Trồng dược liệu theo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), là mô hình trồng mới nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu sạch để làm thuốc, an toàn, chất lượng.
Hiện nay đã có bảy đơn vị trồng thành công, nhiều doanh nghiệp đang định hướng phát triển theo tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, vẫn còn những trăn trở khi đầu ra cho dược liệu đạt chuẩn còn bấp bênh, thiếu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Hiệu quả từ mô hình mới
Đây là năm thứ tám, cây dây thìa canh được trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO đưa lại thu nhập tốt cho 19 hộ dân ở xóm 3, xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm đầu bén rễ, cây khó tính như một đứa trẻ kén ăn, người nông dân đã dày công để thao tác đúng quy trình chăm sóc, ghi chép đủ lịch sinh trưởng từng ngày. Đã có không ít hộ thiếu kiên trì, nhổ bỏ vì sau nhiều tháng chăm bón, cây không chịu lớn. Còn hiện nay, đều đặn cứ ba tháng một lần, các hộ dân lại được thu hoạch, trong khi công chăm sóc, vốn đầu tư những năm về sau ngày càng ít. Công ty cổ phần Nam Dược là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm, làm nguyên liệu sản xuất thuốc trị bệnh tiểu đường. Dẫn chúng tôi tham quan 1,2 ha trồng cây dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACP-WHO, ông Lâm Thanh Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu ở đây cho biết: "Người dân địa phương đã từng trồng nhiều cây như lúa, đậu tương, rau nhưng chưa có cây nào cho thu nhập cao như dây thìa canh. Nếu trồng lúa, lãi được khoảng bốn triệu đồng/sào/năm, tốn nhiều công chăm sóc, còn trồng cây dược liệu này lãi 16 triệu đồng/sào/năm. Chúng tôi mong được liên kết lâu dài với doanh nghiệp, để có thu nhập ổn định”.
Mô hình doanh nghiệp liên kết với người nông dân trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế như trên đã bắt đầu hình thành một vài năm qua và đang là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu. Trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO khác với phương pháp canh tác truyền thống, buộc người nông dân phải bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, dược liệu không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrat). Người trồng còn phải theo dõi, ghi chép tốc độ sinh trưởng của cây để xác định nhu cầu và bổ sung dinh dưỡng, nước cho từng giai đoạn phù hợp. Ngay công đoạn thu hái tưởng chừng đơn giản, nhưng đòi hỏi nghiêm ngặt về kỹ thuật như: các dụng cụ sử dụng thu hái, vận chuyển phải làm sạch, không rỉ sét, nhiễm bẩn, không xếp đống dược liệu ngoài trời nắng, không giẫm chân lên dược liệu... Bởi vậy, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm bao giờ cũng phải chấp nhận mua với giá cao hơn so với dược liệu khác trên thị trường.
Đến nay, cả nước đã hình thành 13 vùng trồng GACP-WHO của bảy đơn vị với 11 cây dược liệu là: a-ti-sô, bìm bìm, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu, cỏ nhọ nồi, tần dày lá, dây thìa canh, trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo, chè dây. Điều đáng nói là chưa có nhiều cơ sở chuyên trồng trọt, chế biến dược liệu tham gia trồng, mà phần lớn là các doanh nghiệp dược tự liên kết với chính quyền và người dân đặt hàng trồng để chủ động nguồn dược liệu đạt chuẩn, làm nguyên liệu sản xuất thuốc cho chính đơn vị mình. Tuy vậy, theo nhận định của các nhà chuyên môn, trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO là một xu thế tất yếu, một hướng đi giải quyết được nhiều hạn chế lâu nay của ngành dược. Trồng dược liệu đạt chuẩn sẽ giúp ngành dược chủ động được nguồn dược liệu sạch, hàm lượng hoạt chất đạt tiêu chuẩn để sản xuất thuốc tốt (dược liệu đạt chuẩn được kiểm soát cả quá trình từ lúc trồng đến lúc thu hái, sơ chế) thay vì trồng tự phát, trồng theo phương pháp canh tác truyền thống cho sản lượng, chất lượng không ổn định. Trồng dược liệu đạt chuẩn cũng giúp hạn chế việc nhập khẩu dược liệu vốn khó kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, còn góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương trồng dược liệu.
Tín hiệu đáng mừng là từ đầu năm đến nay, đã có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu với định hướng sẽ dần “nâng cấp” theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) những ngày này, người dân tại bốn xã Yên Than, Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải đã bắt đầu xuống giống, trồng dược liệu để phủ xanh 5,2 ha đất theo kế hoạch của UBND huyện. UBND huyện Tiên Yên xác định phát triển cây dược liệu là mục tiêu trọng điểm trong những năm tới để tăng thu nhập cho người dân.
