Nghiên cứu và phân tích thị trường ngành dược phẩm là một hoạt động không thể thiếu trong marketing & kinh doanh Dược phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường đặc thù này đang có rất nhiều chuyển biến mới mẻ phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng nắm bắt và thích nghi. Hãy cùng tìm hiểu cách thức phân tích thị trường ngành Dược trong nước và quốc tế, cũng như tìm kiếm những phương pháp phân tích hiệu quả nhất cho doanh nghiệp Dược phẩm trong bài viết dưới đây.
Phân tích thị trường ngành dược thế giới
Theo IQVIA, Doanh thu Dược phẩm toàn cầu được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2023 - 2027) là 3–6% ước tính giá trị thị trường đạt 1,9 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, mức tăng trưởng lớn nhất dự kiến sẽ diễn ra ở Châu Mỹ Latinh, Châu Á và Châu Phi, do tốc độ tăng trưởng dân số và mức sống dần được cải thiện. Bắc Mỹ và Châu Âu sẽ có mức tăng trưởng rất thấp.
Phân tích thị trường ngành dược thế giới cho thấy các doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục chiếm lĩnh phần lớn, điển hình như 3 ông lớn sau:
- Pfizer: Gã khổng lồ dược phẩm một lần nữa đứng đầu danh sách các nhà sản xuất thuốc tính theo doanh thu, vượt lên Johnson & Johnson. Pfizer thu về 100,3 tỷ đô trong năm 2022, mức cao nhất mọi thời đại của công ty. Doanh số kỷ lục của Pfizer được thúc đẩy bởi lượng hàng khổng lồ từ các sản phẩm COVID-19 của họ. Cùng với đó, Comirnaty - vắc-xin hợp tác với BioNTech, thu về 37,8 tỷ đô và thuốc uống kháng vi-rút Paxlovid kiếm được 18,9 tỷ đô.
- Johnson & Johnson: Với mức doanh thu 94,9 tỷ USD năm 2022, J&J chỉ xếp sau Pfizer trong số các công ty dược phẩm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, con số của J&J bao gồm doanh thu từ các thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng, không chỉ riêng dược phẩm. Riêng hoạt động kinh doanh dược phẩm đã tạo ra 52,56 tỷ đô cho J&J vào năm 2022. Trong đó, Thuốc trị ung thư Darzalex, thuốc Stelara, liệu pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt Erleada và nhiều loại thuốc khác đã thúc đẩy mức tăng trưởng doanh thu này.
- Roche: Mặc dù vẫn đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới, nhưng năm 2022 của Roche lại là một câu chuyện thất bại trong quy trình sản xuất và doanh số bán hàng giảm do COVID-19. Cụ thể, doanh thu 2022 của Roche đạt 66,26 tỷ USD, giảm 2,45 tỷ so với năm 2021.
- Merck: Mặc dù nổi tiếng với thế mạnh về sản xuất vacxin, nhưng Merck & Co lại thất bại trong nỗ lực phát triển vacxin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, trong năm 2022 Merck vẫn tăng trưởng nhờ một phương pháp điều trị bằng thuốc kháng vi rút Lagevrio.
Phân tích thị trường ngành dược Việt Nam
Về bối cảnh thị trường Dược phẩm Việt Nam
Doanh thu từ dược phẩm tại Việt Nam đạt 142.9 ngàn tỷ đồng vào năm 2021. Con số này sẽ tăng lên 155.8 ngàn tỷ đồng cho năm 2022 và sẽ đạt 216.4 ngàn tỷ đồng vào năm 2026 (Theo WHO và Finsolution).
Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết tổng giá trị thuốc ước tính sử dụng bởi người dân Việt Nam đạt 6,92 tỷ USD vào năm 2021, tương đương 73 USD/người. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của thế giới. Với dân số lớn và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Đặc biệt, ngành dược phẩm có nhiều biến động khi trường bán lẻ dược phẩm ngày càng phát triển mạnh với bành trướng của các ông lớn như Pharmacity, Long Châu (Thuộc tập đoàn FPT) An Khang, Dr.Win (Thuộc tập đoàn Masan)... Trong đó, Pharmacity và FPT Long Châu đã vượt mốc 1000 nhà thuốc trên toàn quốc. Các chuỗi nhà thuốc lấn át thị trường bán lẻ với dịch vụ tiện nghi, hiện đại, mức giá bán ưu đãi và nhiều chiến lược marketing rầm rộ. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng thuốc đang chuyển dịch từ thuốc chữa bệnh sang các sản phẩm phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe như vitamin, thuốc bổ. Điều này càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các chuỗi nhà thuốc.
Ngành Dược dự báo sẽ tăng trưởng ổn định ngoài suy thoái với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 11% (2021-2026). Trong đó những động lực chính cho sự phát triển của ngành Dược phải kể đến như:
- Xu hướng già hóa dân số.
- Thu nhập người dân tăng cao hơn.
- Đầu tư của các công ty dược phẩm đa quốc gia tăng.
