Năm 2021 chứng kiến sự tăng lên về số lượng lẫn chất lượng của hệ thống kho lưu trữ, bảo quản thuốc (kho GSP) tại Việt Nam. Ngoài việc tự đầu tư xây kho bảo quản tiêu chuẩn, chủ đầu tư có xu hướng thuê đặt kho tại Việt Nam để tối ưu chi phí và nhân lực. Hãy cùng tìm hiểu thực trạng sở hữu kho GSP của các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước qua bài viết dưới đây.
I, Doanh nghiệp nước ngoài
1, Doanh nghiệp nước ngoài nên thuê kho đạt chuẩn GSP hay tự đầu tư xây dựng?
Doanh nghiệp nước ngoài có thể tự đầu tư, xây dựng kho tiêu chuẩn GSP để bảo quản cho chính các sản phẩm mà Doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu. Trường hợp chưa xây kho, hoặc sở hữu kho thì có thể thuê kho đạt tiêu chuẩn GSP của Doanh nghiệp Việt Nam
Trường hợp thuê kho, Doanh nghiệp FIE phải trực tiếp quản lý và vận hành kho thuốc (nguyên liệu làm thuốc) đó (Mới được coi là cơ sở để Cục Quản lý dược xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi Xuất nhập khẩu trực tiếp.
Không cho phép Doanh nghiệp FIE thuê kho của một doanh nghiệp FIE khác để làm cơ sở xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi Xuất nhập khẩu trực tiếp
Không cho phép các Doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước thuê Kho bảo quản (có dịch vụ bảo quản - của Doanh nghiệp trong nước) làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi Xuất nhập khẩu trực tiếp.
2, Thực trạng việc sở hữu kho GSP của các Doanh nghiệp nước ngoài
Hiện nay có một số doanh nghiệp nước ngoài lớn tại Việt Nam sở hữu hệ thống kho tiêu chuẩn GSP như:
DKSH sở hữu 03 kho ở Hà Nội (KCN Quang Minh), Đà Nẵng, Bình Dương (KCN VSIP) và thuê thêm các kho, chủ yếu của các đối tác.
Zuellig có kho riêng tại Khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh và sử dụng thuê thêm các kho của các đơn vị như Coduphar, Đông Á, …
Mega có kho riêng tại… và sử dụng dịch vụ thuê kho tại các đơn vị, …
Trên thực tế, các Doanh nghiệp nước ngoài lớn (Zuellig, DKSH, Mega, ...) mặc dù đã đầu tư các kho bảo quản GSP lớn, cùng nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác (hơn 300 doanh nghiệp - theo thống kê năm 2020) đều có nhu cầu thuê kho bảo quản đạt tiêu chuẩn GSP. Các Doanh nghiệp phân phối trong nước có định hướng đầu tư kho GSP để đáp ứng nhu cầu này đều đầu tư chưa đủ quy mô, hoặc chưa đáp ứng được các yêu cầu của họ nên nhu cầu thuê kho bảo quản chất lượng của các Doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn.
Kho bảo quản thuốc Zuellig
Ví dụ:
Năm 2017, Codupha hoàn thành tổng kho dược phẩm với quy mô 7,000m2 tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân - Hồ Chí Minh, tuy nhiên chỉ chưa đầy 6 tháng, đã lấp đầy công suất. Zuellig đã khảo sát, đánh giá đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên công suất không đủ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Năm 2018, Mega và Zuellig đề nghị Hapharco đầu tư kho GSP lớn hơn (so với kho quy mô ~ 2000m2 tại đường Trường Chinh) để hợp tác. Hapharco đã lập dự án đầu tư xây kho quy mô 10,000m2 tại KCN Thường Tín, tuy nhiên, do việc mua bán sáp nhập, dự án đã được chuyển về KCN Quang Minh, và cho đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành, đạt chứng nhận GSP để đi vào hoạt động.
Dựa vào những thông tin trên ta có thể thấy đây là nhóm các Doanh nghiệp có nhu cầu lớn về thuê kho GSP với tiêu chuẩn cao, đáp ứng Hệ thống quản lý nội bộ của họ và các tiêu chuẩn cao hơn như EU – GDP.
II, Doanh nghiệp trong nước
1, Doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phân phối
Hầu hết, các Doanh nghiệp sản xuất Dược tại Việt Nam đều tự xây dựng kênh phân phối (mà không chuyên môn hóa theo mô hình chung, phổ biến của Thế giới). Đây cũng là một vấn đề được đánh giá là nguyên nhân dẫn tới khó có thể phát triển lớn mạnh do phải dồn nguồn lực cho nhiều mảng, đồng thời dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt. Với đặc thù và quy định của ngành dược, tại mỗi điểm bảo quản hàng, đều phải đáp ứng yêu cầu/tiêu chuẩn GSP, dẫn tới các Doanh nghiệp đầu ngành như Dược Hậu Giang, Traphaco, … đều có các chi nhánh (GDP) tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, cùng với hệ thống kho phân tán tại các trụ sở/chi nhánh này. Việc đầu tư phân tán các kho bảo quản, cộng với đó là cơ cấu, chi phí nhân sự… dẫn tới chi phí logistics rất lớn.
Các Doanh nghiệp này dường như đều đã nhận ra sự bất cập của mô hình này, tuy nhiên không dễ giải quyết trong ngắn hạn do tái cấu trúc hệ thống phân phối/logistics sẽ cần có các hệ thống tổng kho bảo quản lớn - Doanh nghiệp không đủ nguồn lực để tự xây mà thị trường thì chưa có giải pháp thay thế, chứng minh tính hiệu quả.