Thiếu chính sách hỗ trợ phù hợp
Theo Thông tư 14/2009/TT-BYT, việc trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO được Nhà nước khuyến khích, đồng thời, các cơ sở kinh doanh dược liệu, cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc từ dược liệu được khuyến khích kinh doanh, sử dụng các dược liệu của các cơ sở đạt chuẩn GACP-WHO. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thời gian qua, việc khuyến khích mới chỉ dừng ở văn bản, chưa có các hoạt động triển khai trong thực tế. Điều này dẫn đến thực trạng, tại các vùng trồng GACP-WHO đã thành công, nhiều hộ nông dân muốn đăng ký tham gia trồng dược liệu nhưng doanh nghiệp chưa dám mở rộng diện tích do khó khăn đầu ra.
Từ thực tế của đơn vị đã sử dụng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO để sản xuất thuốc nhiều năm qua, ông Lê Văn Sản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược cho biết, Bộ Y tế chưa có chính sách mạnh mẽ để khuyến khích hoạt động trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Các dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO thường có chi phí cao, trong khi đó, hoạt động đấu thầu dược liệu và thuốc từ dược liệu vào các cơ sở y tế thực chất là đấu giá, sản phẩm giá thấp sẽ trúng. Điểm kỹ thuật cho mặt hàng thuốc tham dự thầu được sản xuất từ dược liệu có chứng nhận đạt GACP-WHO chỉ có 5 điểm/100 điểm (quy định tại Thông tư số 31/2014/TT-BYT). Điểm cộng này không đủ sức để cạnh tranh về giá với các dược liệu, thuốc từ dược liệu không đạt tiêu chuẩn. Bởi vậy, đầu ra cho sản phẩm khó khăn. Ông Lê Văn Sản kiến nghị, Bộ Y tế cần có chính sách ưu tiên dùng các dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO, như cho phép đấu thầu trong một khung riêng giống như Bộ Y tế đang áp dụng đối với thuốc của nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU được đấu thầu khung riêng so với các sản phẩm của nhà máy có tiêu chuẩn thấp hơn. Như vậy sẽ vừa tạo thị trường minh bạch, vừa khuyến khích các đơn vị nỗ lực để nuôi trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn cao và người dân được tiếp cận thuốc tốt từ chế độ khám bảo hiểm y tế.
Đồng quan điểm trên, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco cho biết, các doanh nghiệp tiên phong có thể phải chịu nhiều rủi ro khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, người trồng dược liệu luôn có tư duy chỉ vì cái lợi trước mắt, sẵn sàng quay lưng với doanh nghiệp. Dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO vẫn bị “đối xử” như các dược liệu khác là không công bằng. Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Nhà nước cần xây dựng các tiêu chí kỹ thuật chi tiết trong đấu thầu dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền vào bệnh viện theo hướng ưu tiên sử dụng dược liệu Việt Nam, nhất là dược liệu đạt tiêu chuẩn cao; cần tăng tỷ lệ thuốc sản xuất từ dược liệu tại Việt Nam trong tổng giá trị tiền sử dụng thuốc hằng năm của bệnh viện. Chỉ khi coi trọng sử dụng thuốc từ dược liệu được trồng và khai thác theo GACP-WHO thì mới kích thích việc phát triển dược liệu sạch.
Một số đơn vị khác cũng đề nghị cơ quan quản lý cần cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO cho những đơn vị công bố đạt chuẩn, thay vì cấp phiếu tiếp nhận công bố sản xuất dược liệu GACP-WHO như hiện nay. GACP-WHO là hệ thống quản lý chất lượng cần được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền, chứ không chỉ đơn thuần là một tiêu chuẩn chất lượng để cấp phiếu tiếp nhận. Do tên gọi chưa phản ánh đúng bản chất của hệ thống đã khiến một số doanh nghiệp mất cơ hội xuất khẩu dược liệu khi đối tác chỉ chấp nhận giấy chứng nhận của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, đối với những loại dược liệu trong nước đã đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, đủ cung ứng cho thị trường thì các cơ quan chức năng cần có cơ chế để hạn chế việc nhập khẩu các loại dược liệu.
Được biết, Bộ Y tế đang sửa đổi Thông tư 14/2009/TT-BYT để hướng dẫn, thực hiện GACP-WHO theo quy định của Luật Dược sửa đổi. Những bất cập nêu trên cần được xem xét, tháo gỡ để thật sự khuyến khích được các đơn vị đầu tư trồng dược liệu, tăng sức cạnh tranh cho dược liệu sạch và góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 60 loài dược liệu được trồng đạt chuẩn GACP-WHO như Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã đề ra.