Quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam tuy có giá trị 5,3 tỷ USD, nhưng chỉ 1,6 tỷ USD là dành cho các nhà bán lẻ, trong khi có tới 57.000 nhà thuốc đang tham gia mảng này. Thị phần tuy hạn chế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn muốn "tham chiến", điều này dự báo mô hình chuỗi nhà thuốc sẽ lên ngôi?
Năm 2017, thị trường xôn xao khi CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) tuyên bố tiến quân vào lĩnh vực dược phẩm. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG bày tỏ tham vọng sẽ mở chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm thông qua hình thức M&A với 500 cửa hàng, từ 10-15 cửa hàng ban đầu.
Để thực hiện tham vọng này, năm 2018, MWG đã rót vốn vào CTCP Chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, đơn vị quản lý khoảng 20 cửa hàng bán lẻ dược phẩm quy mô trung bình tại TP.HCM.
Tuy nhiên, thay vì mua đứt và nắm quyền kiểm soát với 51% cổ phần như kế hoạch ban đầu, ông chủ MWG chỉ muốn sở hữu 49% cổ phần của Phúc An Khang. Tổng giá trị cho thương vụ này là hơn 62 tỷ đồng. Điều này cho thấy, MWG đang thận trọng với lĩnh vực không phải thế mạnh là dược phẩm, dù đánh giá tiềm năng. Và kết quả thực tế thể hiện sự thận trọng là không thừa. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018, MWG ghi nhận khoản lỗ 734 triệu đồng từ mảng dược phẩm.
Ngoài MWG, trong năm qua, một đại gia trong ngành phân phối sản phẩm công nghệ khác là FPT Retail cũng chính thức lấn sang mảng bán lẻ dược phẩm khi đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho biết, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang có doanh thu trung bình mỗi tháng cao vượt trội so với các chuỗi khác. Cụ thể, bình quân theo tháng, mỗi cửa hàng thuốc Long Châu đạt doanh thu 136.000 USD, trong khi chuỗi Pharmacity là 11.000 USD, Phano là 18.000 USD, Eco là 25.000 USD và An Khang là 32.000 USD. Theo đó, FPT Retail đặt mục tiêu sẽ mở trung bình 100 cửa hàng thuốc/năm và đến năm 2022 sở hữu 400 cửa hàng.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), kế hoạch mở 400 cửa hàng chỉ trong chưa đầy 5 năm của FPT Retail là không dễ thực hiện. Bởi trên thực tế, các chuỗi nhà thuốc như Mỹ Châu hay Phano dù đã xuất hiện từ 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn mờ nhạt. Ngay cả các chuỗi nhà thuốc đã thành công trên thế giới như Mercury (Phillipines) hay Raia Drogasil (Brazil) cũng phải mất nhiều năm để đạt được cột mốc này.
57.000 nhà thuốc chia nhau phần bánh 1,6 tỷ USD
Hiện tại, thị trường bán lẻ dược phẩm của Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó nổi bật là các công ty chuyên bán lẻ dược phẩm theo mô hình chuỗi nhà thuốc như Phano (khoảng 60 nhà thuốc), Pharmacity (khoảng 39 nhà thuốc), Vistar (khoảng 20 nhà thuốc)… và mới nhất là MWG, FPT Retail.
Theo Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 5,3 tỷ USD. Tuy nhiên, kênh bệnh viện chiếm tới 70% thị phần, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ, tương đương 1,6 tỷ USD, trong khi có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc trên cả nước.
Theo VDSC, thị phần hạn chế đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm. Mặt khác, hiện tại, bán lẻ theo chuỗi không chiếm ưu thế, mà thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ. VDSC cho biết, doanh số bán lẻ dược phẩm của Việt Nam mới đạt 30% trong tổng doanh thu toàn thị trường dược, trong khi tỷ lệ này ở Brazil là 64% và Philippines là 80%.
Thực tế, mật độ nhà thuốc tại Việt Nam nằm trong top các nước có mật độ nhà thuốc cao nhất trên thế giới, trong khi mật độ dược sĩ/người dân lại thuộc nhóm thấp nhất. Điều này lý giải vì sao chất lượng tư vấn ở các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ tại Việt Nam không cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc mở rộng của các chuỗi nhà thuốc gặp khó khăn bởi theo quy định, mỗi nhà thuốc cần có một dược sĩ có bằng đại học trở lên.
Tại Việt Nam, số lượng người dân tham gia bảo hiểm y tế được dự báo sẽ ngày càng tăng, mà bảo hiểm y tế chỉ được chi trả trong kênh bệnh viện, trong khi các bệnh viện tư cũng đều có nhà thuốc của riêng mình. Điều này sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng của kênh bán lẻ dược phẩm.
“Thực tế tại Việt Nam không thật sự ủng hộ chuỗi bán lẻ. Thành công của chuỗi cửa hàng Long Châu sẽ phụ thuộc vào việc chiếm được bao nhiêu phần trong thị trường phân mảnh hiện tại, hơn là tăng trưởng tự nhiên của ngành (được BMI dự đoán đạt khoảng 12%/năm). Do đó, việc phát triển thành công các chuỗi cửa hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào cách thức triển khai của FPT Retail”, VDSC đánh giá.
Công ty nghiên cứu thị trường IMS Health dự báo, tiêu thụ thuốc tại Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người cải thiện, sự quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe của người dân Việt Nam là những yếu tố thúc đẩy ngành dược nói chung và bán lẻ dược phẩm nói riêng phát triển.
Hiện tại, dù môi trường chưa thực sự thuận lợi, nhưng cạnh tranh đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành bán lẻ dược phẩm và cuộc chiến này được dự báo sẽ chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho mô hình chuỗi nhà thuốc hiện đại bởi các quy định ngày càng khắt khe của ngành y tế, cũng như xu hướng thận trọng của người tiêu dùng. Đi kèm với đó, sẽ có nhiều nhà thuốc chấp nhận M&A hoặc giải thể.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn