UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có buổi làm việc trực tuyến với Đại sứ Phạm Sanh Châu, các tham tán, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ về việc vận động dự án “công viên dược phẩm”.
Dự án “Công viên dược phẩm” thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, mục tiêu là xây dựng khu dược phẩm đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, quy mô khoảng 500ha, tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD.
Dự án hướng tới việc thu hút các công ty dược phẩm toàn cầu kết nối, thiết lập cơ sở sản xuất; nâng cao khả năng tự chủ về dược phẩm, đưa Việt Nam lên bản đồ dược phẩm thế giới, đồng thời, mang lại những lợi ích dài hạn như tạo việc làm cho 50.000 lao động trực tiếp và 200.000 lao động gián tiếp…
Các nhà đầu tư Ấn Độ mong muốn tìm kiếm hạ tầng đầu tư, phát triển sản xuất trong thời hạn 99 năm. Một số tiêu chí ban đầu như: vị trí xây dựng công viên dược phẩm gần các cảng biển nhưng không quá xa thành phố và có hạ tầng giao thông tốt để thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu thành phẩm; diện tích đất sạch tích lý tường từ 500 - 1.000ha (tối thiểu 300ha) cùng những ưu đãi cho xây dựng hạ tầng và sản xuất kinh doanh từ chính quyền; nguồn cung năng lượng không gián đoạn; nguồn nước sạch đảm bảo sản xuất; nguồn cung nhân lực dồi dào...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh giá việc kêu gọi, vận động vự án “Công viên dược phẩm” từ Ấn Độ hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Còn theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, tỉnh Thanh Hoá là một trong 12 tỉnh, thành phố được các nhà đầu tư Ấn Độ lựa chọn, tìm hiểu để đầu tư dự án “Công viên dược phẩm”. Tỉnh có những tiềm năng, điều kiện thuận lợi để triển khai đầu tư, thực hiện dự án.
Tuy nhiên, để thuyết phục được các nhà đầu tư, Đại sứ Châu cho rằng tỉnh Thanh Hoá cần cung cấp thêm những thông tin cụ thể, chi tiết hơn về mặt bằng dự kiến để triển khai dự án, nguồn nhân lực, những chính sách hỗ trợ khuyến khích và thông tin về doanh nghiệp có đủ tiềm lực để triển khai dự án.
Bên cạnh đó, phía đại sứ quán cũng mong muốn tỉnh Thanh Hoá cung cấp đầu mối để thuận lợi cho việc liên lạc, thông tin về dự án “Công viên dược phẩm” và nhiều dự án khác phù hợp với địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết ngay sau buổi làm việc, tỉnh sẽ triển khai thực hiện những yêu cầu mà đại sứ quán đưa ra về đầu mối liên lạc, thông tin về các doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Ngoại vụ tiếp tục thực hiện đấu mối thông tin về vận động dự án “Công viên dược phẩm”; giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp những yêu cầu, đề xuất của đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cung cấp thông tin, trả lời phía đối tác trong thời gian sớm nhất.
Nghi Xuân - vietnamfinance