- Chính sách nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mở rộng bảo hiểm y tế xã hội.
- Chính phủ tăng cường các chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Xem thêm: Thị trường dược phẩm vẫn là sân chơi của doanh nghiệp ngoại
Các phương pháp phân tích thị trường ngành dược
Những dữ liệu trên là những phân tích tổng quan về thị trường ngành dược phẩm. Tuy nhiên, thực sự thấu hiểu insight người dùng trong từng nhóm ngành, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu cần có chiến lược phân tích thị trường sâu sắc và chi tiết hơn. Trong đó 5 phương pháp sau đây là những công cụ chính được sử dụng trong phân tích thị trường ngành dược:
Phân tích SWOT
Phương pháp này giúp phân tích các yếu tố mạnh yếu của bản thân doanh nghiệp cũng như cơ hội và thách thức trên thị trường dược phẩm. SWOT là viết tắt của Strengths (Sức mạnh), Weaknesses (Sự yếu kém), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Mối đe dọa). Cụ thể:
- Strengths (Sức mạnh): Điểm vượt trội của doanh nghiệp so với thị trường, ví dụ như: công nghệ sản xuất đột phá mới, hiệu quả vượt trội nổi bật, hệ thống phân phối rộng hay thương hiệu lâu đời có được niềm tin của người tiêu dùng,...
- Weaknesses (Sự yếu kém): Điểm yếu kém của doanh nghiệp so với các đối thủ trên thị trường, ví dụ như: thuốc có giá thành cao hơn thị trường, thuốc chưa có nhận diện trên thị trường,...
- Opportunities (Cơ hội): Những cơ hội từ thị trường, có lợi cho doanh nghiệp, ví dụ như chi tiêu cho dược phẩm của người dân ngày càng tăng cao,...
- Threats (Mối đe dọa): Những yếu tố từ môi trường có thể gây bất lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, Các doanh nghiệp lớn quốc tế tràn vào thị trường, gây áp lực cạnh tranh lớn,...
Từ bốn 4 yếu tố trên, 4 chiến lược tương ứng được ra đời: SO - Sử dụng điểm mạnh để nắm bắt cơ hội, ST - Sử dụng điểm mạnh để hạn chế các mối đe dọa, WO - Giảm thiểu điểm yếu và tối đa hóa cơ hội, WT - giảm thiểu điểm yếu và hạn chế mối đe dọa.
Phân tích PESTEL
Phân tích PESTEL giúp nhà quản lý dược hiểu được bức tranh tổng thể của thị trường và tìm ra cách tối ưu hóa chiến lược của mình. Phương pháp này giúp phân tích các yếu tố chính của môi trường kinh doanh như
- Political (chính trị)
- Economic (kinh tế)
- Social (xã hội)
- Technological (công nghệ)
- Legal (pháp lý)
- Environmental (môi trường)
Phân tích đối thủ cạnh tranh
Phương pháp này giúp phân tích các đối thủ cạnh tranh trong thị trường dược phẩm, như sản phẩm tương tự hoặc cùng phân khúc, giúp định hình chiến lược phân khúc hướng tới đối tượng khách hàng cụ thể. Để phân tích đối thủ cạnh tranh, nhãn hàng có thể sử dụng các nguồn tin và công cụ đo lường như Internet Listening, Social Listening - Theo dõi hoạt động và tình trạng của đối thủ trên các nền tảng Digital, Báo cáo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, Báo cáo tài chính,...
Phân tích 4P
Phương pháp phân tích thị trường ngành dược này được sử dụng để xây dựng các chiến lược Marketing Mix của doanh nghiệp dựa trên 4 yếu tố quan trọng nhất trong Marketing Dược phẩm: sản phẩm (Product), giá cả (Price), chính sách phân phối (Place) và chiến lược quảng cáo (Promotion). Ngoài 4P truyền thống, ngành Dược phẩm thường sử dụng mô hình nâng cấp 7P với ba yếu tố bổ sung về Physical Evidence - Bằng chứng vật lý, People - Con người và Process - Quy trình.
Phân tích tình hình thị trường
Đây là nhóm phương pháp giúp phân tích các xu hướng, biến động trên thị trường, từ các yếu tố kinh tế xã hội, văn hóa, chính trị, các vấn đề pháp lý cho đến sự thay đổi của hành vi, nhu cầu người tiêu dùng. Phân tích tình hình thị trường giúp nhà quản lý dược đưa ra quyết định về phát triển sản phẩm mới hoặc điều chỉnh sản phẩm hiện tại để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong mọi thời điểm.
Phân tích thị trường ngành Dược giúp doanh nghiệp có được cái nhìn chính xác và khách quan nhất về thị trường, đối thủ, khách hàng và chính bản thân doanh nghiệp. Hi vọng rằng với những số liệu và phương pháp phân tích ở trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về phân tích thị trường ngành dược và thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả.
Xem thêm:
Phân tích ngành bán lẻ Dược phẩm giai đoạn 2022~2023
Cộng đồng ngành Sản xuất - Kinh doanh Dược phẩm