Đánh giá: Đây là nhóm các Doanh nghiệp tự đầu tư các kho GSP, đã nhận ra bất cập của mô hình, nhưng chưa có mô hình thay thế. Nếu có một mô hình dịch vụ thay thế, chứng minh tính hiệu quả hơn, đây sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng.
Kho bao quản tiêu chuẩn GSP
2, Doanh nghiệp chuyên phân phối (không sản xuất)
Ước tính có tới hơn 400 Doanh nghiệp trong nước chỉ chuyên phân phối tham gia vào thị trường ngành dược (và khoảng hơn 1,600 Doanh nghiệp phân phối nhỏ lẻ khác - được cấp chứng nhận GDP). Việc đầu tư các kho bảo quản quy mô nhỏ (30m2 ~100m3) để đáp ứng yêu cầu về GDP (điều kiện cần để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phân phối thuốc) tại trụ sở và các thị trường (tỉnh thành) mà họ thực hiện kinh doanh kéo theo chi phí đầu tư và vận hành rất lớn. Bài toán của các Doanh nghiệp này là: Nếu chỉ lưu hàng tại một số lượng hạn chế địa điểm, thời gian giao hàng sẽ không đáp ứng. Còn nếu lưu hàng tại nhiều địa điểm, mỗi địa điểm lại phải đầu tư một cơ sở GDP/GSP, chi phí đầu tư, vận hành lại rất lớn hoặc không có khả năng đầu tư.
Trong nhóm này, chỉ có một số Doanh nghiệp như: Codupha, Hapharco, … là có các kho bảo quản lớn, sử dụng để bảo quản các thuốc mà chính họ nhận làm Dịch vụ ủy thác nhập khẩu (Cho các đối tác nước ngoài) và chính họ phân phối (Làm thủ tục đấu thầu, phân phối vào bệnh viện). Hệ thống các kho này chỉ đang đủ đáp ứng nhu cầu của chính Doanh nghiệp.
Đánh giá: Đây là nhóm các Doanh nghiệp rất cần dịch vụ Bảo quản, lưu trữ nhưng chưa có mô hình nào đáp ứng được nhu cầu, chứng minh tính hiệu quả.
Xem thêm:
Kho bảo quản dược phẩm Codupha tiêu chuẩn GSP
Kho bảo quản dược phẩm Harphaco tiêu chuẩn GSP
3, Doanh nghiệp làm dịch vụ Logistics - Có dịch vụ cho thuê kho GSP
Hiện tại, có một số Doanh nghiệp đã nhận ra tiềm năng của thị trường Logistics dược phẩm và tham gia vào thị trường này. Có 03 Doanh nghiệp chính, bao gồm:
Dược Đông Á
Bắt đầu kinh doanh Logistics từ 2009;
Trụ sở công ty tại Hà Nội rộng hơn 5.000 m2 tại Cụm Công nghiệp Từ Liêm;
Kho Hà Nội: 03 kho hàng tiêu chuẩn GSP (tổng diện tích 3.010m2, sức chứa 2.890 pallet),
Kho GSP tại Tp Hồ Chí Minh (diện tích 1.500 m2, sức chứa 1.404 pallet)
Kho GSP tại KCN Hòa Khánh - Đà Nẵng (diện tích 3516m2, sức chứa 3900 pallets)
Tổng cộng kho GSP: Quy mô 8,000 m2 kho ~ 8,194 Pallets
Đánh giá: Quy mô các kho còn nhỏ, chỉ đáp ứng cho các công ty nhỏ, trong nước. Mô hình dịch vụ chưa tối ưu, chuyên môn hóa (thực hiện cả dịch vụ tự phân phối thuốc)
GONSA
GONSA cũng phát triển kinh doanh ban đầu tư dịch vụ phân phối thuốc
Sau đó phát triển dịch vụ dịch vụ giao hàng và thu tiền cho các đối tác kết hợp với nhận phân phối thuốc cho đối tác
Năm2019, Gonsa đầu tư Kho bảo quản với quy mô ~ 8,000m2 (~ 8,000 Pallets) tại Hiệp Phước, phát triển dịch vụ Logistics dược phẩm.
Hiện tại, công suất cho thuê cũng đạt >50%, tuy nhiên chủ yếu làm dịch vụ bảo quản cho Stellapharm - Công ty đã mua lại Stada vào 8/2019
Các dịch vụ cho thuê ngoài cho các Doanh nghiệp khác chưa phát triển, do mô hình kinh doanh của Gonsa (Công ty vẫn giữ mảng kinh doanh Phân phối, đấu thầu thuốc của mình)
Dược Hoàng Đức
Sở hữu Kho đạt chuẩn GSP tại khu công nghiệp Long Hậu với quy mô 17.000m, sức chứa 8.000 pallets (giai đoạn 1), hoạt động từ tháng 3/2019
Dịch vụ: Đóng gói thứ gcấp: gia công thay toa, vỏ hộp thuốc, in & dán tem, nhãn phụ...Quản lý hàng hóa, xuất nhập và xử lý đơn hàng; Vận chuyển dược phẩm - theo chuẩn GDP. Giao hàng và thu tiền (COD).
Công ty vẫn giữ mảng Phân phối thuốc và trang thiết bị y tế.
Đánh giá: Mặc dù các Doanh nghiệp này đã có kinh nghiệm tham gia thị trường phân phối dược phẩm, tuy nhiên mô hình kinh doanh dịch vụ Logistics dược phẩm chưa tối ưu, chưa có quy mô đủ lớn, cũng như việc giữ mảng tự phân phối làm xung đột quyền lợi với khách hàng.