam đạt xấp xỉ 141.400 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ, đến từ nhu cầu cho các sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng và phòng dịch tiếp tục tăng trưởng, cùng đó nhu cầu điều trị các bệnh hướng thần kinh, tim mạch, hô hấp, rối loạn nội tiết... do các di chứng sau khi mắc COVID-19.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, nhằm hỗ trợ các công ty sản xuất thuốc trong nước có công nghệ sản xuất cao. Theo đó, hoạt động mua thuốc của bệnh viện công lập sẽ thông qua quá trình đấu thầu phải được phân chia theo tiêu chuẩn chất lượng; trong đó 2 nhóm thuốc cao nhất, chiếm khoảng 60% giá trị gói thầu thuốc generic được giới hạn cho thuốc đạt chuẩn EU-GMP hoặc tương đương, ví dụ Japan-GMP và PIC/S-GMP được cấp bởi các nước thành viên ICH.
Luật Dược Việt Nam năm 2016 và Thông tư 03/2019/TTBYT về danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp cũng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, nếu có thể thay thế hoàn toàn thuốc nhập khẩu.
Quá trình phê duyệt thuốc kéo dài khiến nguồn cung thuốc trong ngành bị thắt chặt gây ảnh hưởng bởi tốc độ cấp phép thuốc hiện tại. Dù điều này tác động tới mỗi công ty không giống nhau và phụ thuộc vào số đăng ký thuốc đang có hoặc cơ cấu doanh thu sản phẩm, song mặt bằng giá của nhiều loại thuốc có mức tăng tương đối ổn định, đủ để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao, giúp duy trì lợi nhuận ngành ổn định trong kỳ.
Các nhà đầu tư cũng có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định như hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Các nhà đầu tư EU hiện được phép thành lập công ty để nhập khẩu các sản phẩm dược phẩm và bán cho các nhà phân phối hoặc bán buôn địa phương. Các nhà đầu tư EU cũng được phép xây dựng nhà kho và thực hiện các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng.
Theo EVFTA, Việt Nam cũng sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về dược phẩm, có nghĩa là các sản phẩm đã được chứng nhận tại EU sẽ không phải kiểm tra và chứng nhận bổ sung tại Việt Nam, do đó giảm thời gian và chi phí tại thị trường Việt Nam.
Thực tế, nhận thấy tiềm năng lớn của ngành dược, nhiều công ty bán lẻ hàng đầu đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Các doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ đang bước vào cuộc đua mới trong lĩnh vực dược phẩm. Vào tháng 11/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) đã mua 1,294 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang (Nhà thuốc An Khang), với giá trị là 52,2 tỷ đồng, nâng sở hữu từ 49% lên 100% chuỗi Nhà thuốc An Khang. Hiện doanh số mỗi nhà thuốc trên tháng đạt khoảng hơn 500 triệu đồng, bắt đầu chạm ngưỡng hòa vốn.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động xây dựng một số mô hình An Khang mới nhằm tăng doanh thu và tối ưu hóa chi phí mỗi cửa hàng, đồng thời doanh nghiệp sẽ tăng nhanh số cửa hàng trong 2022.
Một doanh nghiệp bán lẻ đang đầu tư mạnh mẽ cho chuối nhà thuốc cần nhắc tới đó Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) - thành viên của Tập đoàn FPT. Năm 2017, FPT Retail đã đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu với tham vọng dẫn đầu ngành bán lẻ dược phẩm. Hiện, doanh số nhiều nhà thuốc Long Châu đã đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng. FPT Retail sẽ đẩy nhanh tốc độ mở mới thêm 200-300 cửa hàng trong 2022.
Hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ không chỉ cạnh tranh với nhau mà đây còn là “cuộc chiến” thị phần quyết liệt với đại gia ngành dược đã có thương hiệu. Thị trường cung cấp dược phẩm cũng khá phong phú; trong đó, các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều từ Đức, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Bỉ, Ấn Độ… Đáng chú ý, nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam năm 2021 từ một số thị trường tăng mạnh so với năm trước đó, như Trung Quốc, Bỉ, Thái Lan, Nga.
Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm đạt 419 triệu USD trong năm 2021, tăng 1,7% so với năm 2020. Thị trường Trung Quốc tăng 6,7%, đạt trên 299 triệu USD, chiếm 71,4%. Thị trường Ấn Độ giảm 16,2%, đạt trên 57 triệu USD, chiếm 13,5%.
Đối với biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu hiện chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% nhu cầu ở Việt Nam. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất dược phẩm, giá thành tăng cao so với cùng kỳ, nhất là thời điểm dịch đang bùng phát mạnh tại đất nước cung cấp chính nguồn nguyên liệu dược là Trung Quốc.
Theo FE Healthcare, giá hoạt chất dược phẩm (API) sản xuất các loại thuốc Paracetamol, Azithromycin, Doxycycline… đều tăng như giá của một API sản xuất Paracetamol đã tăng trên 140% trong một năm qua. Điều này đã gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận hoạt động cũng như giá các sản phẩm của các công ty dược phẩm.
Tuy nhiên, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS (Việt Nam), nhu cầu cho việc điều trị bệnh “hậu” COVID-19 đang trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Đa số các bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đều bổ sung danh sách khám và điều trị bệnh sau COVID-19, do đó công ty chứng khoán này tin rằng dư địa tăng trưởng cho ngành dược vẫn còn rất nhiều trong các quý tiếp theo.